Vốn đầu tư của Trung Quốc 'nâng chất' ở Việt Nam?
Hơn 3 năm nay, Trung Quốc luôn vượt qua Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… dẫn đầu số dự án đầu tư vào Việt Nam. Với những diễn biến thực tế, nền kinh tế Việt Nam cũng đang kỳ vọng là dòng vốn đầu tư của quốc gia láng giềng này rót vào ngày một chất lượng và bền vững hơn.
Đầu tư Trung Quốc gia tăng giá trị
Trina Solar, nhà cung cấp giải pháp lưu trữ năng lượng và năng lượng mặt trời thông minh, đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất tại nhà máy hơn 200 triệu đô la Mỹ ở Thái Nguyên.
Cụ thể khi bắt đầu sản xuất cách đây hơn một năm, nhà máy có 700 công nhân chỉ sản xuất các tấm silicon đơn tinh thể 210mm. Hiện lượng công nhân tăng hơn gấp đôi, nhà máy còn sản xuất các tế bào quang điện và mô-đun với công nghệ tiên tiến và giá trị cao hơn.
Theo Elva Wang, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Trina Solar Châu Á Thái Bình Dương, nhà máy tại Việt Nam là nhà máy lớn nhất bên ngoài Trung Quốc của hãng với quy trình sản xuất tiên tiến, có giá trị cao. Hiện nhà máy đang tăng tốc ổn định để đạt công suất sản xuất tối đa 6,5GW tấm bán dẫn, 4GW tế bào quang điện và 5GW mô-đun.
Không riêng Trina Solar, tình hình cho thấy một số doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam đang có xu hướng nâng giá trị so với trước đây.
Đơn cử như Tập đoàn Sunwoda đã có một xưởng sản xuất nhỏ về linh kiện điện tử ở Bắc Giang và đang muốn mở rộng đầu tư với quy mô lớn hơn. Trong chuyến công tác tìm cơ hội đầu tư mới ở Bắc Giang gần đây, đại diện Tập đoàn chia sẻ kế hoạch xây nhà máy linh kiện điện tử, như pin điện thoại và máy tính…
Nhiều khả năng, dự án 300 triệu đô la này được triển khai sớm, bởi Sunwoda đã ký thỏa thuận đầu tư với nhà phát triển hạ tầng khu công nghiệp tại địa phương này.
Hay gần đây, tại Thâm Quyến (Trung Quốc), lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã trao 7 giấy chứng nhận đầu tư và mở rộng đầu tư cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Các lĩnh vực doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng đầu tư chủ yếu trong sản xuất tấm năng lượng mặt trời, linh kiện điện tử, gia công phụ tùng ô tô…
Ở khu vực phía Nam, sau nhà máy công nghệ ở Đồng Nai, Tập đoàn BOE Bắc Kinh đang xây nhà máy thiết bị đầu cuối thông minh tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Với vốn 277,5 triệu đô la, dự án mới sản xuất màn hình máy vi tính, ti vi, bo mạch…
Có thể nhận thấy, nếu trước đây, Trung Quốc chỉ là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam thì trong vòng 5 năm qua, quốc gia này luôn nằm trong tốp 5 có lượng đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Đáng chú ý, hơn 3 năm nay, Trung Quốc luôn dẫn đầu số dự án FDI tại Việt Nam. Riêng 7 tháng 2024, quốc gia này có 540 dự án, chiếm gần 30% tổng số dự án FDI được cấp phép.
Dòng vốn FDI Trung Quốc đang tiếp tục đổ nhiều vào Việt Nam. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn nước láng giềng có sự xuất hiện nhiều tập đoàn quy mô quốc tế và sản phẩm công nghệ cao. Đáng chú ý là trong các lĩnh vực công nghệ, điện – điện tử, chế biến, chế tạo, hạ tầng, năng lượng tái tạo, xe điện… nâng cao giá trị nhiều hơn.
Đến nay, nhiều dự án trị giá hàng trăm triệu, thậm chí lên tới tỉ đô la từ Trung Quốc đã có mặt tại Việt Nam. Gần đây là Tập đoàn Chery có dự án xe điện Omoda và Jaecoo, vốn hơn 800 triệu đô la.
Cần chọn lọc để có giá trị bền vững hơn
Việc các doanh nghiệp quy mô lớn và công nghệ cao của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam cho thấy phần nào theo chủ trương Việt Nam về thu hút FDI có chọn lọc, công nghệ cao, giá trị gia tăng…
Ở Tọa đàm với các doanh nghiệp Trung Quốc tiêu biểu trong lĩnh vực phát triển kinh tế xanh, kinh tế số hồi tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết Chính phủ luôn khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hợp tác, tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu.
Việt Nam ưu tiên thu hút đầu tư về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, đô thị thông minh, công nghiệp chế tạo, hạ tầng giao thông.
Các doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc cũng cho biết, rất coi trọng thị trường Việt Nam. Họ đánh giá môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện với chiến lược phát triển phù hợp, nhất là về kinh tế số, kinh tế xanh, các lĩnh vực mới nổi.
Các doanh nghiệp cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, mong muốn gắn bó lâu dài, tham gia tích cực trong tiến trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa của Việt Nam.
Quan sát thực tế cũng thấy, nếu vốn đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Việt Nam trước đây thường tập trung vào các ngành nghề sản xuất, gia công đồ gỗ gia dụng, sắt thép, dệt may, giày dép, chế biến thực phẩm, bao bì nhựa… thì mấy năm trở lại đây đã khác. Đầu tư FDI từ Trung Quốc chuyển dịch sang các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, linh kiện, phụ tùng cho sản xuất công nghiệp, điện tử, ô tô, năng lượng xanh…
Dù vậy, không ít doanh nghiệp, nhà đầu tư nước này tiếp tục rót vốn vào lĩnh vực thâm dụng lao động hoặc cạnh tranh trực tiếp với sản xuất trong nước, làm suy yếu nội lực Việt Nam, nhất là công nghiệp hỗ trợ.
Theo các chuyên gia, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, đã khiến làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc của các tập đoàn lớn ngày càng nhiều hơn. Do đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc nằm trong chuỗi sản xuất của các tập đoàn này cũng dịch chuyển theo.
Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam lo ngại, làn sóng đẩy mạnh đầu tư của Trung Quốc, nhất là ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ dẫn đến nhiều thách thức với doanh nghiệp nội địa.
Họ đầu tư với quy mô lớn và làm rất nhanh. Kéo theo đó là hệ thống các công ty con, hình thành chuỗi sản xuất cụm chi tiết để xuất khẩu sang châu Âu, Bắc Mỹ, tránh hàng rào kỹ thuật và hàng rào thuế quan. Đây là nỗi lo trong cạnh tranh của công nghiệp hỗ trợ.
Trên thực tế bối cảnh cuộc thương chiến Mỹ – Trung, Việt Nam được các chuyên gia cho là có nguy cơ bị biến thành “cứ điểm” để các doanh nghiệp Trung Quốc tận dụng thay đổi nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, “mượn” sản xuất Việt Nam để xuất đi Mỹ. Việc này sẽ khiến hàng Việt Nam có nguy cơ bị áp thuế trừng phạt với mức cao từ các quốc gia nhập khẩu như Mỹ và EU… Điều này cũng đã xảy ra với ngành gỗ, tấm pin mặt trời,…
Trao đổi với KTSG Online gần đây, luật sư Đào Tiến Phong, Công ty tư vấn Investpush, cũng cho biết các đầu tư Trung Quốc sẵn sàng mua đứt doanh nghiệp Việt có đơn hàng đi Mỹ, EU… chẳng hạn như ngành may mặc.
Dự báo dòng vốn Trung Quốc sẽ ngày càng nhiều hơn. Giới phân tích khuyến nghị cần tiếp tục “gạn đục khơi trong”, trong đó phải nâng cao trách nhiệm của đơn vị thẩm định dự án, siết chặt khâu sàng lọc và giám sát. Tuyệt đối ngăn chặn những dự án có công nghệ lạc hậu, thâm dụng nhiều lao động và gây ô nhiễm môi trường.
Việc cần làm trong việc thu hút đầu tư cần nghiên cứu bổ sung những quy định pháp luật chưa chặt chẽ hoặc còn khoảng trống để vừa thu hút được vốn FDI lại vừa tránh được nhưng nguy cơ cho kinh tế và an ninh quốc phòng.
Việt Nam cũng cần cảnh giác tránh trở thành xưởng gia công của thế giới, tránh trường hợp các doanh nghiệp Trung Quốc “mượn” sản xuất Việt Nam để xuất khẩu vào Mỹ và các nước EU…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường