Vietnam Airlines sẽ cạn kiệt dòng tiền sau 2 – 3 tháng tới nếu không nhận được hỗ trợ
Vietnam Airlines không giấu khó khăn bởi ngoài sự minh bạch mà đây còn là thái độ trách nhiệm đối với các cổ đông đang đầu tư vào hãng.
Điều chúng tôi cần nhất lúc này là một thông điệp chính thức từ Chính phủ trong vai trò là cổ đông chi phối về việc sớm có gói giải pháp hỗ trợ để các đối tác tin tưởng vào sự phục hồi sau dịch của hãng hàng không quốc gia – ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines – MCK: HVN) cho biết.
“Việc Chính phủ hỗ trợ cho chúng tôi cũng chính là cách Chính phủ bảo vệ khoản đầu tư của mình khi đang nắm giữ 86% vốn điều lệ tại Vietnam Airlines” ông Hiền đánh giá.
Thừa nhận tình hình tài chính của hãng đang rất khó khăn, Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết, sản lượng cả năm 2020 sẽ giảm 48% so với 2019; doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng; sau cắt giảm chi phí còn lỗ khoảng 15.000-16.000 tỷ đồng. Hơn 3 tháng chỉ bay 2 -5% năng lực trong khi vẫn phải trả, hạch toán các chi phí, trong đó nặng nhất tiền thuê tàu bay (1.300 tỷ đồng) và chi phí khấu hao, bảo dưỡng sửa chữa tàu bay, nhân công.
Với các đơn vị thành viên của Vietnam Airlines cũng rất khó khăn,trong đó Jetstar Pacific lỗ 1.200 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020; hãng hàng không K6 lỗ 14,5 triệu USD.
Ngoài việc cắt giảm triệt để các chi phí sản xuất, chấp nhận giảm lương của người lao động, ngay khi dịch Covid – 19 mới bùng phát tại Trung Quốc, hãng đã sớm chủ động đàm phán với các đơn vị cho thuê tàu bay, các định chế tài chính trong và ngoài nước, qua đó đạt được những thỏa thuận rất tích cực, thậm chí có đơn vị cho thuê tàu bay chấp nhận hỗ trợ hơn 1.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines.
Tuy nhiên, tất cả những biện pháp này cũng chỉ giúp Vietnam Airlines giảm bớt được một phần khó khăn. Theo dự báo, sản lượng cả năm của Vietnam Airlines sẽ giảm 48% so với 2019; doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng; lỗ gần 20.000 tỷ đồng/tháng, sau cắt giảm chi phí còn lỗ khoảng 15.000-16.000 tỷ đồng. Trong đó, chi phí cố định hàng tháng 2.100 tỷ đồng/tháng chủ yếu là thuê tàu bay (1.300 tỷ đồng) và chi phí khấu hao, bảo dưỡng sửa chữa tàu bay, nhân công.
Với các đơn vị thành viên như Jetstar Pacific, sản lượng tháng Sáu giảm 64% so cùng kỳ, lỗ 1.200 tỷ đồng, doanh thu giảm 64,2%. Hãng hàng không K6 sản lượng giảm 24,9, doanh thu giảm 27,4 và lỗ 14,5 triệu USD.
“Tôi gần như cả đời làm tài chính hàng không nhưng chưa bao giờ chứng kiến tác động tiêu cực nào lại lớn như dịch Covid – 19 đối với ngành hàng không thế giới. Tất cả các hãng hàng không đều như bị mất máu đột ngột, vỡ động mạch chủ”, ông Hiền cho biết.
Nhận định của Kế toán trưởng Vietnam Airlines được dựa trên tình hình thực tiễn tại Việt Nam cũng như đánh giá của các tổ chức hàng không trên thế giới.
Cách đây hơn 1 tháng, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo ngành hàng không sẽ bị giảm doanh thu 314 tỷ USD. Tuy nhiên, đến ngày 9/6 vừa qua, con số này đã lên tới 419 tỷ USD và khoản lỗ sẽ vọt lên 84 tỷ USD. Ngay cả khi dịch Covid -19 được khống chế vào quý III/2020 thì cũng phải đến cuối năm 2022, ngành hàng không mới có thể về lại trạng thái cuối tháng 12/2019.
Các tổ chức quốc tế cho rằng cần 250 tỷ USD hỗ trợ cho các hãng hàng không. Hiện, ngày 15/5, các hãng hàng không trên thế giới mới hỗ trợ 120 tỷ USD. Đặc biệt, Trung tâm hàng không châu Á - Thái Bình Dương (CAPA) nhận định, đến cuối tháng 5/2020, hầu hết các hãng hàng không sẽ phá sản nếu không nhận được các nguồn lực hỗ trợ từ các quốc gia.
“Hầu như không còn hãng nào còn tiền trên tài khoản do dịch COVID-19 đã “đốt” 41% tài chính, tương đương 157 tỷ USD giá trị vốn hóa của 116 hãng hàng không niêm yết trên toàn thế giới), trong đó phần khách mua vé trước đây phải hoàn vé rất kinh khủng. Chỉ trong khoảng từ giữa tháng 2 đến tháng 2/2020, Vietnam Airlines phải hoàn lại 4.000 tỷ đồng cho khách, mất 1 lượng lớn tiền mặt trong tài khoản,” ông Hiền nói.
So với nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới đã phải tuyên bố phá sản, Vietnam Airlines tuy lỗ nặng nhưng vẫn trụ được vì trước dịch hãng có tiềm lực tài chính lành mạnh. Tại thời điểm cuối năm 2019 hãng đang có 4.000 tỷ đồng tiền mặt trong tài khoản nhưng cũng chỉ giúp Vietnam Airlines cầm cự đến tháng 9/2020 và sẽ sớm cạn kiệt dòng tiền nếu như không nhận được sự hỗ trợ kịp thời..
Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết nhiều người đã hỏi tại sao tại thị trường hàng không Việt Nam chỉ mình chúng tôi kêu khó, xin hỗ trợ. Đó hoàn toàn không phải là sự ỉ lại mà là sự minh bạch, thái độ có trách nhiệm với các cổ đông đang đầu tư vào hãng – ông Hiền giải thích.
Hiện các nước đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho các hãng bay, dưới hình thức bảo lãnh cho vay và trực tiếp cho vay như Pháp, Hà Lan, Singapore… hoặc Chính phủ phát hành trái phiếu, cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi hay như Thái Lan thực hiện tái cấu trúc Thai Airways theo Đạo luật phá sản… Trong khi đó, tại Việt Nam, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hàng không là không lớn, mới chớm được triển khai hoặc vẫn đang giai đoạn xin ý kiến của cấp có thẩm quyền.
“Các khoản hỗ trợ giảm thuế môi trường với nhiên liệu bay, giảm phí cất hạ cánh cộng dồn cũng chỉ giúp hãng đỡ được 400 – 500 tỷ”, ông Hiền thông tin và cho biết thêm là dù khôi phục toàn bộ thị trường nội địa, có thêm dòng tiền nhưng do đang giai đoạn kích cầu, các hãng đều không có lãi, không cải thiện đáng kể tình hình tài chính.
Hiện Vietnam Airlines đã có báo cáo kiến nghị Chính phủ với vai trò là chủ sở hữu của hãng (vốn Nhà nước chiếm tới 86%) đề nghị vay quy mô tối thiểu ít nhất 4.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi mức thấp nhất theo chính sách tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, phù hợp với tình huống hỗ trợ khẩn cấp, thời gian vay tối thiểu là 3 năm và có bảo lãnh của Chính phủ.
Hãng cũng kiến nghị phát hàng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn, Nhà nước sử dụng các nguồn vốn Nhà nước hoặc giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) hay các doanh nghiệp Nhà nước khác mua cổ phần thuộc quyền mua của Nhà nước.
Ngoài ra, trong giai đoạn trung và dài hạn, Chính phủ bảo lãnh cho Vietnam Airlines phát hành trái phiếu 10 năm, quy mô 10.000 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội bay giai đoạn 2021-2025.
“Vietnam Airlines không kỳ vọng xin được từ ngân sách Nhà nước mà vay sẽ trả. Tôi xin nói đây là hỗ trợ trong hoàn cảnh khó khăn và Vietnam Airlines đủ tiềm lực tài chính để trả chứ không phải xin không”, ông Hiền nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận