Xuất siêu gần 9 tỷ USD, ngành dệt may vẫn chịu áp lực tăng trưởng: Nhiều yếu tố "đe doạ"
6 tháng đầu năm 2022, ngành dệt may đạt kết quả khá khả quan với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 22,3 tỷ USD, tăng trưởng 17,7% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng may mặc ước đạt 16,94 tỷ USD, tăng 19,5%, xuất khẩu vải ước đạt 1,4 tỷ USD, tăng 20,8%. Nửa đầu năm 2022, các doanh nghiệp dệt may trong nước nhập khẩu ước đạt 13,44 tỷ USD, tăng 9,8%. Như vậy, ngành dệt may xuất siêu khoảng 8,86 tỷ USD trong nửa đầu năm.
Chi phí tăng khiến doanh nghiệp ngành dệt may… giật mình
Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty TNHH May mặc Donny (TP.HCM), cho biết, công ty vừa mới báo giá cho khách quen (làm lâu năm). Theo ông Quang Anh, nhìn chung hiện nay nhiều thứ đều tăng giá: Nguyên liệu chính, vật liệu, nhân công, chi phí máy móc thiết bị, chi phí cho việc vận chuyển hàng… khiến cơ cấu chi phí trên sản phẩm cũng tăng.
"Mặc dù công ty đã chủ động cắt giảm đi phần lớn lợi nhuận vì chúng tôi cũng hiểu tâm lý khách hàng, hơn nữa đây cũng là đối tác tốt, đặt hàng đều đặn, thanh toán tốt. Dony cũng muốn làm ăn lâu dài nên đã cố gắng đưa ra một mức giá rất cạnh tranh. Tuy nhiên, khi đưa ra giá thì khách hàng cũng giật mình, mà bản thân chúng tôi cũng giật mình vì sau khi tính toán kỹ thì thấy giá cũng đội lên mạnh", ông Quang Anh chia sẻ.
Dù có đơn hàng khả quan, song nỗi lo lớn nhất của Tổng Công ty May 10 là nguồn cung nguyên phụ liệu, chi phí vận chuyển tăng cao… trong bối cảnh Trung Quốc thực hiện chiến lược Zero Covid.
Theo Tổng Giám đốc May 10 Thân Đức Việt, cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến giá xăng dầu, khí đốt leo thang, kéo theo giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Đặc biệt, với 50% nguyên phụ liệu dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi nước này áp dụng chiến lược Zero Covid, dẫn đến việc thiếu nguyên liệu ngay trong ngắn hạn và chi phí tăng cao hiện hữu.
"Dù chi phí tăng cao, nhưng giá bán sản phẩm sẽ khó tăng, hoặc nếu tăng thì cũng không thể theo được tốc độ tăng của nguyên liệu đầu vào", ông Việt chia sẻ.
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho hay, mức tăng trưởng xuất khẩu bình quân của ngành đạt khoảng 15% trong 6 tháng đầu năm.
"Đơn hàng tốt, giá ổn định đã giúp doanh nghiệp bứt phá trong nửa đầu năm. Hiện các doanh nghiệp đã ký được đơn hàng đến hết quý III/2022", ông Hồng nói.
Mặc dù có nhiều thuận lợi, nhưng ông Hồng cũng cho biết, lợi nhuận của doanh nghiệp không cao. Nguyên nhân là chi phí đầu vào tăng, đời sống của người lao động không cải thiện. Doanh nghiệp ngoài bù chi phí cho sản xuất còn thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động, nên lợi nhuận thu được không cao.
Bên cạnh đó, bối cảnh thị trường cuối năm 2022 có nhiều điểm không thuận lợi, sẽ ít có đơn hàng lớn do nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường nhập khẩu giảm.
"Xung đột Nga - Ukraine tiếp tục diễn biến khiến doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này gặp khó. Nguồn cung ứng nguyên phụ liệu bị gián đoạn, doanh nghiệp dè dặt không dám mở rộng sản xuất. Với trở ngại này, cho dù thị trường có cải thiện nhưng doanh nghiệp cũng không dám đầu tư cho sản xuất do không đáp ứng được đơn hàng", ông Hồng nhận định.
Tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành dệt may sẽ giảm tốc
Theo báo cáo mới cập nhật ngành dệt may của Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), hầu hết các công ty sản xuất hàng may mặc trong nước đều có đơn đặt hàng sản xuất đến tháng 11/2022 do sự chuyển dịch đơn đặt hàng hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam bất chấp áp lực lạm phát có thể cản trở nhu cầu may mặc ở các nước phát triển trong trung hạn.
Dù vậy, 5 tháng qua, do giá sợi nhập khẩu bình quân tăng 10% so với cùng kỳ do giá bông và dầu tăng lên, cùng với chi phí logistic neo ở mức cao đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.
Cụ thể, theo dữ liệu Sunsirs, giá sợi polyester và sợi bông ở Trung Quốc đều tăng từ 10% đến 18%, điều này dẫn đến chi phí vải tăng lên và ảnh hưởng đáng kể đến biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất trong nước - đặc biệt là những doanh nghiệp có phần lớn đơn hàng FOB (free on board - chủ động từ nguyên liệu cho đến thành phẩm) như May Sông Hồng (HoSE: MSH) và Dệt may Thành Công (HoSE: TCM).
"Dự báo, doanh thu và biên lợi nhuận các doanh nghiệp ngành dệt may có thể bị ảnh hưởng xấu nếu nền kinh tế Mỹ suy yếu hoặc áp lực lạm phát cao hơn xảy ra trong 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023", theo SSI Research.
Cũng theo các chuyên gia của SSI Research, ước tính tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất dệt may tại Việt Nam sẽ giảm tốc trong 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Lý do là bởi khách hàng đã rút ngắn thời gian đặt trước đơn hàng từ 6 tháng xuống 3 tháng (ngoại trừ kỳ nghỉ lễ trong quý IV) do lượng hàng tồn kho ở thị trường xuất khẩu ở mức cao và áp lực lạm phát.
"Toàn bộ chuỗi cung ứng hàng dệt may, từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ sẽ chịu tác động tiêu cực từ việc chi phí sợi, vải, logistic và nhân công tiếp tục neo ở mức cao do giá dầu tăng và sự cạnh tranh trên thị trường lao động (chủ yếu với các nhà máy FDI). Biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất trong nước dự báo sẽ tiếp tục bị thu hẹp", chuyên gia của SSI Research, dự báo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận