Vietnam Airlines đại hội cổ đông bất thường đẩy mạnh tái cơ cấu
Tại Đại hội cổ đông bất thường, các cổ đông Vietnam Airlines đã thông qua những định hướng lớn trong Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025; phương án kiện toàn Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát...
Sáng 14-12, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã tổ chức Đại hội cổ đông bất thường năm 2021 để xin ý kiến cổ đông về một số nội dung, nổi bật trong đó là phương án tái cơ cấu tổng thể doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 trên mọi lĩnh vực hoạt động.
Thông qua những định hướng lớn trong Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng không Việt Nam giai đoạn 2021-2025
Đại hội đã diễn ra với sự tham dự của đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước và các đối tác, cổ đông hiện hữu của Vietnam Airlines.
Tại Đại hội, các cổ đông của Vietnam Airlines đã thảo luận và nhất trí thông qua những định hướng lớn trong Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng không Việt Nam giai đoạn 2021-2025; sửa đổi ngành nghề kinh doanh và điều lệ Tổng công ty; phương án kiện toàn Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
Trong đó, phương án tái cơ cấu tổng thể doanh nghiệp là nội dung thu hút sự quan tâm lớn của các cổ đông.
Phương án tái cơ cấu được Vietnam Airlines xây dựng tổng thể trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm 7 nhóm giải pháp. Các giải pháp lớn có thể kể đến như tái cơ cấu đội bay thông qua đàm phán giãn, hoãn các khoản thanh toán, giảm tiền thuê máy bay, đẩy lùi lịch nhận các máy bay mới; tái cơ cấu tài sản thông qua thanh lý các tàu bay cũ, bán và thuê lại tàu bay; tái cơ cấu danh mục đầu tư và các doanh nghiệp thành viên thông qua chuyển nhượng vốn, cổ phần hóa, bán một số danh mục đầu tư để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính; tái cơ cấu danh mục đất và tài sản trên đất.
Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng đặt mục tiêu tái cơ cấu nguồn vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, huy động vốn từ bên ngoài, phát hành trái phiếu...
Tổng công ty cũng triển khai tái cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian và tái cơ cấu đổi mới quản trị doanh nghiệp thông qua đổi mới năng lực quản trị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Các nhóm giải pháp trên đã và đang được Vietnam Airlines thực hiện, đến nay ghi nhận một số kết quả tích cực. Năm 2020 Vietnam Airlines đã tự cắt giảm được 5.129 tỉ đồng, trong đó chi phí nhân công là 1.775 tỉ đồng, và dự kiến cắt giảm, tiết kiệm khoảng 6.000 tỉ đồng trong năm 2021. Kết quả này có được chủ yếu nhờ việc linh hoạt tổ chức lại sản xuất phù hợp với diễn biến thị trường; tái cơ cấu lao động; đàm phán giảm giá, giãn, hoãn các khoản thanh toán; tái cơ cấu các khoản vay; bán máy bay cũ;...
Bên cạnh cắt giảm chi phí, Vietnam Airlines cũng không ngừng tìm kiếm cơ hội gia tăng doanh thu thông qua thực hiện các chuyến bay hồi hương, chở chuyên gia, tăng cường vận chuyển hàng hóa,...
Trong quý 3-2021, Vietnam Airlines cũng đã hoàn thành kế hoạch phát hành gần 800 triệu cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ và ký kết hợp đồng vay vốn 4.000 tỉ đồng với các ngân hàng thương mại. Nhờ được bổ sung nguồn vốn, Vietnam Airlines đã giải tỏa phần náo áp lực dòng tiền, cải thiện khả năng thanh toán, đồng thời có thêm cơ hội để vượt qua khó khăn và tạo đà phát triển trong tương lai.
Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho biết trước dự báo của các tổ chức trong nước và quốc tế về hoạt động vận tải hàng không năm 2022, Vietnam Airlines đã xây dựng các kịch bản khác nhau để điều hành sản xuất kinh doanh, phát triển mạng bay và đội bay phù hợp, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh vận tải hàng hóa để tăng doanh thu, thực hiện tái cơ cấu và cắt giảm chi phí để cải thiện các cân đối tài chính... nhằm nhanh chóng phục hồi và bứt phá giai đoạn hậu Covid-19.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận