Xây dựng và Đầu tư Trường Giang (TGG): Băn khoăn số liệu tài chính và tương lai bất định
Trong vòng 3 tháng, thị giá cổ phiếu của Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư Trường Giang (mã TGG – sàn HOSE) tăng gần 3 lần, bất chấp hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính có nhiều vấn đề.
Băn khoăn số liệu tài chính
Từ mức giá chưa đến 1.860 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 3/2021, cổ phiếu TGG liên tục tăng trong 3 tháng qua, hiện ở mức 5.400 đồng (giá đóng cửa ngày 2/6/2021), tức tăng gần 450%, trong đó có chuỗi tăng trần kéo dài hàng chục phiên liên tiếp (từ 1/4 - 19/4/2021). Đi cùng với đà tăng phi mã là sự đột biến về thanh khoản với hàng triệu đơn vị được giao dịch mỗi phiên, trong đó có phiên khớp lệnh kỷ lục ngày 19/4/2021 với gần 9,66 triệu đơn vị trong tổng số hơn 27 triệu cổ phiếu đang lưu hành.
Để bảo vệ nhà đầu tư, vào ngày 31/5/2021, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) còn ra văn bản thông báo chuyển cổ phiếu TGG từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát, có nghĩa là chỉ được giao dịch vào phiên chiều kể từ ngày 7/6/2021.
Điều đáng nói là thị giá cổ phiếu TGG tăng mạnh không xuất phát từ những thông tin tốt liên quan tới doanh nghiệp, trái lại toàn là thông tin kém tích cực, trong đó có báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 được công bố với doanh thu chỉ 10,2 tỷ đồng và lỗ ròng hơn 43,2 tỷ đồng, cũng là lần đầu tiên TGG báo lỗ kể từ khi thành lập năm 2012 tới nay.
Trong giải trình của mình, Ban lãnh đạo của TGG cho biết, nguyên nhân suy giảm lợi nhuận là do một số công trình cũ chưa tiến hành nghiệm thu, công trình mới chậm triển khai do tình hình bệnh dịch nên trong năm 2020 không phát sinh doanh thu từ hoạt động chính là xây lắp và thi công các công trình. Ngoài ra, giá cả vật liệu xây dựng có nhiều biến động thất thường, đặc biệt là giá thép, khiến doanh thu thương mại của Công ty giảm so với cùng kỳ.
Tính tới thời điểm hiện tại, TGG đã 2 lần không tổ chức được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 do không đủ số cổ đông tham dự. TGG đang xin ý kiến về việc tổ chức lần 3, nhưng khả năng thành công cũng không được đánh giá cao.
Tuy nhiên, nếu tìm hiểu báo cáo tài chính sẽ thấy nguyên nhân chính gây lỗ là do TGG phải trích lập một số khoản dự phòng phải thu khó đòi và dự phòng đầu tư tài chính gần 41,2 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là trích lập cho khoản phải thu liên quan đến Công ty Xây dựng Trường Giang về việc chuyển nhượng toàn bộ gần 3,9 triệu cổ phiếu mà TGG nắm giữ tại Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ Kim Bôi về công ty này. Ngoài ra, TGG còn phải trích lập khoản phải thu khó đòi từ Công ty cổ phần Tập đoàn Bất động sản Hoàng Gia. Lưu ý rằng, chủ sở hữu của Công ty Xây dựng Trường Giang và Công ty Hoàng Gia đều là ông Nguyễn Cảnh Dinh, Chủ tịch HĐQT đương nhiệm của TGG.
Cũng liên quan đến các khoản phải thu ngắn hạn, ngoài các khoản nêu trên, số liệu từ báo cáo tài chính còn ghi nhận khoản tạm ứng hơn 6 tỷ đồng cho ông Dinh từ năm 2018 với lý do tạm ứng giải phóng mặt bằng (tới nay vẫn chưa được thu hồi lại) cùng một số cá nhân khác là ông Phùng Văn Xuân, ông Lê Tiến Tuyến mà không được thuyết minh rõ ràng.
Còn nhớ, năm ngoái, một cổ đông Công ty là bà Nguyễn Thị Thanh Hương đã bị xử phạt 550 triệu đồng vì dùng 19 tài khoản liên tục mua - bán cổ phiếu TGG, tạo cung cầu giả tạo nhằm thao túng giá cổ phiếu. Trong danh sách thành viên chủ chốt của TGG, chị gái của bà Nguyễn Thị Hoa, kế toán trưởng Công ty cũng có tên Nguyễn Thị Thanh Hương.
Ngoài các khoản phải thu khó đòi của Chủ tịch HĐQT Công ty và các đơn vị liên quan, báo cáo tài chính của TGG cũng thể hiện rõ sự mất cân đối về dòng tiền đầu tư, thể hiện qua việc các khoản đầu tư tài chính chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản với hơn 56%, trong khi ty trọng dòng tiền phục vụ hoạt động kinh doanh chính là xây lắp và chi phí sản xuất xây dựng dở dang chưa đến 20%. Trong đó, chi phí sản xuất dở dang chủ yếu nằm ở 2 dự án là Trang trại chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp (giá trị 29,4 tỷ đồng) và Khu du lịch nghỉ dưỡng Ao Giời - Suối Tiên (giá trị 2,9 tỷ đồng), nhưng cả 2 dự án này đều đang tạm ngừng triển khai do chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý.
Tương lai bất định
Trở lại với hoạt động kinh doanh của TGG, sau khi ghi nhận lỗ lần đầu tiên năm 2020, Công ty tiếp tục báo lỗ 344 triệu đồng trong quý I/2021 khi doanh thu đem về vỏn vẹn 34 triệu đồng với lý do tương tự như giải trình trước đó. Để duy trì hoạt động trong bối cảnh kinh doanh thua lỗ, việc bổ sung nguồn vốn với TGG là điều quan trọng nhất và một trong những giải pháp được đặt ra là thoái vốn tại các khoản đầu tư tài chính vốn không mấy hiệu quả thời gian qua.
Tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020, đơn vị kiểm toàn là Công ty DFK Việt Nam đã nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục của TGG khi doanh thu giảm sút, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm nặng, đặc biệt là sự xuất hiện của nhiều yếu tố không chắc chắn trong hoạt động kinh doanh liên quan đến khả năng thanh toán và các chỉ số tài chính yếu kém. Nhiều khoản doanh thu được TGG ghi nhận với công ty liên quan như Công ty cổ phần Đầu tư phát triển 299 đã bị đơn vị kiểm toán yêu cầu đưa ra khỏi báo cáo tài chính vì không phù hợp với các chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán và quy định pháp lý về trình bày báo cáo tài chính.
Trung tuần tháng 5/2021, HĐQT TGG đã thông qua việc bán toàn bộ 4,5 triệu cổ phiếu đang nắm giữ tại Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng công nghiệp Tân Vinh, tương ứng 45% vốn điều lệ của doanh nghiệp này. Được biết, Công ty Tân Vinh là chủ đầu tư dự án Cụm công nghiệp xóm Rụt tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Dự án có quy mô 74,5 ha, đã được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt chủ trương và thông qua quy hoạch 1/500 vào các năm 2019 và 2020.
Hiện tại, việc triển khai dự án gặp khó khăn bởi ngoài chi phí giải phóng mặt bằng lớn, điều kiện phát triển dự án cũng ở mức cao khi cụm công nghiệp này chủ yếu phục vụ các dự án sản xuất công nghiệp có trình độ cao, thân thiện với môi trường, quy mô lao động khoảng 15.000 công nhân.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận