menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phạm Duy Công

Vì sao nhiều cán bộ Hà Nội 'thoát tội' trong vụ dìm giá 16.000 m2 đất tại Đông Anh

Luật sư nói không xử lý hình sự cán bộ Hội đồng định giá đất thành phố là "bỏ lọt tội phạm", song VKS cho hay 7 người này "không tư lợi" khi 16.000 m2 đất được bán giá rẻ.

Ngày 19/4, TAND Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Y dược Vimedimex Nguyễn Thị Loan dùng "chiêu trò" dìm giá đất và trúng đấu thầu 16.000 m2 với giá rẻ.

Tại tòa, các bị cáo cơ bản thừa nhận hành vi; riêng bà Loan kêu oan, cho rằng bị cấp dưới thông đồng đổ tội, làm giả phiếu thu chi khi bà bị tạm giam. Dù được VKS đề nghị án treo 30-36 tháng, bà một mực kêu oan chứ không chấp nhận mức án nhẹ.

Trong phiên luận tội chiều muộn 17/4, cùng với bà Loan, 11 bị cáo của vụ án đều được VKS đề nghị án treo, 9-24 tháng.

Vì sao nhiều cán bộ Hà Nội 'thoát tội' trong vụ dìm giá 16.000 m2 đất tại Đông Anh

Bà Loan (trái) cùng các bị cáo tại tòa ngày 19/4. Ảnh: Danh Lam

Theo VKS, tháng 2/2020, khi huyện Đông Anh giao Ban quản lý dự án 16.000 m2 đất tại thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh để tổ chức đấu giá, bị cáo Trần Công Tuyên (Trưởng phòng thuộc Ban Quản lý dự án huyện Đông Anh) dù không thuộc phận sự song đã mời Công ty VVAI của bị cáo Nguyễn Thị Diệu Linh xác định giá đất khởi điểm. Tuyên yêu cầu xác định giá "khoảng 300 tỷ", dù trước đó VVAI báo cáo hơn 500 tỷ.

Tại Sở Tài nguyên Môi trường, Tuyên, Linh nhờ vả cán bộ ở đây để VVAI được là đơn vị thẩm định giá. Với sự trợ giúp của hai cán bộ của Sở này là bị cáo Nguyễn Thị Cẩm Lê và Bùi Thanh Huyền, VVAI vượt qua hai vòng kiểm duyệt bằng các chứng thư giả mà không bị phát hiện.

Giá đất 18,2 triệu đồng/m2, "thấp hơn nhiều so thực tế", sau đó được Hội đồng định giá đất Hà Nội phê duyệt, theo cáo trạng.

Bị cáo Loan dùng 3 công ty sân sau, đăng ký đấu giá khu đất này, thông đồng cách bỏ giá để cuối cùng một công ty đã trúng đấu với giá 20,2 triệu đồng/m2.

Bà Loan sau đó bán lại 86,3 triệu đồng/m2. Hành vi này gây thiệt hại hơn 135 tỷ đồng đã được bà Loan khắc phục toàn bộ trước khi diễn ra phiên tòa.

Tháng 10/2021, UBND Hà Nội đã hủy kết quả đấu giá, bàn giao khu đất trên lại cho UBND huyện Đông Anh tiếp nhận, quản lý.

Bào chữa cho bà Loan, luật sư Nguyễn Xuân Anh (Công ty Luật ABA) và luật sư Dương Đình Khuyến (Công ty Luật Hoàng Đàm) phản bác hai sai phạm thân chủ bị cáo buộc.

Thứ nhất, sai phạm định giá khởi điểm thấp, theo luật sư là trách nhiệm của cán bộ nhà nước thuộc Hội đồng định giá thành phố, UBND Hà Nội cùng các sở ngành liên quan, công ty tư vấn thẩm định giá, còn những đơn vị tham gia đấu giá chỉ biết trả giá. VKS buộc bà Loan chịu trách nhiệm cho việc này là "đánh bùn sang ao".

Luật sư Khuyến phân tích: VKS truy cứu trách nhiệm hình sự với các cán bộ thuộc Ban quản lý dự án Đông Anh và đầu tư xây dựng Đông Anh và Chi cục quản lý đất đai, song những người này chỉ có vai trò tư vấn, tham mưu, không có thẩm quyền quyết định.

Vì sao nhiều cán bộ Hà Nội 'thoát tội' trong vụ dìm giá 16.000 m2 đất tại Đông Anh

Luật sư Dương Đình Khuyến bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Loan. Ảnh: Danh Lam

Trong khi đó, các thành viên trong Hội đồng định giá đất Hà Nội (gồm các cán bộ thuộc Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường; Cục Thuế, UBND huyện Đông Anh) mới là những người có thẩm quyền quyết định giá khởi điểm để đấu giá lại không bị truy cứu trách nhiệm.

Cho rằng việc này là "không phù hợp", các luật sư kiến nghị tòa xem xét trách nhiệm của 7 người, trong đó có nguyên giám đốc và phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường, Phó chủ tịch thường trực UBND Hà Nội, nguyên phó giám đốc sở Tài chính...

Trong quá trình xét xử vụ án, những người này được tòa triệu tập song phần lớn vắng mặt.

Thứ hai, trước việc cáo trạng quy kết bà Loan dùng 3 công ty "sân sau" để dàn xếp đấu giá kiểu gì cũng trúng và trúng giá thấp nhất, luật sư nói thực tế có tới 6 doanh nghiệp nộp hồ sơ. Ở 3 công ty được cho là "sân sau", bà Loan chỉ có 20% vốn góp nên "không có quyền gì chỉ đạo".

Nêu việc thân chủ bị bắt lúc 23h đêm, luật sư cho rằng có dấu hiệu "vi phạm nghiêm trọng" thủ tục tố tụng bởi quy định không được bắt người ban đêm, trừ phạm tội quả tang hoặc truy nã. Bà Loan không thuộc trường hợp này. Bà bị bắt tại nhà riêng nhưng không có sự chứng kiến của đại diện UBND phường. Việc khám xét nhà và nơi làm việc cũng không có mặt bị cáo hoặc người đại diện pháp luật của công ty.

Đối đáp, VKS khẳng định việc bắt bà Loan thuộc trường hợp khẩn cấp, có đại diện UBND phường tham gia. Các lời khai được lấy đúng quy định, sau mỗi đoạn đều có chữ ký bị cáo.

Về việc hỏi cung ban đêm, VKS cho rằng hỏi ngay sau khi bắt khẩn cấp là cần thiết và không bị pháp luật cấm. Việc này thực chất "không phải hỏi cung, chỉ là "ghi lời khai", vì bà Loan khi đó chưa bị khởi tố.

Vì sao nhiều cán bộ Hà Nội 'thoát tội' trong vụ dìm giá 16.000 m2 đất tại Đông Anh

Đại diện VKSND Hà Nội tại tòa, Ảnh: Danh Lam

Về căn cứ buộc tội, kiểm sát viên giải thích: Điều kiện cần là thiết lập giá khởi điểm thấp và điều kiện đủ là sự thông đồng dìm giá khi đấu giá. Thiếu điều kiện nào cũng không thành vụ án.

Theo VKS, ngay từ lúc ghi lời khai đến hỏi cung, bà Loan có 14 lời khai thừa nhận đã chỉ đạo về thông đồng đấu giá. Khi được đối chất với thuộc cấp tại công ty, bà cũng thừa nhận.

Kiểm sát viên trích đọc một lời khai, trong đó bà Loan thừa nhận: "Được cấp phó Hưng trình bản phương án đấu giá, nêu rõ cách đấu giá của 3 công ty theo từng vòng, tôi đồng ý và bảo Hưng trao đổi lại với những người còn lại, nhằm đảm bảo một trong 3 công ty của tôi trúng đấu giá".

Đại diện VKS tái khẳng định bà Loan "vô cùng cẩn thận". Bởi khi lấy cung, ghi lời khai, thừa thiếu, sai chỉ một chữ, bà cũng đọc lại, yêu cầu chỉnh sửa rồi ký vào chỗ đó, do đó không thể nói các tài liệu này sai hay giả mạo. Các lời khai này phù hợp nội dung email bà Loan chỉ đạo thuộc cấp, và các văn bản, tài liệu được cơ quan công an thu trên bàn làm việc của bà Loan và trích xuất dữ liệu.

Về trách nhiệm của các cán bộ không bị xử lý hình sự, VKS cho rằng những người này không được biết, bàn bạc hay hưởng lợi, không được nhờ vả tác động. Một số người có hành vi "không đúng, không khách quan", song "không tư lợi cá nhân, làm do nể nang" nên việc không truy tố họ là hợp lý, có căn cứ. Cơ quan điều tra cũng đã có kiến nghị với UBND Hà Nội và các cơ quan liên quan, xem xét có hình thức xử lý hành chính những người này theo quy định.

Sau hai lượt đối đáp, các bên không thay đổi quan điểm. Do tính chất phức tạp của vụ án, HĐXX do đó quyết định nghị án kéo dài và tuyên án chiều ngày 22/4, tức thứ hai tuần sau.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
3 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại