Vì sao tiền điện tử liên tục 'trồi sụt'?
TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích, xung đột Nga - Ukraine khiến thị trường đang bị xáo trộn, các nhà đầu tư hoang mang, dẫn đến giá tiền điện tử lên xuống rất thất thường.
Chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, Mỹ và đồng minh đưa ra các lệnh trừng phạt mới đối với Ngân hàng Trung ương Nga và điều này khiến thị trường chứng khoán lao dốc không phanh. Ở chiều hướng ngược lại, giá tiền điện tử bất ngờ tăng mạnh từ hôm 28/2.
Ghi nhận đỉnh điểm hôm 1/3, đồng Bitcoin (BTC) đã đạt giá trị 44.404,10 USD, trong khi đó đồng Ether (ETH) đạt 2.973,34 USD.
Sức hấp dẫn của tiền điện tử trong bối cảnh khủng hoảng
Theo đơn vị cung cấp dữ liệu về tiền điện tử CryptoCompare, giao dịch Bitcoin bằng đồng ruble (Nga) đã trở nên quá tải, với giá trị giao dịch hằng ngày tăng 259% lên 1,3 tỷ ruble (13,1 triệu USD).
Trong khi đó, tại Ukraine, sàn giao dịch tiền điện tử Kuna đã chứng kiến khối lượng giao dịch hằng ngày của sàn này tăng hơn gấp ba lần lên 150 triệu hryvnia (5 triệu USD).
Ngay từ 26/2, chính phủ Ukraine đã đăng các địa chỉ ví điện tử trên Twitter để nhận tiền tài trợ. Theo thống kê bởi công ty chuyên blockchain Elliptic, chỉ trong vài ngày, Ukraine và các tổ chức phi chính phủ tại đất nước này đã huy động được 24,6 triệu USD, chủ yếu bằng Bitcoin (42%), Ethereum (38%) và các tiền điện tử khác (17%).
Nhà nghiên cứu Michael Rinko tại AscendEx nhận định, cuộc xung đột đã làm nổi bật tầm quan trọng của các tính chất không biên giới và chống kiểm duyệt của Bitcoin, tuy nhiên ông cho rằng đó không phải là lý do khiến tiền điện tử tăng mạnh. Theo ông, sự gia tăng của tiền điện tử hôm 28/2 dường như phản ánh rõ hơn việc tăng lãi suất và lạm phát có thể tăng mạnh trong bối cảnh địa chính trị không chắc chắn này.
Trong khi đó, theo Bea O'Carroll, Giám đốc điều hành công ty đầu tư tài sản kỹ thuật số Radkl, căng thẳng địa chính trị và các lệnh trừng phạt của phương Tây đã thúc đẩy xu hướng sử dụng Bitcoin để chuyển giá trị tài sản.
Trao đổi với Nhadautu.vn, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng cho biết, trong khi hệ thống tiền tệ chính thống có cả một Chính phủ của một quốc gia đứng sau, thì tiền điện tử chỉ là hàng hóa trừu tượng được định nghĩa bởi cung và cầu.
"Trong nền kinh tế khủng hoảng, tiền điện tử là kênh đầu tư rủi ro rất lớn. Khi đó, "khẩu vị" của nhà đầu tư cũng thay đổi và chẳng ai muốn đầu tư vào lĩnh vực rủi ro như tiền điện tử", ông Hiếu nói.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, khi cung cầu bị xáo trộn rất mạnh bởi chiến sự Nga - Ukraine, bên cạnh những khủng hoảng kinh tế, giá dầu, giá vàng và việc Nga bị đưa ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT sẽ tạo ra biến động mạnh đối với thị trường tiền điện tử.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong tương lai tiền điện tử có thể sẽ có vị thế riêng của nó. Hiện tại là Nga và Ukraine, trong tương lai có thể là một quốc gia khác hoặc một vùng quốc gia nào đó sử dụng tiền điện tử để thanh toán. Do đó, việc khủng hoảng chính trị có thể dẫn đến sự khủng hoảng tài chính và nhiều nhà kinh doanh tiền điện tử nhìn thấy tương lai của nó, bởi tiền điện tử không lệ thuộc vào những cấm vận và sự trừng phạt bởi các chính phủ với nhau.
TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích, xung đột Nga - Ukraine khiến thị trường đang bị xáo trộn, các nhà đầu tư hoang mang, dẫn đến giá tiền điện tử lên xuống rất thất thường.
"Tại thời điểm này, thị trường tiền điện tử biến động rất khó lường. Trong tương lai, nó có thể trở lại vị trí của mình hoặc trở thành phương thức thanh toán không chính thống, tránh được những hạn chế và rủi ro của phương thức thanh toán chính thống", TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Tiền điện tử có phải nơi trú ẩn an toàn?
Trong 5 ngày kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo triển khai chiến dịch quân sự ở miền Đông Ukraine ngày 24/2, Bitcoin đã tăng 13%, trong khi chỉ số chứng khoán S&P 500 trên Phố Wall tăng khoảng 2%.
Ipek Ozkardeskaya, nhà phân tích cấp cao tại ngân hàng Swissquote Bank, cho rằng bitcoin có thể là tài sản an toàn cho các nhà tài phiệt Nga muốn tránh các lệnh trừng phạt khi không có cơ quan kiểm duyệt đối với bitcoin và các giao dịch tiền điện tử.
Theo nhà phân tích này, tiền điện tử có thể đóng vai trò như một kho lưu trữ giá trị cho phần lớn các khoản nắm giữ không cần thanh khoản.
Ukraine cũng nhanh chóng phát hiện ra cơ hội trong phạm vi tiếp cận và tính ẩn danh của tiền điện tử.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 9/3 đã ký sắc lệnh hành pháp, trong đó yêu cầu chính phủ đánh giá các rủi ro và lợi ích trong việc phát triển đồng USD kỹ thuật số cũng như các vấn đề khác của tiền điện tử.
Lệnh hành pháp của ông Biden đưa ra nhằm cố gắng giải quyết việc tiền điện tử ở Mỹ phát triển một cách thiếu khuôn khổ. Đây là điều mà các nhà phê bình cho rằng có thể khiến ngành công nghiệp của quốc gia này tụt hậu so với các quốc gia khác trên thế giới.
Nhà Trắng nêu rõ việc giám sát trên phạm vi rộng đối với thị trường tiền điện tử, vốn đã tăng hơn 3.000 tỷ USD hồi tháng 11 năm ngoái, là điều cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia, sự ổn định tài chính và khả năng cạnh tranh của Mỹ, đồng thời ngăn chặn mối đe dọa ngày càng tăng từ tội phạm mạng.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định động thái này cho thấy sự thừa nhận rõ ràng về vai trò của đồng tiền kỹ thuật số như Bitcoin và những hậu quả tiềm ẩn của loại tiền này đối với hệ thống tại Mỹ cũng như toàn cầu.
Bên cạnh đó, động thái mới này đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới vào danh sách hơn 100 quốc gia đang triển khai kế hoạch thăm dò hoặc đưa ra các chương trình thử nghiệm với CBDC, trong đó có đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận