Viễn cảnh Coteccons hậu Nguyễn Bá Dương
Sự kiện gây sốc nhất trong tuần qua là việc ông Nguyễn Bá Dương - người sáng lập và là Chủ tịch HĐQT Công ty xây dựng Coteccons từ nhiệm vị trí lãnh đạo cao nhất tại thương hiệu xây dựng dân dụng số một Việt Nam. Sự kiện chuyển giao quyền lực của Coteccons liệu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến triển vọng tương lai của CTD?
Trong nửa đầu năm nay, Coteccons ghi nhận doanh thu lũy kế đạt hơn 7.500 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm giảm gần 10%, đạt hơn 281 tỷ đồng. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh tàn phá, đi cùng thực trạng khó khăn của thị trường bất động sản, kết quả này không phải là quá tệ khi nhiều đối thủ cùng ngành ghi nhận mức độ sụt giảm còn thê thảm hơn.
Tất nhiên, việc “người thuyền trưởng” gắn bó hơn 16 năm với công ty quyết định ra đi là một sự kiện gây sốc cho nhiều người, đặc biệt là giới cổ đông. Bởi không thể phủ nhận, sự trỗi dậy và thịnh vượng của thương hiệu Coteccons trong 17 năm qua chính là nhờ tầm nhìn, năng lực quản trị và độ nhạy bén của ông Dương trên mặt trận kinh doanh.
Nhưng bên cạnh những nỗi âu lo, cũng có những lý do để các cổ đông tiếp tục đặt niềm tin vào nhà thầu xây dựng biểu tượng Landmark 81- tòa nhà cao nhất Đông Nam Á. Về thương hiệu, Coteccons vẫn được đánh giá là nhà thầu xây dựng dân dụng dẫn đầu ngành, điều cho phép công ty tiếp tục là lựa chọn làm tổng thầu cho các doanh nghiệp bất động sản lớn muốn chất lượng thi công, hình ảnh dự án được duy trì ở mức cao.
Hiện tại Coteccons có lượng công việc đã ký trong các năm tới (backlog) lên đến hơn 1 tỷ USD, lớn nhất trong số các doanh nghiệp xây dựng hiện nay. Khối lượng công việc này sẽ đảm bảo doanh thu được ghi nhận ổn định trong vài năm tới. “Coteccons còn đang nỗ lực đa dạng hóa công việc, hướng tới nhiều hơn các thị trường văn phòng, nhà xưởng, resorts và khách sạn”, Công ty chứng khoán Rồng Việt nhận định.
Có thể thấy kinh nghiệm xây dựng phong phú, thương hiệu vững mạnh và danh mục khách hàng rộng lớn trên cả 3 miền là các yếu tố hỗ trợ cho Coteccons, bất chấp phải chịu những hoài nghi sau khi vị thuyền trưởng lâu năm không còn đồng hành.
Thực tế thì năng lực tài chính của Coteccons được đánh giá điểm sáng giữa mùa Covid-19. Công ty là doanh nghiệp xây dựng niêm yết duy nhất cho đến nay không có vay nợ. Người khổng lồ ngành xây dựng còn duy trì với hơn gần 3.7000 tỷ đồng tiền mặt. Sức mạnh tài chính ổn định là cơ hội để Coteccons có thể cạnh tranh về giá đấu thầu với các đối thủ khác.
Trong các quý gần đây, nhờ tiết giảm chi phí hoạt động, hiệu quả hoạt động của Coteccons cũng bất ngờ cải thiện. Sau khi chạm đáy vào quý II/2019, cả biên lợi nhuận gộp và ròng đều dần tăng lên. Tính đến cuối quý II/2020, biên lợi nhuận gộp của công ty lên tới 6,1% và biên lợi nhuận ròng lên đến 4%. Đây cũng là tỷ lệ cao nhất trong nhóm ngành xây dựng dân dụng.
Dự kiến ngay sau khi ông Nguyễn Bá Dương ra đi, Coteccons sẽ bổ sung một loạt các nhân tố mới để đảm bảo năng lực quản trị tổng thể. Hiện HĐQT đã thống nhất bầu ông Bolat Duisenov đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT kể từ ngày 5/10/2020. HĐQT, tiểu ban chiến lược cùng với sự phối hợp của ban điều hành và các quản lý cấp cao trong công ty sẽ tiếp tục giám sát các hoạt động kinh doanh.
Đặc biệt, công ty còn bổ nhiệm ông Lý Xuân Hải làm đại diện theo ủy quyền cho ông Talgat Turumbayev, thành viên HĐQT Coteccons. Năng lực quản trị, mối quan hệ rộng và kinh nghiệm tài chính sâu sắc của Lý Xuân Hải sẽ là điều mà giới lãnh đạo mong muốn tận dụng khi mời ông tham gia vào bộ máy Coteccons.
Về phần ông Nguyễn Bá Dương, tuy tạm rời chức Chủ tịch HĐQT nhưng ông vẫn là cổ đông cá nhân lớn nhất tại Coteccons (sở hữu hơn 5% cổ phần). Như vậy, ông vẫn còn lợi ích ở đây, tức ông sẽ vẫn tiếp tục đóng góp ít nhiều cho công ty mình gây dựng từ thuở ban đầu trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận