Vì sao MSB “hậu thuẫn” Công ty Bất động sản Mỹ vay nợ hàng nghìn tỷ đồng không bảo đảm?
Bất chấp cảnh báo rủi ro khi đầu tư trái phiếu không tài sản đảm bảo, nhà đầu tư vẫn rót hàng nghìn tỷ đồng cho Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ.
Bí mật gì sau các cuộc vay nợ hàng nghìn tỷ đồng?
Như Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ vừa tiếp tục phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 7 năm và lãi suất 10% mỗi năm. Trước đó, trong khoảng thời gian từ 11/5-20/6/2021, doanh nghiệp này cũng đã phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm.
Trước đó, năm 2020, Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ đã huy động trên 5.000 tỷ đồng từ trái phiếu, mỗi đợt phát hành đều được chia nhỏ thành nhiều lô với giá trị 50 tỷ đồng/lô. Loại trái phiếu mà công ty này phát hành đều là trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo.
Đáng nói, tổ chức thu xếp cho những cuộc vay nợ nghìn tỷ đồng này là Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), nhà băng có nhiều mối liên hệ với giới chủ và hệ sinh thái TNG Holdings (bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là Chủ tịch TNG Holdings, trong khi chồng là Trần Anh Tuấn - Chủ tịch MSB).
Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ tiền thân là Công ty Cổ phần Bất động sản Mùa Đông – VID, được thành lập năm 2007. Thời điểm mới được thành lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty này là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Thời điểm đó, bà Hường cũng đang giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group, nay là TNG Holdings).
Tháng 10/2015, Công ty Cổ phần Bất động sản Mùa Đông - VID tăng vốn điều lệ lên 300 tỷ đồng và cũng thay người nắm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị sang bà Phạm Thị Vân Hà (hiện là Chủ tịch TNR Holdings Việt Nam). Sau đó vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty liên tục thay đổi từ bà Phạm Thị Vân Hà, ông Bùi Đức Quang, Cao Minh Tùng, Vũ Hữu Hạnh, Nguyễn Đức An.
Hiện tại, Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ có địa chỉ trụ sở tại số 47, đường Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân (Hà Nội), vốn điều lệ 2.021 tỷ đồng. Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện pháp luật là bà Vũ Thùy Duyên (SN 1994).
Khoảng vài năm trở lại đây, Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ nổi lên trên thị trường bất động sản khi liên tiếp được chọn làm nhà đầu tư cho loạt dự án lớn. Nhiều dự án của doanh nghiệp này do hệ sinh thái TNG Holdings độc quyền phân phối và MSB là đơn vị tài trợ vốn.
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn liên danh với nhiều đơn vị khác như Công ty Cổ phần Bất động sản HANO - VID, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Quang (các doanh nghiệp đều liên quan đến hệ sinh thái TNG Holdings của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường) trúng thầu nhiều dự án quy mô lớn, mới nhất là dự án Khu đô thị Trà Quang Nam (tỉnh Bình Định) với tổng mức đầu tư 1.457 tỷ đồng)... và còn rất nhiều dự án bất động sản khác.
Hệ sinh thái TNG Holdings là doanh nghiệp liên kết với MSB, trong nhiều sự kiện hai đơn vị này đều xuất hiện cùng nhau. Điều này cũng dễ hiểu bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là vợ của ông Trần Anh Tuấn, hơn nữa, bà Hường cũng từng là Chủ tịch Hội đồng sáng lập MSB.
Nhà đầu tư có thể gặp rủi ro
Với mối liên hệ như vậy, giới đầu tư đặt ra nhiều câu hỏi trong các thương vụ huy động vốn hàng nghìn tỷ đồng từ trái phiếu của Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ. Rõ ràng, việc được một ngân hàng hậu thuẫn thì việc vay nợ sẽ không khó dù lĩnh vực bất động sản là rất rủi ro, chứ chưa nói đến việc bỏ tiền đầu tư mà không có tài sản đảm bảo lại càng nguy hiểm.
Hai nhân vật quyền lực nhất MSB và hệ sinh thái TNG Holdings là ông Trần Anh Tuấn (trái) và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường. (Ảnh: Internet)
Thực tế, Bộ Tài chính đã nhiều lần cảnh báo rủi ro khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Theo khuyến cáo, việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ.
Tuy nhiên, trường hợp doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn trái phiếu, lãi suất cao, nhưng sử dụng vốn không hiệu quả hoặc tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, hoặc lĩnh vực hoạt động gặp khó khăn, dẫn đến việc không hoàn trả được gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư sẽ gây bất ổn cho thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường tài chính nói chung.
Trên cơ sở đó, đối với các doanh nghiệp phát hành, việc phát hành trái phiếu phải gắn với dòng tiền và tính khả thi của phương án sản xuất kinh doanh, năng lực tài chính của doanh nghiệp, đảm bảo khả năng trả các khoản nợ đến hạn, trong đó có trả nợ lãi, gốc trái phiếu.
Ngoài ra, khi phát hành trái phiếu, doanh nghiệp cần phải tuân thủ quy định của pháp luật, công bố công khai thông tin cho nhà đầu tư về tình hình tài chính, phương án sản xuất kinh doanh, điều kiện, điều khoản của trái phiếu, các cam kết kèm theo, sử dụng vốn đúng mục đích nêu trong phương án phát hành.
Về phía nhà đầu tư mua trái phiếu, pháp luật đã quy định nhà đầu tư tự đánh giá rủi ro và tự chịu trách nhiệm về việc mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Theo đó, pháp luật quy định chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng được mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, không có kinh nghiệm, khả năng phân tích, đánh giá các rủi ro khi mua.
“Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu”, Bộ Tài chính khuyến nghị.
Mặt khác, nhà đầu tư cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu, các tổ chức môi giới cung cấp đầy đủ các thông tin gồm trái phiếu do doanh nghiệp nào phát hành, mục đích phát hành, có tài sản đảm bảo hay không có tài sản đảm bảo, kỳ hạn phát hành và phương thức trả nợ gốc, lãi và đặc biệt là tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Cùng với đó, nhà đầu tư đặc biệt lưu ý không mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu...
Nợ nghi ngờ và nguy cơ mất vốn của MSB tăng cao
Trong 6 tháng đầu năm 2021, MSB ghi nhận hơn 3.119 tỷ đồng lãi trước thuế và gần 2.479 tỷ đồng lãi sau thuế, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước.
Tính tại thời điểm cuối tháng 6/2021, tổng tài sản của MSB ở mức 183.124 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt còn 1.921 tỷ đồng, giảm 13%; tiền gửi tại tổ chức tín dụng khác 16.762 tỷ đồng, tăng 14%; cho vay khách hàng tăng 15% so với đầu năm, lên mức gần 91.381 tỷ đồng (cho vay lĩnh vực bất động sản, xây dựng chiếm phần lớn).
Về nguồn vốn kinh doanh, tiền gửi khách hàng tại thời điểm cuối tháng 6/2021 giảm nhẹ 2%, còn gần 86.046 tỷ đồng; tiền gửi không kỳ hạn vẫn chiếm khoảng 23.300 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu của MSB tính đến ngày 30/6/2021 ở mức gần 1.845 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Trong đó, nợ nghi ngờ mất vốn tăng 47% lên 578,2 tỷ đồng và và nợ có khả năng mất vốn tăng 13% lên mức 977 tỷ đồng.
Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ của MSB tăng từ mức 1,96% lên 2,02%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận