Vì sao Vietnam Airlines đề nghị Chính phủ hỗ trợ 12.000 tỷ đồng để bù lỗ?
Trong báo cáo tài chính Vietnam Airlines đã nêu rõ, trước khi đề nghị Chính phủ hỗ trợ 12.000 tỷ đồng, hãng buộc cắt giảm chi phí, nhiều nhân lực giảm lương, đặc biệt phi công và tiếp viên giảm chỉ còn 5 hoạt động chỉ riêng việc giảm nhân sự đã giúp Vietnam Airlines 350- 450 tỷ đồng.
Cho đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát tốt được dịch Covid-19, việc giãn cách xã hội cũng đã được xoá bỏ, mở ra cơ hội cho ngành hàng không, du lịch "thoát" ra khỏi bờ vực bị phá sản vì thị phần giảm tới 90%. Trong đó, dù không bay, nhưng Vietnam Airlines vẫn phải trả tiền thuê, trả nợ vay, trả khấu hao, bảo dưỡng tàu bay... Ước tính, chỉ trong 1 tháng không bay hãng lỗ 2.100 tỷ đồng/tháng.
Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Cục Hàng không Việt Nam tính toán, với ảnh hưởng của dịch Covid-19, vừa qua và hiện nay có tới 98% máy bay bị ngừng hoạt động, số tiền thiệt hại theo các hãng hàng không có thể lên tới 65.000 tỷ đồng chứ không chỉ dừng lại ở mức 30.000 tỷ như dự tính trước đó của Cục Hàng không Việt Nam.
Đứng trước khó khăn, các hãng hàng không đã kiến nghị Bộ GTVT, Chính phủ và các Bộ, ngành có những chính sách hỗ trợ miễn giảm nhiều loại thuế phí để giúp ngành hàng không thoát khỏi suy thoái, sụt giảm doanh số theo phương "thẳng đứng", mà trong lịch sử phát triển của ngành hàng không chưa từng xảy ra sự việc như vậy.
Đặc biệt, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 ngày 9/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo) công bố những vùng an toàn để các hãng hàng không mở lại những đường bay thương mại quốc tế.
Ngoài ra, trong bối cảnh hàng không thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn Chính phủ đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ hàng không. Trong đó, Chính phủ đồng ý giảm 50% phí cất hạ cánh bay, giảm 30% phí bảo vệ môi trường nhiên liệu bay. Đây là tin vui đối với các hãng hàng không trong thời kỳ khó khăn, qua đó, các hãng hàng không đã lên các kế hoạch mở lại đường bay quốc tế từ tháng 7/2020.
Ngày 12/6, trao đổi với PV Dân Việt, về kế hoạch phát triển mạng lưới các đường bay, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết: "Cần phải khẳng định rằng, dịch Covid-19 đã tàn phá, tác động tới ngành hàng không rất khủng khiếp, thị phần, doanh số của ngành hàng không của Việt Nam nói chung và Thế giới nói riêng bị sụt giảm theo phương "thẳng đứng". Trong lịch sử phát triển ngành hàng không chưa có một kịch bản nào khốc liệt như vậy".
Đối với thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra, ông Hiền chia sẻ, dịch Covid-19 lan rộng từ tháng 2/2020, nhưng đến đầu tháng 4/2020, Vietnam Airlines chỉ còn 5% đưa ra năng lực sản xuất, hoạt động cầm chừng. Trước khi dịch Covid -19 xảy ra, số dư trong tài khoản của Vietnam Airlines là 8.800 tỷ nhưng đến tháng 3/2020 chỉ còn 4.000 tỷ đồng.
Dù máy bay "đắp chiếu" nhưng Vietnam Airlines vẫn phải trả tiền thuê, trả nợ vay, trả khấu hao, bảo dưỡng tàu bay... Ước tính, chỉ trong 1 tháng không bay hãng lỗ 2.100 tỷ đồng/tháng. Tính đến thời điểm (9/6) Vietnam Airlines đã bay trở lại ngay sau khi giãn cách nhưng sẽ rất lâu mới về lỗ 1.000 tỷ đồng/tháng. Còn với Jetstar Paciffic (JPA) hiện cũng ghi nhận mức lỗ khoảng 1.000 tỷ đồng.
"Vietnam Airlines bị thiệt hại rất nặng nhưng trụ được đến ngày hôm nay vì trước Covid-19, Vietnam Airlines có tiềm lực rất mạnh, năm 2019, hãng ghi nhận mức lãi trên 3.200 tỷ đồng, và có dòng tiền dương ổn định trong ngân hàng. Đối với các hãng không khác đang nợ tiền ví dụ như Thái Airways họ không đủ tiềm lực duy trì nên buộc phải phá sản", ông Hiền đưa ra nhận định.
Ông Trần Thanh Hiền cho biết: "Với Vietnam Airlines hãng đã tiết kiệm được 120-130 tỷ đồng từ việc giảm phí cất hạ cánh bay, còn với việc giảm phí bảo vệ môi trường nhiên liệu bay, hãng tiết kiệm được 200-300 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức kinh phí này là quá ít ỏi, vì thế, nếu được hỗ tợ đến hết năm 2021 thì các hãng hàng không Việt mới có thể tạm phục hồi".
"Trong báo cáo tài chính Vietnam Airlines đã nêu rõ, trước khi đề nghị hỗ trợ 12.000 tỷ đồng từ Chính phủ, hãng buộc cắt giảm chi phí, nhiều nhân lực giảm lương, đặc biệt phi công và tiếp viên giảm chỉ còn 5% hoạt động (chỉ riêng việc giảm nhân lực đã giúp Vietnam Airlines 350- 450 tỷ đồng). Ngoài ra, hãng cũng chủ động đàm phán với các đối tác giảm tiền thuê tàu bay, có hãng giảm cho chúng tôi 1.000 tỷ đồng tiền thuê tàu bay. Tuy nhiên, nếu không có sự bơm vốn thì đến tháng 8/2020, Vietnam Airlines sẽ hết tiền", ông Hiền nói.
Đánh giá về vấn đề Vietnam Airlines đã phục hồi lại thị trường nội địa, ông Trần Thanh Hiền khẳng định: Đúng là thị trường bắt đầu hồi phục nhưng chỉ ở nội địa, vì thế, doanh thu các hãng vẫn sụt giảm tới 50%. Nên nhớ, thị trường quốc tế vẫn còn bỏ ngỏ, trong khi đây mới là thị trường chiếm tới 65% doanh thu.
"Với Vietnam Airlines chúng tôi đã có kiến nghị Chính phủ (đơn vị nắm giữ 86% vốn chủ sở hữu tại VNA), với tiêu chí, thứ nhất, hỗ trợ vay với nguồn vốn là 12.000 tỷ đồng, và phát hành cổ phiếu để tăng vốn (dự kiến sẽ mất 5-6 tháng), do thực hiện lâu vì thế cần phải song hành 2 hình thức hỗ trợ. Nếu hàng không làm theo kiểu "tay không" bắt giặc thì sẽ đứng trước rủi ro và phá sản cứ lúc nào, vì thế, cần phải có sự quản trị để cân đối rủi ro", ông Hiền đề xuất.
Theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), tính đến ngày 9/6, ngành hàng không thế giới đã "bốc hơi" khoảng 419 tỷ USD trong năm 2020, đây là mức sụt giảm chưa từng có. Không chỉ trong năm nay, dịch Covid -19 sẽ còn ảnh hưởng trong thời gian dài, có thể mất vài năm tới, dự báo đến tháng 6/2022 mới có thể trở về bằng cuối 2019, còn với những chặng bay đường dài, có lẽ đến năm 2023 mới bắt đầu trở lại.
Với mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, dự báo đến tháng 5/2020, nếu không được hỗ trợ kịp thời sẽ không còn hãng hàng không nào trên thế giới còn tiền trong tài khoản. Bởi lẽ, hàng không không có doanh thu, nhưng vẫn phải trả chi phí vận hành, thuê tàu bay, bảo dưỡng, đặc biệt là việc khách khách phải hoàn trả một lượng vé rất lớn khiến dòng tiền thâm hụt.
IATA nhận định, tính đến ngày 15/5, ngành hàng không thế giới sẽ cần hỗ trợ khoảng 250 tỷ USD và các quốc gia đã hỗ trợ 124 tỷ USD. Trong đó, hỗ trợ lớn nhất là các khoản vay 50,4 tỷ USD, sau đó là chi phí nhân công, (nhờ Chính phủ hỗ trợ trợ cấp thất nghiệp)... Hiện nay 3 nước trong khu vực "giải cứu" rất lớn cho ngành hàng không là Nhật Bản (lên tới 22% mức doanh thu của các hãng hãng không khoảng 89 tỷ USD), với Singapore là 11 tỷ USD (trong khi doanh thu hãng hàng không của họ chỉ là 13 tỷ USD).
Ngày 12/6/2020, Vietnam Airlines tổ chức lễ khai trương 7 đường bay mới kết nối Vinh, Hải Phòng với các điểm đến trong nước. Các đường bay mới bao gồm giữa Vinh và Phú Quốc, Cần Thơ, Nha Trang; giữa Hải Phòng và Phú Quốc, Cần Thơ, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột.
Được biết, từ ngày 12/6/2020, Vietnam Airlines chính thức khai thác các đường bay giữa Vinh và Phú Quốc; giữa Hải Phòng và Đà Lạt, Phú Quốc với tần suất 4 chuyến/tuần vào thứ Hai, Tư, Sáu, Chủ Nhật. Để đáp ứng nhu cầu của hành khách, các đường bay giữa Hải Phòng và Phú Quốc sẽ được tăng tần suất lên khai thác thường lệ 7 chuyến/tuần từ ngày 22/6/2020.
Các đường bay giữa Vinh và Cần Thơ, Nha Trang; giữa Hải Phòng và Cần Thơ, Buôn Ma Thuột sẽ được đưa vào khai thác từ ngày 22/6/2020 với tần suất 3 chuyến/tuần vào thứ Ba, Năm, Bảy.
Chỉ trong vòng hai tháng, Vietnam Airlines đã bổ sung thêm 13 đường bay kết nối các vùng miền đất nước, nâng tổng số đường bay nội địa của Hãng lên 52 đường. Trong đó, tháng 5 vừa qua, Hãng đã khai trương 5 đường bay gồm giữa Tp. Hồ Chí Minh và Tuy Hòa; giữa Hải Phòng và Nha Trang; giữa Thanh Hóa và Buôn Ma Thuột; giữa Vinh và Đà Lạt, Buôn Ma Thuột.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận