Vốn điều lệ cao nhất hệ thống, VPBank kinh doanh thế nào?
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE: VPB) thu được gần 21,220 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất trong năm 2022, tăng 48% so với năm trước.
Cả năm 2022, kết quả kinh doanh hợp nhất của VPBank với hầu hết hoạt động đều tăng trưởng so với năm trước. Thu nhập lãi thuần đạt 41,020 tỷ đồng, tăng 19%.
Các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng mạnh. Hoạt động dịch vụ tăng đến 59%, thu về 6,438 tỷ đồng tiền lãi, nhờ tăng thu dịch vụ thanh toán, ngân quỹ (+74%) và thu khác (+57%).
Đáng chú ý, hoạt động khác thu về khoản lãi 10,584 tỷ đồng, gấp 3.8 lần năm trước, nhờ phát sinh thu từ hoạt động bán nợ 340 tỷ đồng và thu nhập khác 6,005 tỷ đồng.
Thêm vào đó, VPBank dành ra 22,461 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 17%, do đó Ngân hàng thu được gần 21,220 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 48% so với năm trước.
So với kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 107% lên khoảng 29,700 tỷ đồng trong năm 2022, VPBank chỉ thực hiện được 71% mục tiêu đề ra.
Tính riêng trên Ngân hàng mẹ, lợi nhuận trước thuế đạt 24,005 tỷ đồng tỷ đồng. Thu nhập hoạt động (TOI) tại ngân hàng riêng lẻ hơn 40 nghìn tỷ đồng, với động lực đóng góp chính đến từ thu nhập phí tăng mạnh 64% so với năm 2021, trong đó phải kể tới hoạt động thanh toán, ngân quỹ và POS; dịch vụ bảo hiểm; và cấu phần thẻ.
Tại ngân hàng riêng lẻ, chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) lần lượt đạt 3.7%, 25.6% và 19.3%.
Kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2022 của VPB. Đvt: Tỷ đồng
Đến cuối năm 2022, quy mô tổng tài sản của VPBank tăng 15% so với đầu năm, lên mức 631,074 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi và cấp tín dụng cho TCTD khác giảm 16% (còn 47,965 tỷ đồng), cho vay khách hàng tăng 23% (438,338 tỷ đồng).
Tiền gửi khách hàng tăng 25% so với đầu năm, ghi nhận 303,151 tỷ đồng. Huy động từ tiền gửi khách hàng tại ngân hàng riêng lẻ tăng gần 30% so với đầu năm, đóng góp lớn từ khối khách hàng cá nhân (RB) và khối khách hàng SME (tăng 43%). VPBank cũng đã huy động thành công hơn 1 tỷ USD từ các tổ chức tài chính toàn cầu, góp phần đa dạng hóa nguồn vốn cho vay trung và dài hạn và bảo toàn các tỷ lệ an toàn thanh khoản. Tỷ lệ an toàn vốn CAR hợp nhất theo Basel II đạt gần 15%.
Quy mô vốn chủ sở hữu hợp nhất của VPBank, sau các đợt tăng vốn lớn, chính thức cán mốc hơn 103 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2022. Vốn điều lệ của VPBank theo đó đạt hơn 67 nghìn tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.
Chất lượng nợ vay hợp nhất của VPB tính đến 31/12/2022. Đvt: Tỷ đồng
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng nợ xấu hợp nhất của VPBank chiếm 25,137 tỷ đồng trong tổng dư nợ, tăng 55% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh nhất. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 4.57% lên 5.73%.
Chất lượng nợ vay Ngân hàng mẹ của VPB tính đến 31/12/2022. Đvt: Tỷ đồng
Riêng với Ngân hàng mẹ, tổng nợ xấu tại ngày 31/12/2022 hơn 10,131 tỷ đồng, tăng 51% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay cũng tăng từ mức 2.01% đầu năm lên 2.8%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận