Vụ án cựu Chủ tịch Vimedimex: Trả hồ sơ, yêu cầu xem xét trách nhiệm một số cán bộ
Trước giờ tuyên án, HĐXX TAND TP Hà Nội bất ngờ trả hồ sơ, yêu cầu điều tra làm rõ 4 nội dung, trong đó có việc xem xét trách nhiệm của một số cán bộ quản lý Nhà nước liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản là dự án đất tại thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh.
Trả hồ sơ điều tra làm rõ 4 nội dung
Sau một tuần xét xử và nghị án, chiều 22/4, trước giờ tuyên án TAND TP Hà Nội bất ngờ trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung một số tình tiết mới liên quan đến vụ án cựu Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn dược phẩm Vimedimex - Nguyễn Thị Loan bị cáo buộc “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”.
Cụ thể, HĐXX yêu cầu làm rõ 4 nội dung, gồm: Giám định chữ ký của bị cáo Nguyễn Thị Loan và xác minh tài liệu liên quan đến điều tra viên Bùi Đức Hiếu; xem xét trách nhiệm đối với một số cán bộ cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản; xem xét lại hành vi và tội danh của các bị cáo Trần Công Tuyên (cựu Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng và giải phóng mặt bằng thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh); Bùi Thu Huyền (cựu Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở TN&MT Hà Nội) và Nguyễn Thị Cẩm Lê (cựu cán bộ Sở); làm rõ quy trình thẩm định và ban hành chứng thư thẩm định giá của Công ty VNG.
Các bị cáo tại phiên tòa.
Xuyên suốt 3 ngày xét xử trước đó, bị cáo Nguyễn Thị Loan kêu oan, cho rằng cáo trạng truy tố bị cáo là chưa đúng.
Theo cựu Chủ tịch Vimedimex, với dự án ở thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, Tập đoàn Vimedimex hợp tác với các đơn vị để phát triển. Bị cáo khẳng định không chỉ đạo 3 công ty: Phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm; Đầu tư bất động sản Thanh Trì; Đầu tư bất động sản Mỹ Đình, thực hiện "thông đồng" đấu giá như cáo buộc.
Bà Loan cho hay, bản thân không có mâu thuẫn với các bị cáo khác trong vụ án. Tuy nhiên, khi nghe các bị cáo đồng phạm khai nhận, bị cáo thấy "không đúng và gian dối".
Ngoài ra, bị cáo còn cho rằng, có 20 bút lục không phải chữ ký của bà, lời khai không đúng. Đồng thời khẳng định "đã có sự thông đồng nội bộ trong công ty khi bà đang bị tạm giam...".
Các luật sư của bà Loan khi tranh luận nêu quan điểm, vụ án có dấu hiệu "bỏ lọt tội phạm", bởi sai phạm trong việc xác định giá khởi điểm của khu đất thuộc về đơn vị tư vấn thẩm định giá, người có tài sản bán đấu giá và cơ quan có thẩm quyền phê duyệt giá khởi điểm. Việc này không phải trách nhiệm của các bên tham gia đấu giá là 3 công ty Bắc Từ Liêm, Công ty Mỹ Đình, Công ty Thanh Trì hoặc tác động từ bị cáo Nguyễn Thị Loan.
Luật sư cho rằng, cơ quan tố tụng lấy mốc thời gian là tháng 10/2020 (thời điểm phát hành chứng thư thẩm định giá) để xác định thiệt hại từ vụ án nhưng thực tế đến tháng 11/2020 cuộc đấu giá mới diễn ra. Trách nhiệm về những thiệt hại trong vụ án phải thuộc về những người có thẩm quyền trong việc xác định giá khởi điểm không đúng giá thực tế.
Phân tích thêm, luật sư của bà Loan nói, trong vụ án này ngoài bà Loan và cấp dưới, cơ quan tố tụng chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự với các cá nhân thuộc công ty thẩm định giá; Ban quản lý dự án và đầu tư xây dựng Đông Anh; Chi cục quản lý đất đai. Tuy nhiên, đây chỉ là những người có vai trò tư vấn, tham mưu, không có thẩm quyền quyết định.
Theo luật sư, các thành viên trong Hội đồng định giá đất Hà Nội mới là những người có thẩm quyền quyết định giá khởi điểm để đấu giá nhưng lại không bị truy cứu trách nhiệm trong vụ án là không phù hợp.
Do đó, luật sự đề nghị xem xét trách nhiệm của những cán bộ lãnh đạo liên quan.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận