Vĩnh Hoàn chi hơn 12 tỉ đồng mua cổ phiếu CTG
Là một trong những “ông vua tiền mặt” trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Vĩnh Hoàn đã có bước đi mới trong bối cảnh lãi suất giảm mạnh.
Từ khi dịch COVID-19 xảy ra tại Việt Nam, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hồi phục sản xuất kinh doanh. Trong số đó, Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái giảm lãi suất điều hành để góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế.
Được biết đến là một trong những “ông vua tiền mặt” trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC) đã có bước đi mới trong bối cảnh lãi suất giảm mạnh.
Cụ thể, kể từ năm 2019 lượng tiền mặt của Công ty đã tăng đột biến nhờ việc hoàn tất thoái vốn tại Vạn Đức Tiền Giang, thể hiện trong khoản thu hồi đầu tư vốn góp, vào đơn vị khác lên tới 409 tỉ đồng, trong báo cáo dòng tiền của Vĩnh Hoàn trong nửa đầu năm 2019.
Số liệu tại thời điểm cuối quý II/2021 (30/6), lượng tiền (tiền và các khoản tương đương tiền, tiền gửi ngân hàng) của Vĩnh Hoàn lên tới hơn 1.205 tỉ đồng, chiếm 15,1% trong tổng tài sản của Công ty. Trong đó, Vĩnh Hoàn đã đem gửi Ngân hàng hơn 1.391 tỉ đồng với các kỳ hạn trên 3 tháng đến dưới 1 năm và nhận lãi suất cố định bằng VND.
Trước khi COVID-19 xuất hiện, các khoản đầu tư tài chính của Vĩnh Hoàn đa phần là tiền gửi ngân hàng và các khoản đầu tư trái phiếu. Tuy nhiên, trong quý II/2020 trong bối cảnh lãi suất thấp cùng với sức hút của thị trường chứng khoán, Vĩnh Hoàn đã chi gần 190 tỉ đồng để "nhập cuộc".
Thời điểm ấy, danh mục của Vĩnh Hoàn chủ yếu tập trung cổ phiếu của Thế Giới Di Động (mã MWG); Công ty Cổ phần FPT (mã FPT) và Thép Hòa Phát (mã HPG). Sau khi chi hàng trăm tỉ đồng để tham gia vào thị trường chứng khoán, Vĩnh Hoàn đã thu được những thành quả nhất định. Đến cuối quý IV/2020, Công ty đã thực hiện chốt lời toàn bộ danh mục đầu tư chứng khoán kinh doanh của mình. Thời điểm 31.12.2020, Công ty ghi nhận khoản lợi nhuận hơn 47,4 tỉ đồng từ hoạt động này.
Trải qua một năm “đánh chứng” khá thành công, năm 2021 Vĩnh Hoàn tiếp tục chi tiền cho hoạt động này, nhưng chỉ ở mức rất nhỏ so với tài sản của Công ty. Số liệu trên Báo cáo tài chính Hợp nhất Soát xét 6 tháng đầu năm 2021 của Vĩnh Hoàn cho thấy thời diểm cuối tháng 6/2021 Vĩnh Hoàn đang sở hữu danh mục đầu tư trị giá hơn 57 tỉ đồng theo giá gốc, gấp hơn 6,3 lần so với hồi đầu năm.
Danh mục của Vĩnh Hoàn thời điểm này chỉ tập trung vào 3 mã cổ phiếu chính, bao gồm KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc; CTG của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam và DXS của Đất Xanh Services với giá trị đầu tư theo vốn gốc lần lượt là 16,7 tỉ đồng; 12,2 tỉ đồng và 25,6 tỉ đồng.
Cuối quý II/2021, Vĩnh Hoàn đang trích lập dự phòng hơn 96,1 triệu đồng cho khỏa đầu tư vào cổ phiếu CTG. Trong khi đó, lượng cổ phiếu này mới chỉ được Công ty mua vào trong nửa đầu năm 2021.
Về hoạt động kinh doanh chính, trong tháng 7 vừa qua Vĩnh Hoàn đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu. Tổng doanh thu của Công ty tăng 21% trong tháng 7 khi so với cùng kỳ 2020, chủ yếu đến từ các dòng sản phẩm chính. Doanh thu ở các mảng như cá tra, chăm sóc sức khỏe và sản phẩm phụ đều tăng trưởng từ 15-27%. Trong khi đó, sản phẩm từ giá trị gia tăng và các sản phẩm khác lại ghi nhận mức giảm 31% so với cùng kỳ trong tháng 7/2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận