VietCredit báo lãi năm 2022 tăng 52%
Lợi nhuận trước thuế của VietCredit đạt 76 tỷ đồng, tăng 52% so với năm 2021.
Theo báo cáo tài chính, thu nhập lãi thuần của Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit - TIN) đạt 1.315 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ. Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của doanh nghiệp ghi nhận hơn 6.535 tỷ đồng và cho vay khách hàng đạt hơn 4.418 tỷ đồng.
Đến nay, VietCredit phát hành hơn 400.000 thẻ. Công ty cũng đẩy mạnh chiến lược phát triển thẻ tín dụng nội địa kèm mục tiêu "mỗi người dân Việt Nam một thẻ tín dụng nội địa", qua đó, kỳ vọng góp phần thúc đẩy thanh toán không tiền mặt cũng như triển khai chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, từng bước đẩy lùi tín dụng đen.
Năm qua, VietCredit chủ động theo sát diễn biến trên thị trường, tập trung quản trị rủi ro, kiểm soát chi phí hoạt động, từ đó, đưa ra cách thức quản trị phù hợp. Trong quá trình phát triển, doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí bằng việc áp dụng chuyển đổi số trong quá trình vận hành. Công ty tiếp tục đặt kỳ vọng vào công nghệ để mở rộng hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ và các giải pháp tài chính, trở thành trụ cột sinh lời trong những năm tiếp theo.
Đại diện doanh nghiệp cho biết, năm 2022, VietCredit tăng trưởng mạnh về cả doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, những tháng cuối năm, do nhiều biến động từ nền kinh tế vĩ mô, công ty cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Cụ thể, những biến động về lãi suất và thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng - tài chính cuối năm, đặc biệt là trong quý IV/2022 đã làm thay đổi kế hoạch bán hàng của công ty. Cùng với sụ thay đổi trong chính sách của Ngân hàng Nhà nước, VietCredit cũng thực hiện các chính sách xử lý nợ và quản lý rủi ro để đảm bảo quản lý cấu trúc danh mục lành mạnh hơn theo định hướng kinh doanh và yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, dẫn tới chi phí dự phòng tăng cao so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 30/9/2022, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 145.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021, chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế. Sự phát triển của tài chính tiêu dùng được ghi nhận không chỉ bởi sự gia tăng về quy mô và tốc độ tăng trưởng mà còn bởi những hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các công ty tài chính cũng gặp một số khó khăn, đặc biệt, trong những tháng cuối năm. Tín dụng hệ thống tăng 14,5%, cao hơn mức cùng kỳ năm ngoái (tăng 13,6%), tuy nhiên, tín dụng chỉ tăng thêm gần 5% từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 12, trong khi 6 tháng đầu năm đã tăng 9,5%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận