Vietnam Airlines đề xuất tăng giá vé trần, bộ Tài Chính nói gì?
Vietnam Airlines kiến nghị mức giá trần sẽ tăng từ 50.000 - 250.000 đồng/khách.
Liên quan đến đề xuất của Vietnam Airlines về tăng giá trần và áp giá sàn vé máy bay, bộ Tài chính lên tiếng cho biết:
Hãng hàng không được quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do bộ Giao thông vận tải quy định và thực hiện kê khai giá với bộ Giao thông vận tải.
Do đó, việc xem xét điều chỉnh khung giá (bao gồm giá trần và giá sàn) dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa thuộc thẩm quyền của bộ Giao thông vận tải.
Về kiến nghị mới của VNA, cơ quan quản lý nhà nước sẽ xem xét thận trọng trên nguyên tắc công khai, minh bạch và rà soát từng yếu tố chi phí hợp lý, hợp lệ cấu thành giá vé máy bay theo quy định.
Câu chuyện giá trần, giá sàn vé máy bay lại đang được dư luận quan tâm khi Hãng hàng không Vietnam Airlines có báo cáo đã kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam xem xét điều chỉnh tăng giá trần và áp giá sàn vé máy bay.
Cụ thể, với giá sàn vé máy bay, Vietnam Airlines đề xuất tăng từ 50.000 đến 250.000 đồng cho các chặng bay từ 500 km đến 1.280 km trở lên, giá vé trần sẽ được giữ nguyên với các đường bay phát triển kinh tế xã hội, nhóm đường bay khác dưới 500km.
Với giá sàn, theo phương án 1, theo đó, giá sàn cho các đường bay dưới 500 km là 414.000 đồng, 570.000 đồng các đường bay 500 - 850 km, 755.000 đồng cho các đường bay 850 - 1.000 km, 804.000 đồng cho các đường bay 1000 - 1.280km và 917.000 đồng cho các đường bay từ 1.280 km trở lên.
Phương án 2, giá sàn cho các đường bay từ dưới 500 km cho đến 1.280 km trở lên sẽ tăng dần từ 560.000 đồng lên cao nhất là 1,4 triệu đồng.
Nếu được thông qua, các hãng hàng không sẽ không thể tung ra những chương trình với giá vé máy bay siêu rẻ hoặc thậm chí 0 đồng mà phải tuân theo mức giá sàn này.
Đáng chú ý, Vietnam Airlines còn muốn "thâu tóm" được cấp hơn 50% lượng slot bay và thương quyền được phân bổ.
Vietnam Airlines cho biết kiến nghị điều chỉnh mức giá sàn là trên cơ sở mức phí khai thác hợp lý của hàng không, bảo đảm các hãng không phá giá, cạnh tranh không lành mạnh. Còn điều chỉnh mức giá trần là để phù hợp với tình hình thị trường và chi phí đầu vào…
Trước thông tin trên, nhiều ý kiến của cả ngành hàng không lẫn giới chuyên gia đều không đồng tình.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia hàng không - cho rằng VNA đang "nhầm vai" của cơ quan quản lý nhà nước khi lo cho "sức khỏe" của các hãng khác.
Ông Tống cho rằng khi VNA tái đề xuất tăng giá trần, áp giá sàn máy bay thì thực tế đây chỉ là kiến nghị riêng của VNA, quá vô lý và vi phạm luật cạnh tranh.
Khi áp dụng giá sàn tức là sẽ không còn vé 0 đồng, 49.000 đồng... để người dân chọn lựa giá rẻ để di chuyển bằng đường hàng không.
Hãng bay bán giá thấp không có nghĩa là họ đang phá giá. Trên một chuyến bay, hãng bay linh hoạt tính toán lượng ghế bán ra giá cao, vài ghế giá khuyến mãi để cân đối thu chi, bằng cách nào đó doanh nghiệp vẫn có lãi.
Theo kết quả kinh doanh quý I/2021, lợi nhuận sau thuế của hãng hàng không quốc gia âm gần 5.000 tỷ đồng trong quý I.
Theo bảng cân đối kế toán, mục lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 31/3/2021 ghi nhận - 14.219 tỷ đồng, tức là lỗ luỹ kế của Vietnam Airlines (MCK: HVN) đã lớn hơn khoản vốn điều lệ.
Điều này đồng nghĩa với việc hãng bay đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết nếu tình trạng này không sớm được khắc phục. Trước đó, mã HVN cũng đã bị HoSE đưa vào diện cảnh báo từ 15/4.
Ngày 26/3 vừa qua, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 450 quy định về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
NHNN tái cấp vốn không cần tài sản bảo đảm trên cơ sở đề nghị của TCTD sau khi cho Vietnam Airlines vay. Tổng số tiền giải ngân tái cấp vốn cho TCTD là 4.000 tỷ đồng với mức lãi suất tái cấp vốn 0%. Tuy nhiên hiện chưa rõ Vietnam Airlines đã nhận được tiền từ chính sách hỗ trợ này hay chưa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận