Tìm mã CK, công ty, tin tức
Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Sau khi hoàn tất việc chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 100%, Masan Consumer (mã cổ phiếu MCH) muốn chia tiếp cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 168%.
Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, mã cổ phiếu MCH - sàn UPCoM) vừa công bố tài liệu xin ý kiến cổ đông về việc chia cổ tức tiền mặt bổ sung cho năm tài chính 2023.
Theo đó, khoản cổ tức này là khoản bổ sung thêm cho khoản cổ tức trước đó là 10.000 đồng/cổ phiếu (tương ứng tỷ lệ 100%) cho năm tài chính 2023 vốn đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 và đã được giải ngân đầy đủ trong giai đoạn tháng 7/2023 - tháng 7/2024.
Cổ tức tiền mặt bổ sung được đề xuất cho năm tài chính 2023 ở mức 168%, tương ứng cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu MCH sẽ được nhận 16.800 đồng cổ tức.
Với hơn 717 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến Masan Consumer sẽ chi khoảng 12.000 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông trong đợt này. Thời gian chi trả cổ tức bổ sung này có thể chia thành một hoặc nhiều đợt, và sẽ được thực hiện trong vòng 6 tháng kể từ ngày thông qua Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông.
Theo báo cáo tài chính quý 2/2024, tại ngày 30/6/2024, tỷ lệ lợi ích của Tập đoàn Masan (mã cổ phiếu MSN) tại Masan Consumer đang là 68,1%.
Xét về kết quả kinh doanh, luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, Masan Consumer ghi nhận doanh thu thuần 13.968 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.402 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó, doanh nghiệp này có 19.526 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Theo báo cáo thường niên năm 2023 của Tập đoàn Masan, hơn 98% hộ gia đình Việt Nam sở hữu ít nhất một sản phẩm của Masan Consumer. Với xuất phát điểm ở ngành gia vị vào năm 2002, hiện nay Masan Consumer đã tham gia vào 8 ngành hàng tiêu dùng chính tại thị trường Việt Nam và sở hữu sản phẩm dẫn đầu tại nhiều phân khúc. Masan Consumer hiện có 5 thương hiệu có doanh thu 150-250 triệu USD gồm Kokomi, Omachi, Chinsu, Nam Ngư và Wakeup 24/7, đóng góp khoảng 80% tổng doanh thu công ty.
"Masan Consumer đang đứng trước vận hội mới của sự phát triển trong 10 năm tới. Chúng ta muốn mọi gia đình Việt Nam đều có mọi sản phẩm của cả 8 ngành hàng chúng ta đang kinh doanh. Một ngày nào đó, với ước mơ lớn, chúng ta muốn sản phẩm Masan Consumer có mặt ở mọi gia đình trên thế giới", Tổng giám đốc Masan Consumer Trương Công Thắng chia sẻ.
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu MCH của Masan Consumer từ đầu năm 2024 đến nay.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan tiết lộ đang cân nhắc việc IPO Masan Consumer (MCH) và hướng đơn vị này tới các thị trường quốc tế với mục tiêu 10-20% doanh thu sẽ đến từ thị trường toàn cầu.
Chia sẻ với cổ đông, Chủ tịch Tập đoàn Masan nói: “Masan Consumer là Viên kim cương gia bảo, đầy niềm tự hào của Tập đoàn Masan. Đó còn là đại sứ ẩm thực Việt Nam nâng hành trình đi ra thế giới của Tập đoàn Masan với các nhãn hiệu mạnh”.
Chủ tịch Tập đoàn Masan cho biết, Masan Consumer đã tăng trưởng với tốc độ gấp 2,2 lần thị trường chung trong giai đoạn 2017-2023, và đặt mục tiêu tăng trưởng hơn nữa thông qua việc tham gia vào thị trường tiêu dùng bên ngoài, cung cấp các sản phẩm cao cấp thay thế bữa ăn tại nhà và thay thế bữa ăn tại nhà hàng.
“Mục tiêu chiến lược của Masan Consumer là sở hữu 6 thương hiệu tỷ USD, cao cấp hóa sản phẩm và mở rộng phạm vi sản phẩm cho từng thương hiệu, mở rộng thị trường có thể tiếp cận từ 100 triệu người tiêu dùng tại Việt Nam lên 8 tỷ người trên toàn cầu”, ông Trương Công Thắng nhấn mạnh.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2024, tổng tài sản của Masan Consumer đạt 41.823 tỷ đồng. Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 30/8, thị giá cổ phiếu MCH đạt 211.200 đồng/cổ phiếu; qua đó, giá trị vốn hoá thị trường đạt hơn 151.500 tỷ đồng, tương đương gần 6,1 tỷ USD.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường