[ Video] VPBank thoái vốn FE Credit - Thương vụ tỷ đô
Một thương vụ bom tấn về tài chính của khu vực Đông Nam Á vừa diễn ra tại Việt Nam với việc bán 49% cổ phần trị giá gần 2,8 tỷ USD của FE Credit cho tập đoàn SMBC của Nhật, đồng nghĩa với VPBank sẽ thu về gần 1,4 tỷ USD.
Vì sao giá cao như vậy?
Một thống kê của Fiingroup chỉ ra rằng việc thoái vốn FE Credit với giá này là một mức giá rất cao so với mặt bằng chung của các công ty tài chính từng được bán vốn tại Việt Nam, nếu tham chiếu bằng hệ số P/BV sẽ cao hơn khoảng 42% mặt bằng chung. Việc này có thể được giải thích bởi các yếu tố cốt lõi sau.
Đầu tiên, thị phần cho vay của FE Credit lên tới 46%, gần ngang với thị phần sữa của Vinamilk hay thị phần xăng dầu của Petrolimex, vượt trội so với các đối thủ xếp dưới với thị phần chưa đến 15%. Vị trí Market Leader này cho thấy lợi thế vượt trội của FE Credit trong thị trường cho vay tiêu dùng hiện nay tại Việt Nam.
Điểm cốt lõi thứ hai là ngoài 49% sở hữu bán cho SMBC, VCI (chứng khoán Bản Việt) cũng đang sở hữu 1% của FE Credit. Trong thực tế, VCI chính là đơn vị tư vấn trọn gói cho deal này giữa FE Credit và SMBC, và khả năng cao 1% sở hữu này là VCI nắm giúp SMBC và uỷ quyền lại cho SMBC để toàn quyền kiểm soát FE Credit, bởi theo luật mới các công ty tài chính ở Việt Nam không được phép thoái trên 50%. Từ yếu tố này cho thấy mức giá 1,4 tỷ trả cho 49% FE Credit đã bao hàm thêm giá premium (giá chênh lệch cộng thêm) để SMBC được gần như toàn quyền kiểm soát đối với FE Credit.
Lợi ích đối với các bên tham gia và tác động tới thị trường chứng khoán Việt Nam
1. Đối với FE Credit
Rõ ràng FE Credit quá có lợi khi về dưới tay ông lớn khổng lồ của khu vực Châu Á là SMBC với rất nhiều năm kinh nghiệm phát triển chuỗi cho vay tiêu dùng, cho vay tài chính tại các thị trường trưởng thành như Hongkong, Đài Loan, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia,...đây là một lợi thế cộng hưởng rất tuyệt vời cho FE Credit trong tương lai gần và chúng ta có thể thấy sự vươn mình ra tầm khu vực dưới sự trợ giúp của SMBC đối với FE Credit.
Đây là cuộc nên duyên đôi bên cùng có lợi, FE Credit có một sự hậu thuẫn tuyệt vời từ tập đoàn tài chính khổng lồ và hùng mạnh, SMBC lại tiếp cận được thị trường tài chính tiêu dùng với 100 triệu dân và đang ở độ chín muồi của Việt Nam, với tầm nhìn vươn mình ra quốc tế của lãnh đạo 2 bên.
Trong tương lai gần, nếu như FE Credit được niêm yết trên sàn chứng khoán, đây sẽ là một món đầu tư hấp dẫn không thể bàn cãi với nội tại, nền tảng chuyển đổi số đón đầu và ý thức dẫn đầu của mình.
2. Đối với SMBC
Thông qua thương vụ này, rõ ràng SMBC có thể mở rộng và phân bổ đầu tư. Ở Nhật, nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn bởi tốc độ phục hồi khá chậm sau ảnh hưởng của đại dịch, thiểu phát, dân số già nhanh,...nên việc họ phân bổ tài sản ra nước ngoài là điều tất yếu.
Thực tế, SMBC không phải gương mặt xa lạ với TTCK Việt Nam trong 20 năm qua bởi họ chính là cổ đông chiến lược của ngân hàng Eximbank (EIB). Cuộc nên duyên lần 1 này phải nói là “chua như dấm” vì năm nào ta cũng nghe câu chuyện EIB họp ĐHCĐ bất thành từ 3-4 lần, vậy nên sau cuộc nên duyên lần thứ 2 này với FE Credit có thể họ sẽ nhả lại EIB cho một ông chủ người việt, mà khả năng cao là Hyundai Thành Công.
3. Đối với VPBank
VPBank được xem là bên hưởng lợi nhiều nhất từ big deal này khi việc thoái 49% sẽ đưa về cho VPBank khoản lợi nhuận one-off gần 1,4 tỷ USD, vì có thể SMBC đang full control nhờ sự uỷ quyền của VCI nên điều này cần hạ hồi phân giải và chờ ý kiến từ kiểm toán để xem VPBank sẽ hạch toán phần lợi nhuận này vào lợi nhuận một lần hay vốn chủ sở hữu.
Tuy nhiên ở bất cứ góc độ nào thì tiền vẫn là tiền và đây là nguồn vốn bổ sung mạnh mẽ cho VPBank trong tương lai gần. Sự hấp dẫn về định giá của VPBank nhờ VCSH tăng lên khoảng 88,4k tỷ và kéo hệ số định giá phổ dụng của ngân hàng là P/B xuống còn khoảng 1.6 lần, đây là mức thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung của khối ngân hàng đang ở mức gần 1.8 lần.
Về lâu dài, rõ ràng VPBank đang có nhiều lợi thế để vươn lên thành ngân hàng TMCP có quy mô VCSH lớn nhất việt nam (dự định khoảng 88,4k tỷ vào 2021), tiếp cận và tận dụng được network của SMBC nhờ đồng điều hành FE Credit, các hoạt động về Cross Sale (bán chéo) chắc chắn sẽ được đẩy mạnh và tầm nhìn vươn mình khu vực là điều tất yếu với thương vụ này.
Kết luận: VPBank bán FE Credit không phải chỉ được tiền không mà còn nhiều giá trị hấp dẫn, hội tụ kéo theo sau, điều này làm VPBank trở nên hấp dẫn về định giá trong trung và dài hạn.
Tác động đối với vĩ mô Việt Nam và hệ thống ngân hàng
Nhìn lại những thương vụ bán công ty tài chính được Fiin Group thống kê cho thấy thị trường tài chính tiêu dùng non trẻ của Việt Nam cách đây 7-8 năm bây giờ đã thay đổi. Với gần 100 triệu dân và đang trong giai đoạn dân số vàng thì hoạt động tiêu dùng và nhu cầu tài chính là quá hấp dẫn với bất kỳ ông lớn nào trong khu vực và thế giới, chưa kể sự ổn định về vĩ mô, chất lượng điều hành của chính phủ và rất thành công trong việc kiềm chế đại dịch, đây chính là điểm cộng không thể bàn cãi của Việt Nam!
Với vị thế kinh tế và chính trị được khẳng định, cùng với đà tăng trưởng một cách bền vững và rõ ràng như vậy, có thể thấy sự hấp dẫn và tái định giá nguyên ngành tài chính ngân hàng này là điều tất yếu và hiển nhiên.
Thương vụ FE Credit như một thương vụ điển hình và đi kèm thêm đó là đặc tính dẫn động cho toàn bộ hệ thống, điều này sẽ giúp thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam thêm sôi động với những gương mặt tầm cỡ khu vực và góp phần chung vào sự hấp dẫn của ngành này cũng như ngành ngân hàng nói chung!
Đây có thể nói là một điểm sáng trong rất nhiều điểm sáng về vĩ mô và kinh tế Việt Nam hiện tại. Một lần nữa xin chúc mừng VPBank và FE Credit!
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận