VNDirect: Ước tính LienVietPostBank được cấp 'room' tín dụng 11% năm nay
Ngân hàng tăng trích lập dự phòng tăng 54,1% so với cùng kỳ, giúp tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 121,3% cuối quý II, tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay.
Theo báo cáo cập nhật LienVietPostBank (HoSE: LPB) của Công ty Chứng khoán VNDirect, nhóm phân tích nhận định chất lượng tài sản của ngân hàng đang được cải thiện.
VNDirect cho biết tỷ lệ nợ xấu (NPL) của LienVietPostBank giảm về 1,4% vào cuối quý II từ mức 1,42% cuối quý I nhưng cao hơn cuối quý IV/2021 (1,37%) trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) cải thiện lên 121,3% vào cuối quý II từ mức 117,7% cuối quý I.
Ngân hàng cũng đã xóa nợ 243 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022, nâng tỷ lệ xóa nợ đạt 0,1% - thấp hơn mức 0,2% trong 6 tháng đầu năm 2021. VNDirect nhận thấy nợ xấu nhóm 3 và 5 tăng lần lượt là 67,5% và 37,8% so với cùng kỳ vào cuối quý II. Ngân hàng cũng đã trích lập dự phòng tăng 54% so với cùng kỳ, giúp tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 121,3% cuối quý II, tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay.
VNDirect ước tính chi phí tín dụng là 0,6% trong giai đoạn 2022-2023, cao hơn kỳ vọng trong 6 tháng đầu năm và thấp hơn mức 0,69% năm 2021 khi bán lẻ và SME (khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng các dịch vụ sản phẩm của ngân hàng) phục hồi sẽ giúp ngân hàng giảm chi phí tín dụng hơn so với năm 2021. Do đó chi phí dự phòng tăng 94,9% và 61,1% so với dự báo cũ giai đoạn 2022-2023.
Một trong số ít nhà băng cải thiện NIM nửa đầu năm
Theo đơn vị phân tích, cho vay tăng trưởng 8,6% so với đầu năm vào cuối quý II, thấp hơn 9,3% so với cùng kỳ năm 2021, và 9,35% so với đầu năm của toàn ngành. Trong đó, cho vay bán lẻ tăng 22,6% so với đầu năm, đóng góp hơn 52,6% tổng các khoản cho vay.
VNDirect cũng ước tính ngân hàng đạt khoảng 11% tăng trưởng tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước trong đợt điều chỉnh tín dụng vừa qua và khoảng 12 - 13% trong năm 2023. Nguyên nhân là do ngân hàng có hệ số an toàn vốn (CAR) thấp ở mức 9% và tỷ lệ dư nợ tín dụng (LDR) cao (84%) vào cuối quý II. Vì vậy đơn vị phân tích hạ dự báo tăng trưởng cho vay của ngân hàng từ 18%/17% xuống 11,5%/12,5% giai đoạn này.
Trong nửa đầu năm nay, tỷ suất sinh lời trên tài sản sinh lãi giảm 24 điểm cơ bản so với cùng kỳ khi ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay để giúp đỡ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong khi đó, chi phí vốn giảm 75 điểm cơ bản so với cùng kỳ nhờ lãi suất tiền gửi giảm 30-50 điểm cơ bản so với cùng kỳ đối với các kỳ hạn. Chi phí vốn cũng giảm do ngân hàng đã sử dụng giấy tờ có giá và tiền gửi từ các ngân hàng khác nhiều hơn trong thời gian này. LienVietPostBank là một trong số ít các ngân hàng cải thiện được biên lãi ròng (NIM), tăng 58 điểm cơ bản so với cùng kỳ lên 4,13% trong 6 tháng đầu năm 2022.
Với nửa cuối năm, VNDirect nhận thấy lãi tiền gửi và lãi suất liên ngân hàng đã tăng từ tháng 7 (30-110 điểm cơ bản với các kỳ hạn tiền gửi). Mặt khác, tỷ suất sinh lời của tài sản sinh lãi sẽ tăng thấp hơn so với đà tăng của chi phí vốn. Do đó, nhóm chuyên gia dự báo NIM sẽ giảm trong nửa cuối năm, lần lượt ở mức 3,5% cả năm 2022 và 3,4% năm 2023.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận