Vì sao tới 90% dự án chuyển đổi số thất bại?
TS. Phạm Anh Tuấn, chuyên gia chuyển đổi số cho biết, 70-90% dự án chuyển đổi số thất bại chủ yếu do doanh nghiệp chưa có tầm nhìn và thiếu phương pháp luận.
Ngày 23/4, Cộng đồng Digital Transformation (Chuyển đổi số Việt Nam) đã tổ chức sự kiện DX Talk chủ đề "Các điểm nghẽn trong thực thi chuyển đổi số - Công cụ và giải pháp" nhằm nhận biết rõ hơn các điểm nghẽn trong quá trình thực thi chuyển đổi số, góp phần tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động chuyển đổi số của các doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn áp dụng.
Trong những ngày đầu của đại dịch COVID-19, các công ty bận tâm đến việc cho phép làm việc từ xa, duy trì cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để hỗ trợ chuỗi cung ứng bị đánh thuế và duy trì hoạt động của hệ thống kinh doanh. Khi các doanh nghiệp bắt đầu ổn định các cách làm việc mới, các doanh nghiệp chuyển trọng tâm trở lại các sáng kiến chuyển đổi số dài hạn, chiến lược hơn, thúc đẩy các thị trường đang thay đổi và các cơ hội mới. Tuy nhiên, dù đối với nhiều công ty chuyển đổi số là con đường phía trước, nhưng điều đó không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Từ những kinh nghiệm thực tiễn, TS. Phạm Anh Tuấn, Chuyên gia Chuyển đổi số tập đoàn Viettel, Rạng Đông, PC1 cho biết, 70-90% dự án chuyển đổi số thất bại do còn rất nhiều vấn đề khó khăn mà các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số đang gặp phải như tầm nhìn hoặc qua ngắn hạn hoặc quá "dài hạn", thiếu phương pháp luận.
Khảo sát toàn cầu của Deloitte cho thấy các điểm bất cập tập trung ở chiến lược và quá trình triển khai. Các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào việc sử dụng các công nghệ tiên tiến để bảo vệ vị thế thay vì đầu tư táo bạo để thúc đẩy đột phá.
Ông Đỗ Danh Thanh, Phó TGĐ phụ trách chuyển đổi số Deloitte Việt Nam cho biết, có tới 94% tổng số doanh nghiệp được khảo sát cho biết chuyển đổi số là mục tiêu chiến lược hàng đầu nhưng chỉ 68% tổng số người được khảo sát và 50% CEO nghĩ rằng những chuyển đổi này là vô cùng quan trọng đối với việc duy trì lợi nhuận.
Trung bình, các công ty có kế hoạch đầu tư khoảng 30% ngân sách hoạt động cho công nghệ thông tin, các sáng kiến để chuyển đổi số.
Hai yếu tố hàng đầu được cho là thúc đẩy chuyển đổi số là cải thiện năng suất và mục tiêu hoạt động (chủ yếu liên quan khả năng tối ưu hóa các công việc hiện tại giúp tăng tỷ suất hoàn vốn (ROI). Dữ liệu khảo sát cho thấy rằng ROI tăng trưởng dương phần nào được thúc đẩy bởi mong muốn đổi mới ngày càng tăng.
Theo đó, để chuyển đổi số của doanh nghiệp thành công, đại diện Deloitte khuyến nghị, chuyển đổi số nên được chia thành 3 giai đoạn: Xác định trạng thái tương lai; chiến lược và lộ trình chuyển đổi số; và triển khai các Quick wins.
Truyền thông nội bộ thúc đẩy chuyển đổi số
Từ kinh nghiệm chuyển đổi số doanh nghiệp, bà Phạm Hoài Anh, Phó Giám Đốc Công ty TNHH 1C Việt Nam cho rằng, truyền thông nội bộ chuyển đổi số giúp doanh nghiệp kết nối công nghệ tiên tiến với lực lượng lao động hiện đại. Để chuyển đổi số thành công đòi hỏi cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm.
"Chuyển đổi số là thay đổi toàn diện doanh nghiệp và để thúc đẩy thực hiện thành công thì truyền thông nội bộ chính là "điểm chạm" giữa doanh nghiệp với đội ngũ nhân viên và phải phục vụ cho việc chia sẻ các thông tin hướng về văn hoá doanh nghiệp. Lãnh đạo của doanh nghiệp sẽ cần hiểu chính nhân viên và tổ chức của mình nhất", bà Phạm Hoài Anh nói.
Chia sẻ thông tin tại sự kiện, bà Trần Thị Trang, Trưởng phòng Hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội cho biết, Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang được thành phố đẩy mạnh trong một vài năm trở lại đây. Theo đó, thành phố đã xây dựng Kế hoạch Hỗ trợ chuyển đổi số cho DNNVV trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm quyết định số 3457/QĐ-UBND ngày 23/9/2022 của UBND TP. Hà Nội.
Ba mục tiêu mà kế hoạch hướng tới là nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới. Mục tiêu cụ thể là đến 2025 sẽ triển khai hỗ trợ 90.000 DNNVV chuyển đổi số; 100% trên địa bàn nhận được hỗ trợ và 100% DN nhận thức được vai trò của chuyển đổi số.
Sáu nhiệm vụ được đề ra gồm: Truyền thông nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp; Hỗ trợ các gói chuyển đổi số cho các DNNVV theo mức độ chuyển đổi số; Thúc đẩy hệ sinh thái hỗ trợ chuyển đổi số của Thành phố; Kết nối, hình thành mạng lưới chuyên gia tư vấn; Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa về chuyển đổi số; Xây dựng các công cụ, tài liệu hướng dẫn, phần mềm, cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số.
Về các gói hỗ trợ, bà Trần Thị Trang cho biết, thành phố có thể hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp về các quy trình: kinh doanh, quản trị, sản xuất, công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh (mức hỗ trợ tối đa 50–100 triệu đồng/hợp đồng/năm); hỗ trợ tối đa 50% chi phí thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số (mức hỗ trợ tối đa 20-100 triệu đồng/hợp đồng/năm).
Về lộ trình thực hiện gói hỗ trợ, Trưởng phòng Hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội cho biết, năm 2023 thành phố sẽ đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền Kế hoạch, nâng cấp phần mềm thu thập dữ liệu, xây dựng, chỉnh sửa tài liệu với nguồn kinh phí 50 tỷ đồng; Năm 2024 sẽ tiến hành khảo sát các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ, điều chỉnh Kế hoạch phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, nâng cấp các nền tảng, hệ thống thu thập dữ liệu với kinh phí khoảng 80 tỷ đồng; Năm 2025 sẽ tiến hành hỗ trợ xây dựng, hình thành hệ sinh thái chuyển đổi số, đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với kinh phí khoảng 50 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận