Xây dựng Số 1 (CC1): Đường gập ghềnh phía trước
Quá trình tái cơ cấu sắp xếp lại doanh nghiệp đang diễn ra tại Tổng công ty Xây dựng Số 1 – CTCP (mã CC1) sau khi nhà nước thoái toàn bộ vốn.
“Thay máu” cổ đông
Sau khi Bộ Xây dựng thông báo bán ra toàn bộ 44,58 triệu cổ phiếu CCI để giảm sở hữu từ 40,66% về 0% vốn điều lệ và chính thức chuyển sang doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp đã thông qua Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường miễn nhiện 5 lãnh đạo gồm ông Lê Dũng, Chủ tịch HĐQT; ông Lê Hữu Việt Đức, ông Nguyễn Công Khai, ông Huyền Tấn Trí và ông Hoàng Trung Thanh, điều là thành viên HĐQT.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp bầu ông Nguyễn Văn Huấn là Chủ tịch HĐQT; ông Nguyễn Văn Bình, ông Nguyễn Thành Vinh được bầu bổ sung vào thành viên HĐQT.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn thông qua việc cho phép cổ đông chiến lược và người lao động được tự do chuyển nhượng cổ phần.
Được biết, tính tới 31/12/2020, cổ đông lớn của doanh nghiệp là CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn lộc sở hữu 19% vốn điều lệ; CTCP Cơ Điện Lạnh Nam Thịnh sở hữu 15% vốn điều lệ; CTCP Top American Việt Nam sở hữu 11% vốn điều lệ. Nhưng sau đó, lần lượt 3 cổ đông lớn đồng loạt đăng ký bán ra toàn bộ cổ phần từ 9/2-5/3.
Ngược lại, doanh nghiệp xuất hiện cổ đông mới là ông Trần Tấn Phát mua vào 13,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 12,49% vốn điều lệ, giao dịch thực hiện ngày 3/2; ông Lê Hữu Việt Đức, Tổng giám đốc đăng ký mua vào 13,2 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu từ 0,01% lên 12% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ 4/2-2/3; Ông Nguyễn Văn Huấn, Chủ tịch HĐQT đăng ký mua 12,1 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu từ 0% lên 11% vốn điều lệ.
Nếu như các giao dịch trên đều được thực hiện, doanh nghiệp sẽ thay đổi cơ cấu cổ đông, điều này phát đi thông điệp doanh nghiệp sẽ bắt đầu bước sang giai đoạn mới khi chuyển mình từ doanh nghiệp nhà nước sang tư nhân. Trong chia sẻ của Tân Chủ tịch HĐQT, ông Huấn kỳ vọng, CC1 sẽ trở thành nhà thầu thi công số 1 tại Việt Nam.
Thách thức từ nợ vay lớn, hiệu quả kinh doanh thấp
Tổng Công ty Xây dựng số 1 là doanh nghiệp lâu đời trong ngành xây dựng, hiện có vốn điều lệ 1.101,5 tỷ đồng, công ty được niêm yết trên UPCoM từ tháng 7/2017 nhưng thanh khoản tương đối thấp, giao dịch trung bình 20 phiên tới ngày 2/3 chỉ vùng 14.000 cổ phiếu/phiên.
Công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản, cung cấp vật liệu xây dựng… với cơ cấu doanh thu 60,5% từ lĩnh vực xây dựng, 17,1% từ bán hàng thành phẩm, 12,5% từ cung cấp dịch vụ. Năm 2020, mảng xây dựng tiếp tục đóng góp 62,6% tổng doanh thu, mảng bán hàng hoá đóng 15,5% tổng doanh thu, mảng bán hàng thành phẩm đóng góp 14,5% tổng doanh thu …
Nhìn chung, lĩnh vực xây dựng tiếp tục là mảng đóng góp lớn nhất vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, tiếp theo là bán vật liệu xây dựng …
Mặc dù sở hữu khối tài sản tính tới 31/12/2020 là 9.879,8 tỷ đồng, doanh thu năm 2020 lên tới 6.838,9 tỷ đồng nhưng hiệu quả sử dụng tài sản (ROA) chỉ dao động 0,4% và tương đối thấp so với nhiều doanh nghiệp trên sàn. Đặc biệt, thấp hơn rất nhiều so với doanh nghiệp xây dựng có thương hiệu như Coteccons (CTD) với ROA năm 2020 lên tới 3%.
Tính tới 31/12/2020, doanh nghiệp đang có tổng tồn kho là 1.358,7 tỷ đồng, chiếm 13,8% tổng tài sản của doanh nghiệp. Trong đó, có tới 1.144,5 tỷ đồng là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang liên quan tới việc xây dựng các dự án như 319,3 tỷ đồng công trình Bệnh viện Nhi Đồng TP. HCM; 175,9 tỷ đồng công trình Khu thương mại – khách sạn – căn hộ Tropicana Nha Trang; 78,5 tỷ đồng công trình Bệnh viện đa khoa Bình Dương với quy mô 1.500 giường …
Ngoài ra, vấn đề quản lý khoản phải thu giá trị lớn đang là bài toán mà doanh nghiệp cũng phải đối mặt. Tính tới cuối năm 2020, doanh nghiệp đang có tổng các khoản phải thu ngắn hạn là 4.172,7 tỷ đồng, chiếm 42,2% tổng tài sản của doanh nghiệp.
Trong đó, chủ yếu liên quan tới các khách hàng mà doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xây dựng nhưng chưa thanh toán như Ban quản lý Đầu tư Xây dựng các công trình thuộc Sở Y Tế TP. HCM lên tới 509,4 tỷ đồng, CTCP KEYTECH 54,8 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải trả trước cho các bên xây dựng phụ, cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp lên tới 1.310,3 tỷ đồng.
Trong khi đó, doanh nghiệp đang sử dụng tới vay ngắn hạn và dài hạn lên tới 4.147,6 tỷ đồng, chiếm 42% tổng nguồn vốn, chủ yếu là dư nợ vay ngân hàng. Chi phí tài chính do vậy đã bào mòn lợi nhuận. Cụ thể, năm 2019, chi phí lãi vay 281,2 tỷ đồng, năm 2020 chi phí lãi vay là 268,4 tỷ đồng.
Sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao, trong khi tài trợ triển khai trước dự án và thu tiền sau, điều này tiếp tục ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính năm 2020 đã âm kỷ lục 1.152,4 tỷ đồng.
Có thể thấy doanh nghiệp đang đối mặt với bài toán tái cơ cấu để cải thiện hiệu quả sử dụng tài sản khi vay nợ lớn để tài trợ dự án, trong khi dòng tiền bị khách hàng, nhà cung cấp chiếm dụng vốn với giá trị tương đối lớn. Đây tiếp tục là bài toán mà ban lãnh đạo mới phải đối mặt trong thời gian tới.
Bên cạnh hoạt động xây dựng, doanh nghiệp đang triển khai dự án Khu dân cư Hạnh Phúc với giá trị 424,7 tỷ đồng, giá trị đầu năm là 410,2 tỷ đồng, có thể thấy trong năm đã không thay đổi quá nhiều.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đã nhận số tiền tạm ứng của khách hàng mua căn hộ tại dự án là 228,7 tỷ đồng, đầu năm là 221 tỷ đồng. Như vậy, gần như số liệu của dự án không có thay đổi đáng kể so với đầu năm.
Được biết, dự án Khu dân cư Hạnh Phúc với quy mô 43 ha tại Huyện Bình Chánh với vốn đầu tư trên 9.000 tỷ đồng, dự án liên tục kéo dài thời gian triển khai.
Trong Đại hội cổ đông đầu năm, doanh nghiệp cho biết công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn vì chưa thể thương lượng về giá đền bù với các hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, việc xử lý thủ tục ban hành Quyết định điều chỉnh Quyết định tạm giao đất của Sở, Ban ngành TP. HCM kéo dài thời gian hơn so với dự kiến nên tiến độ thực hiện dự án chưa hoàn thành được kế hoạch.
Như vậy, bên cạnh hoạt động xây dựng với hiệu quả kinh doanh thấp, doanh nghiệp có kế hoạch triển khai thêm dự án trong lĩnh vực bất động sản để bổ sung nguồn thu cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai dự án liên quan tới bồi thường, giải phóng mặt bằng tiếp tục là thách thức không nhỏ với ban lãnh đạo mới trong thời gian tới.
Có thể thấy, sau khi nhà nước thoái toàn bộ vốn, ban lãnh đạo mới đã rất nhanh chóng vào kiểm soát và chỉ đạo hoạt động kinh doanh của CC1.
Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với hiệu quả kinh doanh thấp, dư nợ vay cao, doanh nghiệp bị chiếm dụng vốn lớn và đặc biệt dự án bất động sản liên quan tới bồi thường, giải phóng mặt bằng dẫn tới chậm triển khai. Nếu không sớm giải quyết được những vấn đề trên, doanh nghiệp khó có thể cải thiện lợi nhuận trong tương lai gần.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận