24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Dũng Chín
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Xu thế dòng tiền: Chờ đợi thị trường chiết khấu hết tin xấu

Việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất ngay sau quyết định của Fed thể hiện sức ép không thể đứng ngoài, nhất là khi đây là quyết định đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước dù Fed đã tăng liên tục lãi suất nhiều lần trước đó.

Động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước được đánh giá là vẫn chưa chiết khấu đủ lên diễn biến thị trường. Các chuyên gia vẫn chờ thời điểm tốt hơn để giải ngân và mức giảm đủ mạnh sẽ thu hút được dòng tiền lớn tham gia.

Xu thế dòng tiền: Chờ đợi thị trường chiết khấu hết tin xấu
VN-Index đã có tuần giảm thứ 3 liên tiếp.

Tuần trước các chuyên gia khá đồng thuận trong việc xác định thời điểm giải ngân tốt nhất khoảng tuần cuối tháng 9, đầu tháng 10. Quyết định tăng lãi suất và trần lãi suất huy động tuần qua càng củng cố quan điểm thận trọng chờ đợi. Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang có diễn biến xấu và có khả năng kiểm định lại vùng đáy cũ. Thanh khoản thị trường thấp, VN-Index có tuần giảm thứ 3 liên tiếp thể hiện quan điểm ngại rủi ro vẫn chi phối.

Tuy vậy trong ngắn hạn các chuyên gia vẫn kỳ vọng thị trường sẽ có nhịp phục hồi khi chiết khấu đầy đủ các thông tin xấu mang tính thời điểm. Nhóm cổ phiếu phòng thủ được quan tâm như bảo hiểm, tiện tích, bất động sản khu công nghiệp, bán lẻ, đầu tư công...

Trong trung hạn, xu hướng kiên định tăng lãi suất nhanh để kiềm chế lạm phát trên thế giới vẫn sẽ gây sức ép tới Việt Nam. Việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất ngay sau quyết định của Fed thể hiện sức ép không thể đứng ngoài, nhất là khi đây là quyết định đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước dù Fed đã tăng liên tục lãi suất nhiều lần trước đó. Các chuyên gia tin rằng việc ưu tiên ổn định vĩ mô sẽ phải hi sinh phần nào cơ hội tăng trưởng và điều đó không thuận lợi cho thị trường chứng khoán.

- Nguyễn Hoàng – VnEconomy: Cuộc đua tăng lãi suất cuối cùng cũng lan tới Việt Nam. Thị trường đã ổn định, thậm chí phục hồi tốt trước tin Fed tăng lãi suất, nhưng lại điều chỉnh mạnh phiên cuối tuần khi Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động. Dường như thông tin xấu vẫn chưa được phản ánh hết vào giá?
Xu thế dòng tiền: Chờ đợi thị trường chiết khấu hết tin xấu

Theo tôi, thị trường chứng khoán thường rất nhạy cảm với những tin tức tiêu cực xảy ra lần đầu. Với thông tin Việt Nam nâng lãi suất ngay lập tức sau hành động của Fed, thì nhiều khả năng thị trường chưa kịp phản ánh nên có thể mức chiết khấu của thị trường với tin tức trên là chưa đủ. Ông Nguyễn Văn Sơn

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng: Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần hiểu được mối quan hệ nguyên nhân và hệ quả của quá trình nâng lãi suất của Fed. Hành động của Fed là nguyên nhân và Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất gần như ngay lập tức trong tuần qua là hệ quả theo sau. Trong những lần tăng lãi suất trước, Việt Nam đã ứng phó bằng các công cụ khác như giữ tăng trưởng tín dụng ở 14%, bán mạnh ngoại tệ để giữ ổn định tỷ giá... và nhờ những hành động đúng đắn đó mà chúng ta thành công giữ được lạm phát ở múc mục tiêu và vĩ mô của chúng ta tương đối ổn định.

Lần này chúng ta phải dùng tới công cụ lãi suất để ứng phó, đây là một hệ quả tất yếu trong bối cảnh chung hiện tại. Đây là lần đầu tiên chúng ta thay đổi lãi suất điều hành kể từ khi Fed có hành động tăng lãi suất trở lại, và nhà đầu tư chưa có chuẩn bị cho hành động này.

Như chúng ta thấy, thị trường liên tục chiết khấu trong bốn tuần giao dịch gần đây, và đây là sự phản ánh của nhà đầu tư với thông tin nâng lãi suất từ Fed. Mặc dù vậy, thị trường lại dường như chưa lường trước được thời điểm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sử dụng tới công cụ lãi suất ngay sau đó.

Theo tôi, thị trường chứng khoán thường rất nhạy cảm với những tin tức tiêu cực xảy ra lần đầu. Với thông tin Việt Nam nâng lãi suất ngay lập tức sau hành động của Fed, thì nhiều khả năng thị trường chưa kịp phản ánh nên có thể mức chiết khấu của thị trường với tin tức trên là chưa đủ.

Ông Trần Đức Anh - Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBSV: Các quyết định tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước có ý nghĩa về mặt tín hiệu, định hướng hơn là các tác động thực tế do 2 kênh tái chiết khấu và tái cấp vốn ít được sử dụng. Trong khi lãi suất cho vay liên ngân hàng qua đêm tăng lên là phù hợp với diễn biến hiện tại của thị trường liên ngân hàng khi lãi suất OMO trong nhiều phiên đấu thầu đã lên đến 5,9% - 6,1%. Việc tăng các loại lãi suất này nói chung là hoàn toàn phù hợp với xu hướng tăng lãi suất trên thế giới, cũng như diễn biến vĩ mô hiện tại, tuy nhiên ít có tác động thực tế khiến mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế tăng theo.

Dù vậy, việc nâng trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn có thể khiến các ngân hàng thương mại chạy đua tăng lãi suất kỳ hạn ngắn để cạnh tranh thu hút thêm tiền gửi ngắn hạn trong bối cảnh thanh khoản hệ thống thiếu hụt như hiện tại, và thực tế đã đang diễn ra trong vài ngày gần đây, qua đó có thể có các tác động dây chuyền lên các lãi suất kỳ hạn dài và mặt bằng lãi suất nói chung của cả nền kinh tế. Theo đó, thị trường chứng khoán trong nước cũng sẽ chịu các tác động tiêu cực nhất định.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội: Việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất sau khi Fed tăng lãi suất là điều hoàn toàn hợp lý để ổn định tỷ giá, nhưng điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán. Thị trường có phiên hồi phục sau khi tin Fed tăng lãi suất tôi nghĩ nguyên nhân chính do nhiều nhà đầu tư kỳ vọng mốc hỗ trợ quanh 1.200 khó phá vỡ và tham gia bắt đáy, cũng như những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu không bán ra nữa (cung yếu, cầu vào tốt hơn nên đẩy thị trường hồi phục).

Quan điểm tôi vẫn giữ nguyên: Thị trường nhịp điều chỉnh mạnh vài phiên và giá các cổ phiếu cần chiết khấu thêm để hấp dẫn dòng tiền lớn tham gia thị trường trở lại.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS: Rõ ràng các nhà đầu tư hiện nay cũng cần thận trọng hơn với những thông tin, tin tức, diễn biến vĩ mô thế giới và Việt Nam đang làm tâm lý nhà đầu tư trở nên mong manh hơn.

Việc mua vào cũng cần phải chọn lọc cổ phiếu hơn, thậm chí việc quản trị danh mục đầu tư với tầm nhìn dài hơi hơn – giao dịch ngắn hạn cũng phải rất chú ý điểm mua mới và ở một số cổ phiếu điển hình hơn là phiêu lưu sang các cổ phiếu mang tính đầu cơ. Trên thị trường mọi thứ có thể xẩy ra và chúng ta khi đầu tư vẫn nên lựa chọn các khoản đầu tư giá hời với việc kiểm soát tốt vị thế mua.

Theo tôi có lẽ thông tin xấu vẫn chưa phản ánh hết vào giá trong một môi trường vĩ mô nhiều biến động như năm nay.

Ông Lê Minh Nguyên – Giám đốc Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt: Trong phiên cuối tuần qua, VN-Index giảm 11,42 điểm, kết phiên ở mức 1.203,28 điểm; HNX-Index giảm 1.2 điểm, dừng ở mức 264,44 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index giảm 30,75 điểm (-2,49%); HNX-Index giảm 8,44 điểm (-3,09%). Khối lượng khớp lệnh bình quân trên cả 2 sàn cũng giảm từ 3 – 4% so với tuần trước cho thấy dòng tiền đang có xu hướng rút ra và đứng ngoài quan sát.

Tôi cho rằng với tình hình giao dịch hiện tại khả năng thanh khoản thị trường sẽ tiếp tục giao dịch ở mức tương tự hoặc thấp hơn nữa. Chỉ số VN-Index tiến gần mốc 1.200 điểm và kỳ vọng sẽ chặn được đà giảm ở ngưỡng điểm này.

- Nguyễn Hoàng – VnEconomy: Nhóm cổ phiếu ngân hàng được cho là sẽ chịu tác động trực tiếp từ áp lực tăng lãi suất. Giá hầu hết các cổ phiếu ngân hàng cũng điều chỉnh mạnh trong gần một tháng qua. Liệu mức điều chỉnh đó đã chiết khấu đủ rủi ro? Anh chị đánh giá thế nào về triển vọng lợi nhuận của nhóm này trong 2 quý cuối năm?
Ông Trần Đức Anh - Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBSV: Với việc các ngân hàng đã mạnh tay trích lập dự phòng trong vài quý gần đây, kết quả kinh doanh quý II có thể được điều tiết thông qua hoạt động hoàn nhập dự phòng khi nền kinh tế phục hồi giúp doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động kinh doanh và đáp ứng được nghĩa vụ trả nợ.

Do đó, tôi không cho rằng sẽ có sự sụt giảm đáng kể trong các con số lợi nhuận cuối cùng được ngân hàng báo cáo.

Tuy nhiên với việc room tín dụng 2 quý cuối năm được nới dè dặt, NIM chịu áp lực giảm do lãi suất huy động tăng nhanh, danh mục đầu tư trái phiếu chịu lỗ do lãi suất tăng, chắc chắn hoạt động kinh doanh thực tế của các ngân hàng bị ảnh hưởng tiêu cực và tôi không đánh giá tích cực với cổ phiếu ngành này.

Xu thế dòng tiền: Chờ đợi thị trường chiết khấu hết tin xấu

Việc Fed và nhiều ngân hàng trung ương tăng lãi suất cũng như dự báo tiếp tục tăng trong giai đoạn tới và Ngân hàng Nhà nước với việc ưu tiên kiểm soát tỷ giá đang đối mặt với việc tỷ giá đô la tăng, nâng lãi suất điều hành. Đây cũng là rủi ro đối với việc hồi phục của thị trường chứng khoán ít nhất là giai đoạn cuối năm 2022 và nửa đầu năm 2023. Ông Lê Đức Khánh

Ông Lê Minh Nguyên – Giám đốc Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt: Dù tăng lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ vận động các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí, tăng năng lực quản trị, từ đó giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và tiếp tục nghiên cứu giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên. Tôi cho rằng việc hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục và tăng trưởng thì ngân hàng phải tiết giảm tối đa các chi phí, việc này sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của nhóm ngân hàng trong quý cuối năm.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội: Theo tôi mức giá nhiều cổ phiếu ngân hàng còn chưa chiết khấu đủ, khả năng cao hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều sẽ điều chỉnh về vùng đáy cũ mới có nhịp hồi phục được.

Triển vọng lợi nhuận của nhóm ngành ngân hàng 2 quý cuối năm tôi nghĩ sẽ không giữ được tốc độ tăng trưởng tốt như giai đoạn trước đó và thậm chí thụt lùi do tình hình “room” tín dụng của các ngân hàng hiện tại cũng khá căng.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích CTCP Chứng khoán Phú Hưng: Nếu chúng ta phân tích kỹ bối cảnh hiện tại, chúng ta sẽ nhận thấy tác động từ tăng lãi suất điều hành lên nhóm ngân hàng sẽ không nhiều như “room” tăng trưởng tín dụng bị giới hạn ở mức 14%.

Theo tôi được biết, hiện tại các ngân hàng không hề thiếu tiền và không chịu nhiều áp lực thanh khoản và huy động, vấn đề nằm ở đầu ra cho vay bị giới hạn. Và giá cổ phiếu ngân hàng giảm trong gần một tháng vừa qua là hệ quả của việc “room” tín dụng không được nới thêm.

Về triển vọng kình doanh các tháng còn lại của năm 2022, tôi nhận thấy nhóm ngân hàng sẽ có sự phân hóa tương đối mạnh. Một số ngân hàng sẽ vẫn giữ được mức tăng trưởng so với cùng kỳ nhờ tối ưu hóa được chi phí dự phòng, cũng như hưởng lợi từ quy mô hay được phân bổ mức room tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn trong ngành. Và một số sẽ có sự sụt giảm do vẫn nằm trong quá trình tái cơ cấu hoặc đang thực hiện mức trích lập dự phòng nợ xấu cao.

Nhìn chung, tôi nhận thấy kết quả kinh doanh của nhóm cổ phiếu ngân hàng các quý cuối năm có thể vẫn giữ được mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ nhưng mức tăng sẽ thu hẹp lại.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS: Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng là loại hình doanh nghiệp kinh doanh đặc thù và việc định giá cũng tính toán dựa trên vốn chủ, các khoản nợ vay, huy động, giá trị sổ sách, dòng cổ tức kể cả các khoản lợi nhuận đột biến...

Nhìn về góc độ đầu tư hay đầu cơ vào các cổ phiếu này cũng cần phải nhìn nhận khía cạnh định giá thấp – giá giảm sâu so với mức định giá ước tính – có thể một số cổ phiếu được coi là rẻ hơn khi chỉ tiêu P/BV thấp chẳng hạn, mức giá chiết khấu có thể nói là hấp dẫn nhìn ở góc độ phân tích cơ bản – triển vọng lợi nhuận giai đoạn cuối năm cũng được dự phóng triển vọng tốt hơn cả kể nhìn về tăng trưởng trước trích lập, tăng trưởng biên lãi, các khoản tài sản đảm bảo được xử lý và hạch toán vào cuối năm.

Tuy nhiên triển vọng doanh thu, lợi nhuận có khả quan cũng lại phụ thuộc tiếp theo vào trạng thái vĩ mô, diễn biến thị trường chứng khoán, dòng tiền tham gia chưa nói niềm tin nhà đầu tư. Triển vọng, cơ hội đầu tư của nhóm này giai đoạn cuối năm là không chắc chắn, thậm chí không muốn nói là nhóm chỉ xếp hạng 3 - 4 so với nhóm ưu tiên. Dù vậy có lẽ một số cổ phiếu ngân hàng cũng có thể được đưa vào danh sách theo dõi để có thể phân bổ tiền đầu tư với tầm nhìn dài.

- Nguyễn Hoàng – VnEconomy: Thị trường chứng khoán đang lo ngại sự cạnh tranh thanh khoản từ môi trường lãi suất tăng dần. Trong khi đó đã có một lượng tiền lớn bị thu hút vào các đợt phát hành thêm khổng lồ trong hơn 1 năm qua, đúng lúc sức hấp dẫn của chứng khoán với các nhà đầu tư mới đang sụt giảm. Áp lực tăng lãi suất trong nước có thể còn tiếp diễn trong năm 2023. Anh chị đánh giá thế nào về rủi ro này cho thị trường trong trung và dài hạn?
Xu thế dòng tiền: Chờ đợi thị trường chiết khấu hết tin xấu

Thanh khoản thấp như hiện nay là một điểm không khả quan cho thị trường. Khi lãi suất tăng lên dòng tiền chạy về tiền gửi ngân hàng đầu tiên. Theo tôi xu hướng thị trường chứng khoán là đang giảm nhưng hy vọng sắp tới sẽ ổn định và ấm dần lên. Ông Lê Minh Nguyên

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích CTCP Chứng khoán Phú Hưng: Tôi đánh giá rủi ro trong trung và dài hạn hình thành bởi áp lực tăng lãi suất là rất cao và hiện hữu. Chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng, xu hướng tăng lãi suất trên toàn cầu đang tiếp diễn, và rất khó để một quốc gia nào muốn ổn định nền kinh tế của mình mà lại có thể đứng ngoài xu hướng này.

Theo thông điệp của Fed sau cuộc họp giữa tuần qua, cơ quan này thể hiện quyết tâm rất lớn để hạ nhiệt lạm phát về mức 2%, và phát đi tín hiệu chấp nhận nền kinh tế sẽ suy thoái tạm thời để đạt được mục tiêu. Điều đó có nghĩa Fed có thể sử dụng lãi suất, và thật khó để dự báo chính xác giới hạn và thời điểm nào quá trình tăng lãi suất sẽ dừng lại.

Không những vậy, trong cuộc chiến với lạm phát, Fed mới chỉ sử dụng công cụ lãi suất nhằm tác động tới “Tổng cầu” mà chưa đã động gì tới bản cân đối kế toán vốn ảnh hưởng mạnh tới “Dòng vốn”. Trong trường hợp, Fed chuyển trạng thái sang thu hẹp bản cân đối kế toán thì “cung tiền” sẽ giảm và mức độ tác động lên nền kinh tế Mỹ cũng như nền kinh tế thế giới còn nhiều hơn nữa.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã phải sử dụng tới công cụ lãi suất để đạt được sự ổn định vĩ mô. Điều này cho thấy, Việt Nam bắt đầu hy sinh một phần tăng trưởng GDP, cũng như bỏ ngỏ khả năng sẽ tiếp tục tăng tiếp lãi suất điều hành nhằm đối phó với những lần tăng lãi suất tiếp theo của Fed.

Với bối cảnh chung như vậy, tôi xin được nhắc lại nhận định của mình đã được chia sẻ trong các tuần trao đổi trước đây: “Tôi chưa nhận thấy dấu hiệu lạc quan nào trong bức tranh vĩ mô”.

Đối với thị trường chứng khoán, khi triển vọng phía trước bất định và kém lạc quan thì dòng tiền tham gia thị trường có xu hướng thu hẹp dần. Và thực tế cho thấy thanh khoản của thị trường ngày càng giảm và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Hơn nữa, nền kinh tế có dấu hiệu thiếu hụt nguồn tài trợ khi mà “room” tín dụng được khống chế ở mức 14%, sẽ tạo sự căng thẳng về dòng tiền cho các doanh nghiệp, và không ngoại trừ dòng tiền trong thị trường chứng khoán tiếp tục bị rút ra ngoài nhằm tài chợ cho nhu cầu thanh khoản bên ngoài.

Vì vậy, dưới góc nhìn dòng tiền, tôi nhận thấy quý IV, sẽ là thời điểm khó khăn đối với thị trường chứng khoán, không chỉ vì lãi suất tăng lên mà còn về vấn đề thanh khoản sụt giảm. Và về dài hạn, năm 2023, thị trường chứng khoán có thể bớt căng thẳng về thanh khoản trong những tháng đầu năm, nhưng áp lực từ xu hướng tăng lãi suất hay các rủi ro bất ngờ từ thay đổi yếu tố vĩ mô là vẫn còn hiện hữu.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS: Việc tăng lãi suất không phải là thông tin tốt cho thị trường chứng khoán khi mà triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết giảm đi. Diễn biến của thị trường với thanh khoản như hiện tại cũng đang phản ánh tâm lý dè dặt của các nhà đầu tư.

Việc Fed và nhiều ngân hàng trung ương tăng lãi suất cũng như dự báo tiếp tục tăng trong giai đoạn tới và Ngân hàng Nhà nước với việc ưu tiên kiểm soát tỷ giá đang đối mặt với việc tỷ giá đô la tăng, nâng lãi suất điều hành. Đây cũng là rủi ro đối với việc hồi phục của thị trường chứng khoán ít nhất là giai đoạn cuối năm 2022 và nửa đầu năm 2023.

Xu thế dòng tiền: Chờ đợi thị trường chiết khấu hết tin xấu

Việc nâng trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn có thể khiến các ngân hàng thương mại chạy đua tăng lãi suất kỳ hạn ngắn để cạnh tranh thu hút thêm tiền gửi ngắn hạn trong bối cảnh thanh khoản hệ thống thiếu hụt như hiện tại, và thực tế đã đang diễn ra trong vài ngày gần đây, qua đó có thể có các tác động dây chuyền lên các lãi suất kỳ hạn dài và mặt bằng lãi suất nói chung của cả nền kinh tế. Theo đó, thị trường chứng khoán trong nước cũng sẽ chịu các tác động tiêu cực nhất định. Ông Trần Đức Anh

Ông Trần Đức Anh - Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBSV: Tôi nghĩ yếu tố về dòng tiền, lãi suất chắc chắn đang tác động tiêu cực lên triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên yếu tố tác động mạnh nhất đối với xu hướng thị trường trong trung, dài hạn là số liệu về hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết. Với đánh giá kinh tế Việt Nam trong trung, dài hạn vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao bất chấp các tác động trái chiều từ môi trường bên ngoài, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, tôi vẫn đánh giá tích cực với triển vọng thị trường chung, đặc biệt trong bối cảnh P/E thị trường đang giao dịch ở mức thấp như vùng giá hiện tại.
Ông Lê Minh Nguyên – Giám đốc Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt: Thanh khoản thấp như hiện nay là một điểm không khả quan cho thị trường. Khi lãi suất tăng lên dòng tiền chạy về tiền gửi ngân hàng đầu tiên. Hiện dòng tiền vào bất động sản đã quá nhiều và hoạt động trên thị trường này có xu hướng chững lại. Khi mặt bằng lãi suất chung ở mức không biến động hoặc biến động ít thì chứng khoán vẫn là kênh mà dòng tiền chảy vào. Theo tôi xu hướng thị trường chứng khoán là đang giảm nhưng hy vọng sắp tới sẽ ổn định và ấm dần lên.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội: Thị trường chứng khoán không thể phát triển và tăng mạnh được nếu như không có dòng tiền. Việc lượng tiền lớn bị thu hút vào các đợt phát hành trái phiếu đã làm giảm một lượng lớn tiền tham gia thị trường chứng khoán. Hiện tại lãi suất đã tăng và khả năng tiếp tục tăng cao trong thời gian tới sẽ làm giảm lượng tiền tham gia vào kênh đầu tư chứng khoán, nên tôi đánh giá tác động tới trung và dài hạn là xấu.
- Nguyễn Hoàng – VnEconomy: Tuần trước anh chị dự kiến thời điểm mua tốt vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10. Anh chị đã thực hiện tăng tỷ trọng cổ phiếu lên hay chưa, hay vẫn chờ đợi mức điều chỉnh sâu hơn, mhóm nào đang trong “tầm ngắm”?
Ông Trần Đức Anh - Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBSV: Tôi duy trì tỷ trọng danh mục trung bình và dự định sẽ sớm giải ngân ở nhóm ngành bán lẻ, công nghệ thông tin và đầu tư công.
Xu thế dòng tiền: Chờ đợi thị trường chiết khấu hết tin xấu

Theo tôi mức giá nhiều cổ phiếu ngân hàng còn chưa chiết khấu đủ, khả năng cao hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều sẽ điều chỉnh về vùng đáy cũ mới có nhịp hồi phục được. Ông Nguyễn Việt Quang

Ông Lê Minh Nguyên – Giám đốc Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt: Thanh khoản thấp hiện nay cho thấy dòng tiền vẫn chưa tham gia thị trường nhiều, tuy nhiên với mốc hỗ trợ 1.200 điểm có thể tạo ra xu hướng tăng ngắn. Nhà đầu tư có thể xem xét giải ngân một ít khi thị trường chạm ngưỡng này.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích CTCP Chứng khoán Phú Hưng: Mặc dù việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất là xu hướng tất yếu, nhưng hành động gần như ngay lập tức sau khi Fed công bố là một thông tin có phần bất ngờ với thị trường. Do đó, thông tin trên có thể còn chi phối thị trường trong những tuần tới. và thị trường có thể cần thêm thời gian để phản ánh thông tin tăng lãi suất điều hành cho tới khi kỳ vọng vào mùa báo cáo quý III đủ sức níu kéo thị trường vào một đợt phục hồi ngắn hạn.

Dưới góc nhìn như vậy, tôi cho rằng việc duy trì tỷ trọng ở mức an toàn và cân bằng nên được ưu tiên. Nhà đầu tư chỉ nên nắm giữ và đặt kỳ vọng vào những danh nghiệp có cơ bản tốt, triển vọng kinh doanh khả quan trong phần còn lại của năm nay và năm sau. Trong đó, tôi đánh giá cao nhóm lương thực phẩm, hàng tiêu dùng, cùng với nhóm bảo hiểm, và nhóm có thị trường tiêu thụ chính là nội địa.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS: Theo tôi nhà đầu tư vẫn nên ưu tiên giữ tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt an toàn và thận trọng trong diễn biến hiện tại. Hạn chế mua trung bình giá cũng sẽ được lưu lý cũng như là hạn chế phiêu lưu sang nhiều cổ phiếu cơ bản yếu. Tất nhiên vẫn có những nhóm cổ phiếu đánh chú ý và là có thể gọi là nhóm cổ phiếu phòng thủ trong giai đoạn khó khăn này như là nhóm cổ phiếu bảo hiểm, tiện ích, nông nghiệp, năng lượng...
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội: Tôi vẫn đang giữ nguyên lượng vốn và đợi một nhịp điều chỉnh nhanh và mạnh trong tuần tới. Nếu điều này xảy ra tôi sẽ tham gia giải ngân mua dần. Nhóm cổ phiếu tôi ngắm tới trong thời gian tới có lẽ là bảo hiểm và bất động sản khu công nghiệp (tôi ưu tiên các cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt và minh bạch về tài chính).
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
1,242.13 +7.43 (+0.60%)
223.70 +1.45 (+0.65%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả