Xuất khẩu đầu năm đón tín hiệu phục hồi
Sức cầu của thị trường thế giới đang dần cải thiện khiến kim ngạch xuất khẩu tháng đầu tiên năm 2024 tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm 2023.
Số liệu của Bộ Công thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2024 ước đạt 33,6 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất kể từ tháng 9/2022.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 62,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 35,6%.
Trong tháng 1/2024 có bảy mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 65,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, gồm gỗ và sản phẩm gỗ; hàng dệt và may mặc; giày dép các loại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; phương tiện vận tải và phụ tùng.
Xuất khẩu tăng trưởng mạnh cả ở nhóm nông lâm thủy sản với 98,6% và nhóm công nghiệp chế biến tăng 38,4%.
Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong tháng 1/2024 chiếm gần 85% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, ước đạt 28,5 tỷ USD.
Đà tăng trưởng này có sự đóng góp lớn của mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện. Kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong tháng đầu tiên của năm 2024 ước đạt 5,8 tỷ USD, tăng 56,3% so với tháng trước là do Samsung mới cho ra mắt dòng sản phẩm mới Samsung Galaxy S24 vào giữa tháng 1/2024.
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu của gỗ và sản phẩm gỗ cũng tăng 4,6% so với tháng trước ước đạt 1,4 tỷ USD. Phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 10,8% ước đạt 1,3 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 8% ước đạt 900 triệu USD.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực thuộc nhóm công nghiệp chế biến đạt mức tăng trưởng cao như dệt may tăng 28,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 74,6%; giày dép các loại tăng 35%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 57,4%...
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng trong tháng 1/2024 có phần chững lại hoặc giảm so với tháng trước như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 12,1%, ước đạt 5 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 0,7%, ước đạt 3,8 tỷ USD; hàng dệt may giữ nguyên ở mức 2,9 tỷ USD; giày dép giảm 0,4%, ước đạt 1,85 tỷ USD…
Nhóm hàng nông thuỷ sản vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của cả nước với kim ngạch ước đạt 3,33 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và chiếm 9,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Trong đó, sắn và sản phẩm sắn tăng tới 93,4%, ước đạt 274 triệu USD; tiếp đến là rau quả tăng 24,9%, ước đạt 510 triệu USD; hạt điều và chè tăng trên 10%; cà phê, gạo, hạt tiêu tăng nhẹ từ 2 - 3,5% so với tháng trước.
Nguyên nhân chủ yếu là do lợi thế về giá các mặt hàng nông sản trong tháng 1/2024 khi giá tiếp tục tăng, trong khi giá của các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến vẫn trong xu hướng giảm.
Cụ thể, giá cà phê tăng tới 35,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt bình quân 2.955 USD/tấn; giá gạo tăng 33,5%, đạt bình quân 693 USD/tấn; giá hạt tiêu tăng 14,8%, đạt 3.953 USD/tấn; giá cao su tăng 3,7%...; trong khi giá xuất khẩu phân bón giảm 13,6%, giá chất dẻo giảm 11,7%; giá xơ, sợi dệt các loại giảm 11,7%.
Nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 279 triệu USD trong tháng đầu tiên của năm 2024, giảm mạnh 40% so với tháng trước. Các mặt hàng chủ lực trong nhóm này như dầu thô, xăng dầu giảm lần lượt là 12,2% và 51,9%.
Các thị trường lớn đang phục hồi tốt
Cũng theo Bộ Công thương, nhìn chung, xuất khẩu hàng hóa tới các thị trường xuất khẩu lớn đều phục hồi tốt trong tháng đầu năm 2024.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2024 với kim ngạch ước đạt 9,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với tháng 12/2023 và tăng tới 55,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Kim ngạch xuất khẩu tới các thị trường chính khác ước tính cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái như Trung Quốc tăng 57,8% ước đạt 6,1 tỷ USD; EU tăng 17,9% ước đạt 3,9 tỷ USD; ASEAN tăng 38,5% ước đạt 3,04 tỷ USD; Nhật Bản ước tăng 39,6%; Hàn Quốc 22,4%; EU 18%...
Xuất khẩu thủy sản phát tín hiệu hồi phục
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2024 ước đạt 30,65 tỷ USD, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp hàng hoá lớn nhất cho Việt Nam với kim ngạch ước đạt 10,9 tỷ USD, tăng 49,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Các thị trường xuất siêu lớn có thể kể đến như Mỹ ước tính đạt 8,2 tỷ USD, EU 2,5 tỷ USD, tăng 10,6%.
Trong khi đó, nhập siêu từ Trung Quốc ước đạt 4,8 tỷ USD; Hàn Quốc ước đạt 2,8 tỷ USD; ASEAN ước đạt 704 triệu USD.
Dự báo, tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, triển vọng tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư không đồng đều, rủi ro gia tăng, Bộ Công thương đề nghị các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp chủ động sáng tạo trong công tác phát triển thị trường cho sản phẩm địa phương, ngành hàng.
Đồng thời, cần phối hợp sát sao với các đơn vị thuộc Bộ Công thương, cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc xây dựng và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực, hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác đa dạng các thị trường xuất khẩu cũng như nhập khẩu phục vụ phát triển sản xuất…
Quan trọng hơn, các doanh nghiệp cần sẵn sàng quay trở lại sản xuất, kinh doanh để đón đầu cơ hội phục hồi của thị trường xuất khẩu thể giới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận