Vinaconex đang ở đâu?
Trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của Tổng CTCP Xây dựng và xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex, mã VCG), nhiều vấn đề đang được cổ đông và nhà đầu tư quan tâm xoay quanh bài toán tái cấu trúc cơ cấu tổ chức, định hướng kinh doanh cũng như phương án giải quyết khó khăn về bài toán vốn của doanh nghiệp.
Ðầu tư tài chính, bỏ kinh doanh cốt lõi?
Kết thúc năm 2019, năm ghi nhận sự thay đổi lớn trong cơ cấu sở hữu của Vinaconex, sau khi các cổ đông Nhà nước là Tổng công ty Ðầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) hoàn tất thoái vốn và các nhóm cổ đông mới như An Quý Hưng, Star Invest xuất hiện cùng với thay đổi các vị trí lãnh đạo.
“Con tàu” Vinaconex, thay vì tiếp tục “hải trình” trong lĩnh vực xây lắp, đầu tư hạ tầng, đã chuyển hướng, khiến nhiều cổ đông chưa thể yên tâm, nguyên nhân là bởi đóng góp chủ yếu vào con số lợi nhuận tăng trưởng cao là các phần lãi từ hoạt động tài chính, đầu tư hoặc thu nhập khác, trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh của Công ty khá thấp, chỉ 8,3%.
Ðáng chú ý, trong số 138,7 tỷ đồng thu nhập khác mà Vinaconex ghi nhận, có đến 82,3 tỷ đồng (chiếm 60%) là ghi nhận hoàn nhập dự phòng bảo hành các tòa chung cư, tương ứng hạch toán lợi nhuận trên sổ sách, không có dòng tiền thực thu về.
Lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng, tuy nhiên dòng tiền của Công ty không được tích cực như vậy khi báo cáo tài chính cho biết dòng tiền kinh doanh hợp nhất âm đến 1.493 tỷ đồng, với nguyên nhân chủ yếu là các khoản mục phải thu tăng mạnh 2.417,7 tỷ đồng trong năm qua.
Dòng tiền kinh doanh âm trong khi nhu cầu đầu tư còn lớn dẫn đến việc nguồn tiền dự trữ của Vinaconex giảm mạnh.
Số dư tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng đến cuối năm 2019 trên trên báo cáo tài chính hợp nhất giảm gần 631 tỷ đồng so với đầu năm, khiến doanh thu tài chính, chủ yếu là lãi tiền gửi có xu hướng giảm. Mặt khác, Công ty phải tăng cường vay nợ thêm 1.670 tỷ đồng. Dư nợ vay tính đến cuối năm 2019 lên đến 4.661 tỷ đồng.
Trong quý I/2020, tình hình chưa có dấu hiệu được cải thiện khi Công ty báo lãi trước thuế 63,8 tỷ đồng nhưng dòng tiền kinh doanh tiếp tục âm thêm 1.060 tỷ đồng, nguồn tiền gửi kỳ hạn trên 3 tháng giảm thêm 155 tỷ đồng so với đầu năm.
Băn khoăn về hiệu quả công ty con
Trong nhóm công ty liên doanh liên kết, trong quý đầu năm nay có đến 4 công ty báo lỗ, khiến phần lãi của nhóm công ty này giảm mạnh từ 38,8 tỷ đồng quý I/2019 xuống 716 triệu đồng trong quý đầu 2020.
Tương tự là tình hình tại các công ty con, trong đó có những đơn vị dự án đã “treo” nhiều năm và đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn như CTCP Ðầu tư và phát triển du lịch Vinaconex (VCR- Vinaconex sở hữu 53,6%) với dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá - Cát Bà là ví dụ.
Bởi vậy, việc tiếp tục tái cấu trúc các đơn vị thành viên trong năm nay cũng là điều được nhà đầu tư quan tâm.
Trước thềm Ðại hội đồng cổ đông được tổ chức vào ngày 29/6 tới đây tại Hà Nội, Hội đồng quản trị Vinaconex dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2020 với mục tiêu 9.530 tỷ đồng tổng doanh thu. 820 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, tăng 4% so với lợi nhuận đạt được năm 2019. Tỷ lệ cổ tức mục tiêu là 12%.
Hội đồng quản trị Công ty cũng trình phương án tăng vốn điều lệ thông qua chào bán 66,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Giá chào bán dự kiến là 15.000 đồng/cổ phần, tương ứng tổng giá trị thu về 994 tỷ đồng.
Chưa phân bổ chi tiết, nhưng số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được Vinaconex dùng để triển khai dự án Khu đô thị Ðại lộ Hòa Bình kéo dài tại Quảng Ninh; đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Ðông Anh (Hà Nội) triển khai dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng resort ven biển Tuy Hòa (Phú Yên); làm vốn đối ứng để tham gia vào các dự án BOT, các dự án do Tổng công ty làm chủ đầu tư hoặc góp vốn.
Rõ ràng, so với nhu cầu vốn tại các dự án đầu tư trên, con số 1.000 tỷ đồng dự kiến thu về từ đợt chào bán dường như vẫn còn khá nhỏ.
Cũng cần lưu ý thêm là trước thềm Ðại hội đồng cổ đông 2020, Vinaconex mới đây đã công bố việc liên danh của Tổng công ty tham gia ứng tuyển vào 5/8 gói thầu tại Dự án cao tốc Bắc - Nam và trúng sơ tuyển, bao gồm tuyến Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt , Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Phan Thiết - Dầu Giây.
Việc tham gia các dự án cao tốc có quy mô lớn được đánh giá là bước đi nhằm phục hồi cho mảng xây dựng vốn đang có xu hướng doanh thu, lợi nhuận ngày càng suy giảm, nhất là khi Vinaconex có lợi thế đã tham gia đầu tư nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn như Ðại lộ Thăng Long, cao tốc Hà Nội - Lào Cai, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường