24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Nam
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế số lớn thứ hai Đông Nam Á

Báo cáo của KPMG & HSBC nghiên cứu trên 6.472 công ty khởi nghiệp chuyên về công nghệ hé lộ những kỳ lân tiềm năng của khu vực và động lực tăng trưởng của họ.

Ngày 18/7 KPMG & HSBC đã công bố báo cáo về top 10 doanh nghiệp được xếp hạng “Người khổng lồ mới nổi” tại 12 thị trường: Trung Quốc đại lục, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Singapore, Hàn Quốc, Hong Kong (SAR), Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Đài Lan và Thái Lan. Danh sách này được được cân nhắc lựa chọn dựa trên giá trị ước tính và vốn mạo hiểm nhận được (dựa trên số liệu Pitchbook) cũng như những phân tích của KPMG và HSBC về tiềm năng phát triển trong tương lai của những công ty này.

Với công bố của mình KPMG & HSBC đã đánh giá các doanh nghiệp hoạt động trong mảng kinh tế mới trong khu vực có tiềm năng mạnh mẽ tác động lên bối cảnh kinh doanh toàn cầu trong một thập kỷ tới.

Báo cáo nghiên cứu trên 6.472 công ty khởi nghiệp chuyên về công nghệ được định giá lên tới 500 triệu USD tại 12 thị trường và định danh 10 công ty được đánh giá là những Người khổng lồ mới nổi đứng đầu mỗi thị trường.

Ông Surendra Rosha, Tổng Giám đốc HSBC châu Á – Thái Bình Dương chia sẻ: “Chúng tôi rất hào hứng với báo cáo Những người khổng lồ mới nổi ở châu Á – Thái Bình Dương vì chúng tôi nhìn thấy hệ sinh thái khởi nghiệp có thể bổ trợ cho ngành dịch vụ tài chính lâu đời: họ chính là khởi nguồn của sáng tạo, họ thổi luồng sinh khí mới vào nền kinh tế quốc gia và khu vực bằng chính sự năng động của mình”.

Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế số lớn thứ hai Đông Nam Á
Những người khổng lồ mới nổi ở châu Á - Thái Bình Dương tỷ lệ theo thị trường nguồn gốc

Báo cáo của HSBC và KPMG cho biết, mặc dù khó lặp lại mức độ đầu tư từ khối tư nhân cao kỷ lục như năm 2021, số liệu quý I/2022 cho thấy năm nay châu Á – Thái Bình Dương có thể đạt mục tiêu vượt năm 2020 và 2019 về mức độ đầu tư vốn. Úc, Malaysia và Hàn Quốc đã chứng kiến giá trị giao dịch vượt qua hoặc gần vượt tổng giá trị của năm 2020.

Là khu vực ứng dụng công nghệ tài chính nhiều nhất thế giới, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang trải qua thời kỳ bùng nổ về chuyển đổi dịch vụ tài chính trong vòng hai năm qua khi ứng dụng fintech tiến bộ song hành với mức độ đón nhận của người dùng. Mức độ quan tâm đến tiền mã hóa tương đối lớn cũng kéo theo sự xuất hiện của nhiều nhà cung cấp dịch vụ tài chính mã hóa và người chơi chuỗi khối.

Thông tin từ báo cáo Những người khổng lồ mới nổi ở châu Á - Thái Bình Dương của KPMG & HSBC cho biết những phát hiện quan trọng

Mặc dù khó lặp lại mức độ đầu tư từ khối tư nhân cao kỷ lục như năm 2021, số liệu Quý 1 năm 2022 cho thấy năm nay châu Á – Thái Bình Dương có thể đạt mục tiêu vượt năm 2020 và 2019 về mức độ đầu tư vốn. Úc, Malaysia và Hàn Quốc đã chứng kiến giá trị giao dịch vượt qua hoặc gần vượt tổng giá trị của năm 2020.

Áp lực tăng trưởng với trọng tâm ESG trong chiến lược kinh doanh và đầu tư nhằm đạt các mục tiêu khí hậu nhiều khả năng sẽ thúc đẩy nhu cầu dịch vụ và công nghệ xanh bùng nổ trong mọi lĩnh vực, tạo ra nhiều cơ hội lớn cho “những người khổng lồ mới nổi”.

Thách thức lớn nhất đối với “những người khổng lồ mới nổi” bao gồm vượt qua những phức tạp trong pháp lý và tuyển dụng được nhân tài công nghệ. Hoạch định chiến lược ESG và thuế hiệu quả cũng như tận dụng ưu đãi của chính phủ và triển khai các quy trình quản lý nguồn nhân lực phân tán ở nhiều nơi cũng là những trở ngại cho tăng trưởng trong tương lai.

Châu Á – Thái Bình Dương: cỗ máy tạo ra tăng trưởng của thế giới

Hơn một tỷ người châu Á sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu vào năm 2030, theo World Data Lab – một doanh nghiệp về dữ liệu có trụ sở ở Áo.

Trung Quốc và Ấn Độ sẽ giữ vị trí dẫn đầu, trong đó, tầng lớp trung lưu của Trung Quốc hiện tại là 900 triệu người sẽ tăng lên 1,2 tỷ người, còn Ấn Độ tăng từ 400 triệu lên 800 triệu người. Phần còn lại đến từ Đông Nam Á, dẫn đầu là Indonesia (76 triệu người), Philippines (38 triệu người) và Việt Nam (23 triệu người). Đặc biệt, các quốc gia Đông Nam Á có đông dân thuộc thế hệ Millennial, những người đang trong độ tuổi 25-40, và Gen Z, độ tuổi 10-25, nhiều người trong số họ tự nhận bản thân là công dân sành công nghệ, sẵn sàng thử nghiệm và sử dụng công nghệ mới.

Tỷ lệ dân số có kết nối của châu Á sẽ tăng lên cùng với sự mở rộng của tầng lớp trung lưu. Tới năm 2025, khu vực này sẽ có hơn 3 tỷ thuê bao đi động – 1,26 tỷ ở Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Macau, Đài Loan và 1,8 tỷ ở các nước còn lại trong khu vực theo dự báo của Hiệp hội GSM. Mặc dù tại thời điểm đó, thị trường Trung Quốc sẽ gần như bão hòa, còn độ phủ trung bình ở các nơi còn lại trong khu vực mới chỉ đạt 62%, khả năng tiếp tục tăng trưởng cũng là điều nằm trong dự báo.

Việt Nam nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp

Theo World Bank, Liên minh viễn thông Quốc tế, Worldometer có đưa ra chỉ số kinh tế chính tại Việt Nam như sau: Dân số gồm 97 triệu dân; GDP bình quân đầu người là 2.786 USD; thuê bao di động 139 triệu; thuê bao di động trên 100 dân là 143,3 triệu; người dùng internet 68 triệu; người dùng internet trên 100 dân có 70,1 triệu. Về tăng trưởng GDP qua từng năm 2017, 2018, 2019, 2020, 2021, 2022f lần lượt là 6.8; 7.1; 7.0; 2.9; 2.6; 5.5.

Dựa theo KPMG & HSBC phân tích 6.472 công ty có nguồn gốc châu Á - Thái Bình Dương được định giá 500 triệu USD trở xuống, tại dữ liệu trên Pitchbook. Những người khổng lồ mới hàng đầu Việt Nam: Propzy, Sipher, Sendo, Jio Health, Clevai, Coolmate, EveHR, Lozi, VUI, HomeBase.

Báo cáo đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có môi trường khởi nghiệp non trẻ và năng động bậc nhất châu Á. Tại thời điểm đại dịch COVID-19 xuất hiện, Việt Nam mới chỉ có 1.600 doanh nghiệp khởi nghiệp, con số này giờ đây đã tăng lên hơn 3.000 theo nền tảng thống kê khởi nghiệp Tracxn – trong đó có bốn doanh nghiệp được xếp hạng “kỳ lân”.

Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam chia sẻ: “Việt Nam nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp, gần theo kịp các quốc gia như Indonesia và Singapore. Với dân số trẻ, năng động và có trí thức, độ phủ mạng internet và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao, cùng sự ủng hộ của chính phủ, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững vị thế là điểm đến hấp dẫn với cả nhà đầu tư lẫn công ty công nghệ, biến đất nước này trở thành cái nôi phát triển của những kỳ lân tiềm năng”. Mặc dù GDP bình quân trên đầu người còn tương đối thấp so với các nước khác trong khu vực, nhưng nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ thị trường nào khác. Tăng trưởng được dự báo đạt 5,5% cho năm 2022 và 6,5% cho năm 2023, gần đạt tốc độ tăng trưởng như thời trước COVID-19 theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Chính phủ Việt Nam tập trung vào tăng trưởng

Báo cáo cũng cho hay, Chính phủ Việt Nam cần tạo điều kiện hỗ trợ cho các công ty thuộc nhóm ngành kinh tế mới thông qua Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia và trước đó, vào năm 2017, đã thành lập Ban chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính, để tham mưu và đề xuất kế hoạch hành động hàng năm cho Ngân hàng Nhà nước nhằm xây dựng một hệ sinh thái phù hợp.

Ngoài việc đảm bảo hạ tầng viễn thông thuộc sở hữu của các doanh nghiệp nhà nước, và các công ty trong nước (chủ yếu là tư nhân) kiểm soát dịch vụ dữ liệu, Chính phủ cho phép rộng rãi các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam được tự do hoạch định lối đi riêng.

Luke Treolar, Giám đốc Chiến lược tại KPMG Việt Nam, chia sẻ: “Mảng kinh tế số của Việt Nam gần như hoàn toàn vận hành bởi khối tư nhân”.

Trong trung hạn, câu hỏi lớn đặt ra bây giờ là liệu Việt Nam đi theo mô hình trong đó gia tăng mức độ giám sát của nhà nước và thắt chặt quy định quản lý hay sẽ duy trì với định hướng cởi mở như hiện nay. Mặc dù vậy, hiện tại thì tăng trưởng được kỳ vọng tiếp tục là vấn đề trọng tâm chính.

Trong khi thương mại điện tử chiếm chưa tới 5% tổng doanh thu bán lẻ, giá trị của mảng này đã tăng hơn gấp rưỡi vào năm 2021. Luke Treolar nói thêm: “Tốc độ tăng trưởng nhanh như vậy được dự báo có thể duy trì trong vài năm tới. Nếu điều đó xảy ra, tới cuối thập niên này, Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế số lớn thứ hai Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả