Vì sao người dân gửi tiền ngân hàng dù lãi suất thấp kỷ lục?
Lãi suất huy động giảm về mức thấp nhất trong lịch sử khi lãi suất huy động về dưới 5% kỳ hạn 12 tháng. Thế nhưng lượng tiền gửi của người dân vào ngân hàng vẫn duy trì mức cao, hơn 6,44 triệu tỷ đồng.
Kể từ đầu tháng 11 đến nay đã có tới 27 ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất huy động là: Sacombank, NCB, VIB, BaoVietBank, Nam A Bank, VPBank, VietBank, SHB, Techcombank, Bac A Bank, KienLongBank, ACB, Dong A Bank, PG Bank, PVCombank, VietA Bank, SCB, Eximbank, OceanBank, BVBank, OCB, TPBank, CBBank, HDBank, SeABank, GPBank, Saigonbank.
Tiền gửi người dân vẫn đổ vào ngân hàng bất chấp lãi suất hạ nhiệt (ảnh: Như Ý).
Trong đó, VietBank, Dong A Bank, VIB, NCB, Techcombank, OCB, Bac A Bank, Sacombank, BaoVietBank, BVBank là những ngân hàng đã giảm lãi suất hai lần trong tháng 11 này.
Ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, Vietcombank đang có mức lãi suất tiền gửi thấp nhất, khi lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên chỉ còn 5%/năm. Ba ngân hàng còn lại gồm BIDV, VietinBank và Agribank lãi suất cao nhất cho kỳ hạn trên 12 tháng là 5,3%/năm.
Tại nhiều ngân hàng cổ phần, lãi suất gửi tiết kiệm cũng giảm nhanh và nhiều ngân hàng áp dụng biểu lãi suất tương đương với nhóm Big 4. Cá biệt, có những ngân hàng có lãi suất thấp hơn như ACB, ABBank còn 4,7%/năm kỳ hạn 12 tháng.
Chị Nguyễn Linh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chị có khoản tiền hơn 2 tỷ đồng đến hạn tất toán nhưng không biết đầu tư kênh nào. "Tôi cũng đầu tư chứng khoán và hiện vẫn đang lỗ nên không đầu tư thêm. Giá vàng hiện nay cao quá còn bất động sản vẫn đóng băng nên chắc tôi vẫn gửi tiền vào ngân hàng", chị Linh nói.
Chị Linh cho biết, nếu như cách đây 1 năm, lãi suất tiết kiệm của chị ở mức 11%/năm nay dù còn dưới 5%/năm chị vẫn chấp nhận được trong bối cảnh này.
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích dù lãi suất thấp nhưng người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng bởi các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản không còn hấp dẫn và nhiều rủi ro.
Do đó, từ giờ đến cuối năm dù lãi suất gửi tiết kiệm tiếp tục giảm, người dân vẫn chọn gửi ngân hàng. Hiện tại, mức lãi suất tiết kiệm vẫn cao hơn lạm phát nên tiền nhà đầu tư vẫn có lợi.
Theo số liệu mới được Ngân hàng Nhà nước công bố, lượng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đã tăng thêm 15.935 tỷ đồng trong tháng 9, lên mức kỷ lục hơn 6,449 triệu tỷ đồng. Mức tăng này cao gấp 11 lần cùng kỳ năm 2022 nhưng là tháng tăng thấp thứ hai trong 9 tháng đầu năm (chỉ cao hơn tháng 7 - tăng 6.707 tỷ đồng).
So với cuối năm 2022, lượng tiền gửi của dân cư đã tăng tổng cộng 583.494 tỷ đồng, tương đương 9,95%. Đây là mức tăng trưởng tiền gửi 9 tháng cao nhất kể từ năm 2018.
Trong khi tăng trưởng tiền gửi của dân cư chậm lại trong tháng 9, tiền gửi của các tổ chức kinh tế lại tăng mạnh 217.353 tỷ đồng, lên gần 6,232 triệu tỷ đồng. Mức tăng này cao gấp đôi cùng kỳ năm 2022 và tháng tăng mạnh thứ hai trong 9 tháng đầu năm 2023 (chỉ thấp hơn tháng 6 - tăng 235.438 tỷ đồng).
So với cuối năm 2022, lượng tiền gửi của khối doanh nghiệp đã tăng 276.856 tỷ đồng, tương đương 4,65%, cao gấp đôi tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022.
Tổng cộng, tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng đến hết quý III đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,28% so với đầu năm và là mức tiền gửi cao nhất lịch sử ngành ngân hàng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi ngân hàng tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm bất chấp lãi suất huy động liên tục giảm sâu.
Lượng tiền gửi ngân hàng cao kỷ lục cũng cho thấy người dân và doanh nghiệp vẫn ưu tiên lựa chọn gửi tiền tiết kiệm ngân hàng dù lãi suất có thấp nhằm đảm bảo an toàn, sau hàng loạt các vi phạm về phát hành trái phiếu, thao túng chứng khoán khiến niềm tin vào thị trường vốn bị sụt giảm.
Hơn nữa, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh rất khó khăn, lựa chọn quay về gửi tiết kiệm ngân hàng của người dân và doanh nghiệp là dễ hiểu nhằm đảm bảo nguồn vốn, chờ đợi cơ hội kinh doanh khi nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc hơn trong tương lai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận