24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vy Lam
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Xu thế dòng tiền: Vì sao blue-chips vẫn “lạc nhịp”?

Sự phục hồi rõ nét hơn ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn cuối tuần qua, đặc biệt là nhóm ngân hàng, đang mang lại hi vọng về cơ hội thu hút dòng tiền trở lại nhóm này, dù các cổ phiếu đầu cơ nhỏ vẫn còn rất nóng...

Sự phục hồi rõ nét hơn ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn cuối tuần qua, đặc biệt là nhóm ngân hàng, đang mang lại hi vọng về cơ hội thu hút dòng tiền trở lại nhóm này, dù các cổ phiếu đầu cơ nhỏ vẫn còn rất nóng.

Các chuyên gia đều đồng thuận đánh giá cao tín hiệu phục hồi của các cổ phiếu blue-chips vì chỉ những cổ phiếu này mới có thể kiến tạo xu hướng cho thị trường. Tuy vậy những tín hiệu tuần qua vẫn còn mờ nhạt, đặc biệt là thanh khoản chưa thực sự gia tăng rõ rệt ở nhóm VN30, thậm chí nếu tính theo tuần thì thanh khoản còn giảm.

Nguyên nhân được chỉ ra là cơ hội ở các cổ phiếu blue-chips không rõ ràng. Các mã này sau một thời gian tăng dài đã đi vào trạng thái tích lũy và biến động ít. Nhà đầu tư không có nhiều cơ hội ngắn hạn tại đây, trong khi nhóm cổ phiếu nhỏ lại có biến động mạnh và xuất hiện làn sóng tăng giá. Do đó dòng tiền một phần chuyển qua đầu cơ các cổ phiếu nhỏ. Đánh giá về triển vọng của xu hướng đầu cơ này, các chuyên gia đều có cái nhìn thận trọng, nhưng vẫn cho rằng nhờ dòng tiền tốt, xu hướng tăng sẽ vẫn còn tiếp tục.

Nhìn về trung hạn, các chuyên gia vẫn cho rằng thị trường không có tín hiệu xấu, ngay cả khi kết quả kinh doanh quý 3 sắp được công bố, vì thị trường đã dự phóng tình huống xấu nhất. Lợi nhuận quý 3 sụt giảm sẽ tạo nên sự phân hóa và các cổ phiếu đầu cơ kém chất lượng sẽ bị thử thách. Ngược lại, điểm tích cực là lợi nhuận quý 3 cũng sẽ giúp chọn lọc các cổ phiếu có sức đề kháng tốt.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Thị trường có thêm một tuần đi ngang nữa với mức tăng khá nhẹ. Dù vậy VN-Index cũng đã vượt qua tuần đáo hạn phái sinh cũng như tái cơ cấu danh mục ETF ngoại, đồng thời đóng cửa trên mốc 1350 điểm. Cơ hội vượt đỉnh tháng 8 đang rất “sáng” với sự trở lại của các cổ phiếu ngân hàng, điều chưa có trong vài tuần trước. Anh chị đánh giá cơ hội này như thế nào?

Xu thế dòng tiền: Vì sao blue-chips vẫn “lạc nhịp”?
"Theo tôi điều cần nhất hiện tại đối với thị trường là một dòng tiền mạnh mẽ chấp nhận mua giá cao để thị trường có một sóng tăng tốt mới. Khi đó tôi mới giải ngân mạnh hơn vào thị trường". (Ông Nguyễn Việt Quang)

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Với những thông tin tích cực về số ca nhiễm mới có xu hướng giảm, tốc độ triển khai chương trình tiêm vaccine được đẩy nhanh cùng việc nới lỏng các quy định cách ly xã hội, thị trường đã có tuần phản ứng tương đối tích cực.

Tôi cho rằng dư địa ảnh hưởng của các yếu tố thông tin này sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường giao dịch trong tuần tới, dù lo ngại về các số liệu kết quả kinh doanh quý 3 tới đây có thể khiến đà tăng không thực sự mạnh mẽ. Dù vậy, với việc VN-Index đang cách đỉnh tháng 8 không xa, khả năng vượt đỉnh là hoàn toàn khả thi.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Theo tôi thấy giai đoạn hiện tại dòng ngân hàng đang phân hóa khá mạnh cũng như dòng tiền chưa tham gia trở lại nhóm ngành này và thanh khoản chỉ cải thiện ở phiên thứ 6 – phiên cơ cấu ETF. Để dòng Ngân hàng tăng trở lại cần dòng tiền mua mạnh và liên tục. Chúng ta có thể hy vọng nhóm cổ phiếu này hồi phục 5-10% nhưng để tăng mạnh hơn thì cần phải dòng tiền lớn.

Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank

Tôi cho rằng thị trường nhiều khả năng sẽ vượt qua vùng đỉnh tháng 8 khi nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn bắt đầu thu hút dòng tiền trở lại, nhất là tại nhóm ngân hàng và bán lẻ. Hơn nữa, theo phân tích kỹ thuật mốc 1.350 điểm sau khi vượt qua được vượt qua vào cuối tuần trước đã trở thành hỗ trợ mạnh để củng cố đà tăng của thị trường.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Tôi cũng đang dự báo chỉ số VN-Index sớm muộn gì cũng có thể vượt qua vùng cản 1.350 – 1.355 điểm thuyết phục hơn nhờ vào nhóm cổ phiếu lớn, nhóm cổ phiếu VN30, nhóm chứng khoán, ngân hàng, công nghệ, dầu khí…. rõ ràng khả năng vượt đỉnh tháng 8 dễ xảy ra hơn trong tuần giao dịch tới.

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index có nhiều cơ hội để vượt đỉnh tháng 8 khi chốt tuần trên ngưỡng 1.350 điểm đồng thời vượt đường xu hướng giảm kể từ tháng 7. Diễn biến này khá tương đồng với nhóm cổ phiếu ngân hàng khi nhóm này đã có quá trình kiểm tra ngưỡng hỗ trợ thành công.

Tuy vậy, vẫn cần thêm dấu hiệu xác nhận từ thanh khoản thị trường ở các phiên sắp tới, mặc dù ở phiên cuối tuần thanh khoản khớp lệnh trên sàn HSX đã tăng lên mức 23.700 tỷ đồng so với mức bình quân 17.200 tỷ đồng ở 3 phiên giữa tuần. Về cơ bản thì những lực cản đối với thị trường cũng đang dần qua đi, dữ liệu quý 3 của doanh nghiệp hay của nền kinh tế cũng đã được thị trường phản ánh và cũng nằm trong dự phóng của nhà đầu tư.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Dòng tiền chưa cải thiện nhiều trong tuần, nhất là VN30 đang tụt giảm giao dịch, kể cả khi có phiên cuối tuần với các quỹ giao dịch. Theo anh chị tại sao dòng tiền chưa quay trở lại blue-chips?

Xu thế dòng tiền: Vì sao blue-chips vẫn “lạc nhịp”?
"Theo tôi có lẽ bởi thị trường ở trong giai đoạn điều chỉnh tích lũy, không biến động nhiều về chỉ số có nghĩa dòng tiền đang chưa sẵn sàng nhập cuộc với các cổ phiếu lớn". Ông Lê Đức Khánh

Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank

Tôi nghĩ việc dòng tiền đổ vào nhóm cổ phiếu penny là xu hướng tất yếu, khi số lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường ngày càng tăng trong khi thị giá các cổ phiếu blue-chip và midcap đã ghi nhận mức tăng mạnh từ năm 2020.

Trong khi đó, một số nhóm cổ phiếu có vai trò dẫn dắt thị trường lại đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của đợt dịch lần 4 khiến xu hướng này càng trở nên phổ biến hơn trong giai đoạn gần đây.

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Tuần vừa qua, thanh khoản khớp lệnh trên sàn HSX còn 19.400 tỷ đồng (-8,3% so với tuần trước đó) và cũng là mức thấp nhất trong 6 tuần. Đáng chú ý là thanh khoản khớp lệnh ở nhóm VN30 cũng chỉ đạt 7.700 tỷ đồng (-13,2% với với tuần trước) và cũng là mức thanh khoản thấp nhất kể từ tháng 4, trong 4 tuần gần đây mức khớp lệnh bình quân ở nhóm VN30 chỉ đạt 8.500 tỷ đồng và chưa có tuần nào vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng.

Theo tôi sở dĩ dòng tiền sụt giảm ở nhóm blue-chips là do:

i) Nhóm cổ phiếu có mức tập trung vốn lớn nhất là ngân hàng đang trong quá trình tích lũy, tỷ trọng nhóm này trong vài tuần gần đây đã tụt xuống vị trí thứ 2 sau nhóm vật liệu xây dựng, hiện chỉ chiếm 16,4%, bằng 1/2 so với mức bình quân kể từ đầu năm.

ii) Dòng tiền hiện vẫn hoạt động tích cực ở nhóm smallcap, mức bình quân kể từ đầu năm ở nhóm này chỉ hơn 2.000 tỷ đồng, nhưng ở 8 tuần tăng liên tiếp vừa qua đã lên mức 3.100 tỷ đồng và ở 3 tuần gần nhất thanh khoản nhóm này đã đạt 3.733 tỷ đồng.

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Xu thế dòng tiền: Vì sao blue-chips vẫn “lạc nhịp”?
"Khi mùa báo cáo lợi nhuận quý 3 dần tác động đến diễn biến thị trường, cơ hội ở nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ sẽ giảm đáng kể. Dù vẫn có những doanh nghiệp vốn hóa nhỏ duy trì được kết quả kinh doanh khả quan trong mùa dịch, tuy nhiên đây chỉ là số ít". Ông Trần Đức Anh

Dòng tiền trong tuần qua nhìn chung không quá sôi động ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn với nguyên nhân chủ yếu đến từ việc nhà đầu tư lo ngại phiên tái cơ cấu danh mục ETFs và đáo hạn phái sinh có thể xuất hiện các biến động mạnh. Tôi cho rằng trong tuần tới, nhiều khả năng dòng tiền sẽ quay trở lại nhóm vốn hóa lớn.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Theo tôi có lẽ bởi thị trường ở trong giai đoạn điều chỉnh tích lũy, không biến động nhiều về chỉ số có nghĩa dòng tiền đang chưa sẵn sàng nhập cuộc với các cổ phiếu lớn mà tạm thời chuyển sang các cổ phiếu vừa và nhỏ hoặc các cổ phiếu “bị quên lãng”. Có lẽ chỉ khi VN-Index tăng lên vùng 1.380 hoặc xa hơn là 1.400 điểm thì dòng tiền đẩy sẽ kéo theo đà tăng điểm của nhóm cổ phiếu blue-chips…

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Theo tôi thấy dòng tiền chưa quay lại nhóm bluechip có lẽ là do: i) Nhóm cổ phiếu này cần dòng tiền lớn mới có thể đẩy giá tăng được trong khi định giá nhiều cổ phiếu không còn rẻ. ii) Dòng tiền hiện tại vẫn còn dừng chân ở midcap, penny nơi mà đem lại tỷ suất lợi nhuận cao.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Ngoài kỳ vọng các hoạt động kinh tế được nới lỏng thận trọng trong thời gian tới, thị trường vẫn đang ở vùng trũng thông tin. Anh chị chờ đợi yếu tố hỗ trợ nào khác đủ mạnh cho thị trường để giải ngân mạnh hơn?

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Theo tôi, yếu tố cần nhất lúc này là thanh khoản thị trường tăng trở lại, đặc biệt là ở nhóm blue-chips qua đó củng cố cho mô hình tăng tiếp diễn ở chỉ số.

Bên cạnh đó, dòng vốn ngoại đang có dấu hiệu quay trở lại các thị trường Đông nam Á và các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn độ,… nên cũng có thể kỳ vọng dòng vốn ngoại quay lại thị trường Việt Nam khi chỉ số VN-Index đang có mức tăng 22,5% kể từ đầu năm, chỉ đứng sau thị trường Ấn Độ ở Châu Á.

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Từ thời điểm cuối tháng 9 trở đi tâm điểm thị trường sẽ chú ý vào mùa báo cáo lợi nhuận quý 3. Điều này sẽ tạo ra sự phân hóa của dòng tiền. Dù kết quả tiêu cực đã được dự báo trước, các nhóm cổ phiếu có tình hình kinh doanh tích cực hơn kỳ vọng vẫn có thể đón nhận sự quan tâm của dòng tiền.

Xu thế dòng tiền: Vì sao blue-chips vẫn “lạc nhịp”?
"Tôi cho rằng thị trường nhiều khả năng sẽ vượt qua vùng đỉnh tháng 8 khi nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn bắt đầu thu hút dòng tiền trở lại, nhất là tại nhóm ngân hàng và bán lẻ".- Ông Đào Tuấn Trung

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Tôi nghĩ rằng nững thông tin kiểm soát được đà lây lan của dịch bệnh, hoạt động đầu tư công được đẩy mạnh trong quý 3, dự báo lợi nhuận quý 3 của một số doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành nghề cơ bản hoặc có thể là câu chuyện khối ngoại quay trở lại mua ròng cũng có thể là động lực hỗ trợ thị trường trong 2 tuần cuối tháng 9.

Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank

Việc thực hiện giãn cách đang khiến các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản trở nên kém hấp dẫn hơn so với chứng khoán. Theo thống kê, hơn 80% sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa tại các vùng có dịch trong khi quá trình chuyển đổi sang bán online cần thời gian để khách hàng thích nghi. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng bắt đầu có động thái giảm nhẹ lãi suất huy động trong tuần vừa qua.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Theo tôi điều cần nhất hiện tại đối với thị trường là một dòng tiền mạnh mẽ chấp nhận mua giá cao để thị trường có một sóng tăng tốt mới. Khi đó tôi mới giải ngân mạnh hơn vào thị trường.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Các cổ phiếu vốn hóa nhỏ vẫn tiếp tục là tâm điểm của cơ hội lợi nhuận, nhiều cổ phiếu đã có mức tăng rất mạnh mà ngay cả các yếu tố hỗ trợ cơ bản cũng khó lý giải hợp lý được. Theo đánh giá của anh chị, đà tăng ở nhóm này sẽ vẫn tiếp tục đến lúc nào?

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Tôi cho rằng khi mùa báo cáo lợi nhuận quý 3 dần tác động đến diễn biến thị trường, cơ hội ở nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ sẽ giảm đáng kể. Dù vẫn có những doanh nghiệp vốn hóa nhỏ duy trì được kết quả kinh doanh khả quan trong mùa dịch, tuy nhiên đây chỉ là số ít, trong khi phần đông các doanh nghiệp vốn hóa nhỏ và vừa với tiềm lực tài chính không thực sự mạnh sẽ chịu sự sụt giảm mạnh về lợi nhuận.

Xu thế dòng tiền: Vì sao blue-chips vẫn “lạc nhịp”?
"Về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index có nhiều cơ hội để vượt đỉnh tháng 8 khi chốt tuần trên ngưỡng 1.350 điểm đồng thời vượt đường xu hướng giảm kể từ tháng 7. Diễn biến này khá tương đồng với nhóm cổ phiếu ngân hàng khi nhóm này đã có quá trình kiểm tra ngưỡng hỗ trợ thành công. Tuy vậy, vẫn cần thêm dấu hiệu xác nhận từ thanh khoản thị trường ở các phiên sắp tới." - Ông Ngô Quốc Hưng.

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ đang có chuỗi tăng 8 tuần liên tiếp, chuỗi tăng liền mạch gần nhất kéo dài tới 11 tuần trong khoảng thời gian từ giữa tháng 11/2020 đến tháng giữa tháng 1/2021. Bên canh đó thanh khoản nhóm này như đã phân tích ở trên cũng chưa có đỉnh mới. Theo tôi cơ hội để nhóm này tăng tiếp vẫn còn dư địa, tuy nhiên cũng do chuỗi tăng đã kéo dài và thanh khoản đang ở vùng cao cũng là yếu tố rủi ro.

Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank

Thời gian qua nhóm cổ phiếu thuộc họ Louis đang đóng vai trò dẫn dắt đà tăng của các cổ phiếu penny. Tôi cho rằng sóng tăng của các cổ phiếu này chỉ kết thúc khi các cổ phiếu nhóm Louis quay đầu.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Theo tôi nhìn diễn biến, phân tích cung cầu giao dịch có lẽ đà tăng nhóm này có thể kéo dài thêm vài tuần cho đến tháng 10.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Tôi cho rằng nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ giai đoạn này là do dòng tiền nóng tham gia vào đẩy giá và dòng tiền này thường không bền nên nhóm này tăng giảm khá nhanh. Đà tăng của nhóm này sẽ nhanh kết thúc thôi và kết thúc khi dòng tiền nóng rút khỏi.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
1,228.10 -0.23 (-0.02%)
1,047.71 +0.72 (+0.07%)
PTKT
prev
next

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả