WHO mở rộng “độ bao phủ” công nghệ vaccine ngừa Covid-19, trong đó có Việt Nam
Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia vừa được WHO lựa chọn tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine RNA thông tin hay còn gọi là mRNA, vốn đã chứng minh hiệu quả trong phát triển vaccine ngừa Covid-19.
Sau hơn 2 năm kể từ khi tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang tích cực phổ biến công nghệ vaccine ra nhiều nước hơn, đặc biệt là các nước nghèo để bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng đều có thể tự chủ được vũ khí quan trọng trong cuộc chiến chống dịch này.
Phát biểu với báo chí ở Geneva, Thụy Sĩ, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebrayesus một lần nữa khẳng định nỗ lực hỗ trợ các nước quan tâm đến việc chuyển giao công nghệ vaccine mRNA, đặc biệt là những nước thu nhập thấp và trung bình không có công nghệ mRNA nhưng có cơ sở hạ tầng và năng lực sản xuất sinh phẩm. Đây là một phần sáng kiến của Trung tâm chuyển giao công nghệ mRNA được WHO thành lập hồi năm ngoái tại Nam Phi.
“Hai quốc gia đầu tiên tham gia trung tâm chuyển giao công nghệ mRNA vào năm 2021 là Argentina và Brazil. Tuần trước, chúng tôi đã công bố 6 quốc gia châu Phi đầu tiên sẽ nhận được công nghệ sản xuất vaccine mRNA là Ai Cập, Kenya, Nigieria, Senegal, Nam Phi và Tunisia. Hôm nay, chúng tôi tiếp tục công bố thêm 5 nước: Bangladesh, Indonesia, Pakistan, Serbia và Việt Nam, nâng tổng số quốc gia được hỗ trợ cho đến nay là 13 và vẫn đang thảo luận với các quốc gia khác", ông Ghebrayesus nói.
Cùng với việc mở rộng các nước nhận chuyển giao công nghệ vaccine, WHO cũng cho biết sẽ thành lập Trung tâm đào tạo sản xuất sinh phẩm toàn cầu tại Hàn Quốc nhằm cung cấp đào tạo chuyên môn cho các nước thu nhập thấp và trung bình, thúc đẩy sản xuất dược phẩm ở trong nước. Từng được sử dụng thành công trong sản xuất vaccine ngừa Covid-19, song công nghệ mRNA lại đặt ra một số rào cản đối với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình như chi phí cao, đòi hỏi lực lượng lao động có kỹ năng và được đào tạo.
Vaccine đã giúp thay đổi tiến trình của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên thành tựu khoa học này lại chưa thể mang lại kết quả như kỳ vọng do sự bất bình đẳng vẫn còn lớn trong tiếp cận vaccine. Đây là lần đầu tiên WHO hỗ trợ những nỗ lực phi chính thống như vậy nhằm chấm dứt thế độc quyền của ngành công nghiệp dược phẩm, vốn chủ yếu ưu tiên cung cấp cho các nước giàu hơn là các nước nghèo cả về kinh doanh và sản xuất.
Cả Moderna và Pfizer, hai nhà sản xuất vaccine ngừa Covid-19 công nghệ mRNA được ủy quyền, tới nay đều từ chối chia sẻ công thức vaccine hoặc bí quyết công nghệ với Tổ chức Y tế thế giới và các đối tác. Theo WHO, công nghệ được chia sẻ hi vọng không chỉ hữu ích trong sản xuất vaccine Covid-19, mà cả trong việc tạo ra kháng thể, insulin và phương pháp điều trị các bệnh như sốt rét hay ung thư./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường