VNDirect: Doanh nghiệp bán lẻ lớn gia tăng thị phần sau dịch Covi19
Nhóm phân tích của VNDirect nhận định, nhiều công ty bán lẻ quy mô nhỏ đã phải đóng cửa do chịu ảnh hưởng bởi giai đoạn giãn cách xã hội nhiều hơn so với các công ty quy mô lớn có thương hiệu mạnh, hệ thống phân phối lớn.
Trong báo cáo mới đây về ngành bán lẻ, Công ty chứng khoán VNDirect ghi nhận doanh số bán lẻ hàng hóa tại Việt Nam đã phục hồi nhanh chóng kể từ tháng 10, ngay sau khi trạng thái "bình thường mới" được thiết lập và hoạt động kinh doanh ở khu vực phía Nam mở cửa trở lại kể từ giữa tháng 9/2021.
Doanh số bán lẻ hàng hóa tăng 15,2% trong tháng 11, đạt 315.000 tỷ đồng. Tuy nhiên tính trong 11 tháng, doanh số bán lẻ hàng hóa của Việt Nam đạt 3.430.600 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ.
Theo dữ liệu bản đồ của Apple, xu hướng di chuyển tại Việt Nam đang dần phục hồi về mức trước Covid-19, từ mức giảm 70% vào tháng 9/2021 đã hồi phục về mức giảm 12,1% vào 24/11. Trong đó, xu hướng di chuyển ở Hà Nội giảm 4,1% so với trước dịch và tại TP.HCM giảm 21,7%.
Báo cáo nhận định, xu hướng này cho thấy sự phục hồi tốt của nền kinh tế Việt Nam để trở lại giai đoạn tăng trưởng trong năm 2022.
Các công ty bán lẻ và phân phối niêm yết trên sàn chứng khoán là những công ty lớn và đã tồn tại được qua Covid-19 sẽ có tốc độ phục hồi mạnh mẽ và trở lại giai đoạn tăng trưởng vào 2022 nhờ trạng thái “bình thường mới”.
Sau khi từng bước mở cửa kinh tế ở phía nam vào đầu tháng 10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", với 4 cấp độ dịch để áp dụng tới đơn vị nhỏ nhất là “cấp xã”.
Với việc áp dụng nghị quyết số 128/NQ-CP, cũng như tỷ lệ tiêm chủng cao và tác động đáng kể của việc gián đoạn chuỗi cung ứng trong quý 3 là bài học kinh nghiệm lớn tới công tác chống dịch, các công ty bán lẻ và phân phối sẽ không còn chịu giãn cách xã hội diện rộng trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, nếu các chủng virus đột biến mới tạo thành một đợt đại dịch khác dẫn đến nhiều khu vực đạt mức độ 3-4 của đại dịch thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp bán lẻ ở các mức độ khác nhau.
Trong đó, các công ty lớn sẽ giành được nhiều thị phần hơn từ các công ty bán lẻ và phân phối khác đã rời khỏi thị trường.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số công ty thành lập mới trong 11 tháng năm 2021 là 105.618 công ty, giảm 15% so với cùng kỳ. Ngoài ra, số công ty quay trở lại hoạt động là 40.503 công ty, giảm 0,7% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy rủi ro cạnh tranh từ các doanh nghiệp mới là thấp trong quý 4/2021 và giúp các công ty đang hoạt động tận dụng lợi thế để giành thêm thị phần trong các mảng kinh doanh của mình.
Mặt khác, có 106.441 công ty rời khỏi thị trường trong 11 tháng năm 2021, tăng 13,9% so với cùng kỳ. Trong đó, gần 1/3 là các công ty thuộc lĩnh vực bán buôn, bán lẻ và sửa chữa. Phần lớn các công ty này là các công ty quy mô nhỏ, bị ảnh hưởng bởi giai đoạn giãn cách xã hội nhiều hơn so với các công ty quy mô lớn có thương hiệu mạnh, hệ thống quản lý mạnh.
Do đó, nhóm phân tích từ VNDirect nhận định, các công ty bán lẻ và phân phối quy mô lớn sẽ phục hồi nhanh chóng và tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2022. Cụ thể là những cái tên như Thế giới di động, PNJ hay Vincom Retail.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận