VN-Index giảm điểm, song thanh khoản trên HOSE phục hồi mạnh trong tháng 4
Bức tranh kết quả kinh doanh kém tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp chưa có dấu hiệu phục hồi, trong khi dòng tiền khối ngoại đảo chiều sang bán ròng… đã khiến thị trường chứng khoán diễn biến không mấy tích cực trong tháng 4. Tuy vậy, so với hồi đầu năm các chỉ số chứng khoán vẫn duy trì tăng trưởng dương; đồng thời thanh khoản có phần cải thiện hơn so với tháng trước đó.
Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE), kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 4/2023, các chỉ số chứng khoán chính trên HOSE đều ghi nhận giảm điểm trong tháng 4.
Cụ thể, chỉ số VN-Index đạt 1.049,12 điểm, giảm 1,46% so với tháng 3/2023 và tăng 4,17% so với cuối năm 2022; VNAllshare đạt 1.013,89 điểm, giảm 0,29% so với tháng 3/2023 và tăng 4,45% so với cuối năm 2022; VN30 đạt 1.051,43 điểm, giảm 2,07% so với tháng 3/2023 và tăng 4,60% so với cuối năm 2022.
Trong đó, chỉ số chứng khoán một số ngành ghi nhận giảm điểm trong tháng như ngành hàng tiêu dùng thiết yếu (VNCONS) giảm 3,13%; ngành tài chính (VNFIN) giảm 1,33%… Ngược lại, một số ngành khác ghi nhận có sự phục hồi đáng kể như ngành chăm sóc sức khỏe (VNHEAL) tăng 8,05%; ngành công nghiệp (VNIND) tăng 3,88%; ngành nguyên vật liệu (VNMAT) tăng 2,37%.
Đáng chú ý, thanh khoản thị trường cổ phiếu ghi nhận cải thiện đáng kể trong tháng 4. Theo thống kê của HOSE, thanh khoản thị trường trong tháng 4/2023 tăng trưởng với khối lượng và giá trị giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt hơn 641,1 triệu cổ phiếu và 11.121 tỷ đồng, tương ứng tăng lần lượt 24,63% về khối lượng bình quân và 21,36% về giá trị bình quân so với tháng 3/2023.
Riêng sản phẩm Giao dịch chứng quyền có bảo đảm (CW), tháng 4 ghi nhận khối lượng giao dịch bình quân phiên CW đạt khoảng 9,98 triệu CW, với giá trị giao dịch bình quân phiên đạt hơn 8,6 tỷ đồng; tương ứng giảm 32,83% về khối lượng bình quân, nhưng tăng 21,46% về giá trị bình quân so với tháng 3/2023.
Về dòng tiền khối ngoại, thống kê của HOSE cho thấy, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng đạt trên 36.368 tỷ đồng, chiếm hơn 8,17% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng trong tháng với giá trị hơn 2.529 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán tháng 4/2023 ghi nhận sự điều chỉnh đáng kể có thể do bức tranh kết quả kinh doanh quý I/2023 kém tích cực; đồng thời Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, cho thấy ngành sản xuất tiếp tục thu hẹp và bức tranh tăng trưởng kinh tế vẫn ảm đảm. Trong khi đó, dòng tiền khối ngoại đảo chiều sang bán ròng mạnh, dẫn đến tâm lí nhà đầu tư có phần thận trọng hơn.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, bức tranh kết quả kinh doanh quý I kém tích cực có thể đã được phản ánh hầu hết trong đợt điều chỉnh vừa qua. Trong thời gian tới, thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ bớt ảm đảm hơn khi một loạt chính sách hỗ trợ mới ban hành gần đây như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, giảm thuế giá trị gia tăng, thúc đẩy đầu tư công… Đặc biệt, với xu hướng lãi suất có phần hạ nhiệt hơn so với hồi đầu năm và dự kiến sẽ tiếp tục giảm sẽ giúp cải thiện tâm lý của nhà đầu tư và dòng tiền trên thị trường chứng khoán.
Tính đến hết ngày 28/4, trên HOSE có 476 mã chứng khoán niêm yết, bao gồm có 400 mã cổ phiếu, 03 mã chứng chỉ quỹ đóng, 12 mã chứng chỉ quỹ ETF và 61 mã chứng quyền có bảo đảm. Trong số này, có 36 doanh nghiệp có vốn hóa lớn hơn 1 tỷ USD, và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (HOSE: VCB) vẫn là doanh nghiệp duy nhất có vốn hóa trên 10 tỷ USD.
Tổng khối lượng cổ phiếu đang niêm yết đạt trên 141,16 tỷ cổ phiếu. Giá trị vốn hóa đạt hơn 4,18 triệu tỷ đồng, giảm 1,46% so với tháng trước, chiếm hơn 94,16% tổng giá trị vốn hóa niêm yết toàn thị trường và tương đương 43,99% GDP năm 2022 (GDP theo giá hiện hành).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận