VOF-VinaCapital tăng đặt cược vào ngành thép và hàng không, bỏ qua MWG
“Người thủy thủ giỏi không sinh ra từ một mặt biển êm đềm”, VOF-VinaCapital dẫn lời cố Tổng thống Mỹ Frankin D. Roosevelt cho phần mở đầu báo cáo cập nhật tình hình quỹ tháng 4.
Trong khi các thị trường chứng khoán trên toàn thế giới hồi phục ấn tượng trong tháng 04/2020, thiệt hại đối với nền kinh tế toàn cầu của dịch Covid-19, thể hiện qua một loạt các chỉ số kinh tế và hạ kỳ vọng về lợi nhuận doanh nghiệp, vẫn không ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Câu hỏi ở đây là liệu những mức tăng giá vừa qua có phải là bền vững?
Nếu Việt Nam nhanh chóng nối lại các hoạt động tại nội địa thì đó sẽ là liều thuốc giảm đau đối với những tác động gây nên bởi đại dịch Covid-19.
Thành tích sinh lời của VOF trong tháng 04/2020 là 11.9%. Tính đến cuối tháng 04/2020, quỹ này quản lý gần 787 triệu USD.
HPG là khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục của VOF, chiếm tỷ trọng 12% trong danh mục đầu tư vào thị trường niêm yết vào cuối tháng 4. HPG có kết quả kinh doanh quý 1/2020 tích cực nhờ sự gia tăng thị phần thép xây dựng từ 26% lên mức 32% trong quý đầu năm, và tăng trưởng của mảng nông nghiệp chủ yếu nhờ giá thịt heo tăng mạnh vì thiếu hụt nguồn cung.
Các khoản đầu tư cổ phiếu lớn nhất của VOF trong tháng 4
Thực tế là tỷ trọng đầu tư vào HPG và ACV trong danh mục của VOF đã tăng đáng kể trong tháng 4 vừa qua. Cụ thể, đối với HPG là từ mức 10.3% lên mức 12%, ACV là từ mức 5.5% lên mức 7.1%.
Đáng chú ý, VinaCapital cho biết họ xem xét MWG như một cơ hội đầu tư, tuy nhiên, mức giá mà Quỹ có thể mua được cổ phiếu này hiện phải cao hơn 40% so với thị giá trên sàn chứng khoán. Đấy là phần giá lót tay trả thêm vì yếu tố khan hiếm do MWG hiện đã kín room ngoại. “Lợi nhuận tiềm năng cho VOF có thể tìm kiếm được tại những doanh nghiệp vốn cổ phần tư nhân hoặc doanh nghiệp đại chúng khác”, Quỹ cho biết.
Giữa đà hồi phục của thị trường chứng khoán, tỷ trọng các khoản đầu tư vào cổ phiếu niêm yết trong danh mục VOF cũng tăng từ mức 53.7% vào đầu tháng 4 lên đến mức 57.6% tính đến cuối tháng (chưa bao gồm** tiền mặt và các khoản phải trả, phải thu khác).
Cơ cấu danh mục của VOF phân theo loại tài sản trong tháng 4
Nền kinh tế trong đại dịch
Việc giãn cách, cách ly xã hội trong tháng 4 ảnh hưởng nặng nề đến sức tiêu dùng nội địa của Việt Nam. Sau khi mở cửa trở lại nền kinh tế, Việt Nam cũng chịu rủi ro bởi đà tăng trưởng nghèo nàn hơn của phần còn lại của thế giới. Việt Nam là quốc gia có giá trị xuất khẩu tương đương 100% GDP.
Doanh số bán lẻ hàng hóa tháng 4 sụt 26% so với cùng kỳ năm trước, một phần vì vắng bóng khách du lịch.
Lĩnh vực sản xuất cũng cho thấy sự ảm đạm khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam giảm từ mức 41.9 xuống còn 32.7 trong tháng 04/2020. Mức tăng trưởng sản lượng sản xuất so với cùng kỳ cũng giảm từ mức 7% trong quý 1 xuống còn 3% lũy kế 4 tháng đầu năm, do sự suy yếu của lĩnh vực sản xuất điện thoại.
Sự đi xuống của lĩnh vực sản xuất Việt Nam cũng được thể hiện tại việc sản xuất hàng áo quần, giày dép suy giảm, và cùng với đó là việc các nhà máy ô tô cũng thực hiện đóng cửa. Dù vậy, VOF cũng lưu ý rằng, hầu hết các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đến hết tháng 4 vẫn chưa phải ngừng sản xuất. Lĩnh vực sản xuất đóng góp gần 20% tỷ trọng của nền kinh tế Việt Nam.
Xuất khẩu của Việt Nam duy trì khả quan hơn so với các quốc gia trong khu vực, lũy kế 4 tháng đầu 2020 đạt mức tăng trưởng 4% so với cùng kỳ năm trước. Như một kết quả, thặng dư thương mại của Việt Nam đạt hơn 3 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm nay, so với con số 1 tỷ USD của cùng kỳ.
Lạm phát năm 2020 cũng giảm từ mức 4.9% trong tháng 3 xuống còn 2.9% trong tháng 4, nhờ sự sụt giảm của giá xăng dầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận