Việt Nam giảm nợ gần 2,5 tỷ USD "nhờ" đồng Euro và Yen mất giá
Biến động tỷ giá của 3 loại đồng tiền chính (USD, JPY và EUR), khiến dư nợ Chính phủ tính đến cuối năm 2022 ước giảm khoảng 57.000 tỷ đồng (tương đương 2,5 tỷ USD) so với dư nợ cuối 2021.
Nợ công Việt Nam giảm 2 tỷ USD nhờ đồng Euro và Yen mất giá mạnh
Bộ Tài chính cho biết, việc biến động tỷ giá ba đồng ngoại tệ nói trên khiến dư nợ Chính phủ giảm 2% so với dư nợ cuối năm 2021.
Bộ Tài chính vừa phát đi thông báo về ảnh hưởng nợ của Việt Nam sau khi các đồng tiền mạnh, đồng tiền quốc tế có thay đổi tỷ giá, trong đó có việc tăng giá của đồng USD và việc giảm giá mạnh của các đồng tiền Euro (EU), đồng Yen (Nhật Bản).
Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết ngày 31/12/2021, dư nợ Chính phủ ước gần 3,3 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ bằng Việt Nam đồng chiếm 66,5%, dư nợ bằng đồng USD là 13,9% (khoảng 455.000 tỷ đồng, dư nợ bằng đồng Yen là 346.000 tỷ đồng, chiếm 10,5% và dư nợ bằng đồng Euro là 179.000 tỷ đồng, chiếm 5,5%.
Theo đó, với số nợ bằng đồng USD, với việc giá USD tăng 1,1% so với thời điểm 2022, dư nợ Chính phủ bằng USD tăng khoảng 5.000 tỷ đồng (trên 215 triệu USD). Tuy nhiên, khi USD tăng giá, các đồng tiền Euro và Yen Nhật lại mất giá rất mạnh, điều này khiến nợ công của Việt Nam giảm mạnh, nợ đồng Euro quy ra tiền Việt giảm 17.000 tỷ đồng (gần 749 triệu USD), trong khi đó nợ bằng đồng Yen giảm mạnh nhất 45.000 tỷ đồng (giảm 1,9 tỷ USD).
Chỉ tính riêng, việc đồng Euro và Yen mất giá so với USD, nợ của Việt Nam so với các đồng tiền trên quy đổi giảm khoảng 2,6 tỷ USD.
Bộ Tài chính khẳng định, biến động tỷ giá của 3 loại đồng tiền chính (USD, JPY và EUR), dư nợ Chính phủ tính đến cuối năm 2022 ước giảm khoảng 57.000 tỷ đồng, tương ứng khoảng 2,5 tỷ USD (giảm 2% so với dư nợ cuối 2021).
Ngoài ra, theo Bộ Tài chính hiện nay khối lượng vay vốn trong nước của Chính phủ chiếm 90% và vay vốn nước ngoài chỉ chiếm khoảng 10% tổng giá trị hàng năm. Các khoản vay trong nước của Chính phủ có xu hướng tăng nhanh và chiếm vai trò chủ đạo, nợ nước ngoài giảm dần. Từ đó, giúp làm giảm rủi ro về tỷ giá, đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia.
"Như vậy, theo đánh giá của Bộ Tài chính, tình hình nợ công và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ bị tác động không nhiều trước việc tăng giá của đồng USD. Diễn biến dư nợ và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ vẫn nằm trong tiên lượng từ đầu năm và trong tầm kiểm soát", Bộ Tài chính thông tin.
Trả lời PV Dân Việt, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cao cấp của ngân hàng BIDV cho biết, tỷ giá đồng Việt Nam so với USD hiện mất khoảng 2,5%, cả năm chúng tôi dự báo mất giá khoảng 3% - 3,5%, rõ ràng đồng tiền Việt Nam khá ổn định so với nhiều loại đồng tiền khác.
Theo PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính (Bộ Tài chính), dư nợ đồng USD của Việt Nam không quá lớn nên việc đồng tiền này tăng giá không lo ngại về mặt nợ công của Việt Nam. Trong khi đó, việc mất giá của các đồng tiền mạnh như Euro, Yen khiến Việt Nam có lợi hơn.
Trước đó, Dân Việt đưa tin theo báo cáo về nợ của Chính phủ giai đoạn 2010-2021 của Cục quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), dư nợ Chính phủ theo loại tiền, đồng USD chỉ chiếm khoảng 14%, giai đoạn 2010 đến 2017, vay tiền USD chiếm khoảng 17-18% tỷ trọng tiền vay nợ của Chính phủ. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay vay nợ Chính phủ bằng đồng USD đã giảm xuống từ 16% năm 2019 xuống còn 13,9%. Hiện nay, đồng tiền vay nợ nhiều nhất của Chính phủ là Việt Nam đồng với trên 66% (năm 2021).
Các đối tác cho vay nợ lớn nhất của Việt Nam là Nhật Bản với 29,3%, Ngân hàng Thế giới (WB) là hơn 29,6% và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là hơn 17,5%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận