Vì sao Hải Phòng di dời 8 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép?
Theo Văn bản số 891/UBND-QH của UBND Tp.Hải Phòng, địa phương sẽ di dời 8 doanh nghiệp thép trên địa bàn quận Hồng Bàng và huyện An Dương trong năm 2025.
Đầu giờ chiều 31/5, chúng tôi có mặt tại khu vực Quốc lộ 5 thuộc phường Quán Toan, quận Hồng Bàng, Tp.Hải Phòng, nơi tập trung khá nhiều doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất thép.
Qua trao đổi, ông Đoàn Văn Hữu - Chủ tịch UBND phường Quán Toan, thông tin, trong số 8 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép UBND Tp.Hải Phòng yêu cầu di dời trong năm 2025, có 6 doanh nghiệp trên địa bàn phường. Các doanh nghiệp còn lại thuộc địa bàn xã An Hồng, huyện An Dương, Tp.Hải Phòng.
Trước đó, cuối tháng 4/2024, UBND Tp.Hải Phòng đã có Văn bản số 891/UBND-QH về việc di dời cơ sở sản xuất, kho tàng tại khu vực phường Quán Toan và xã An Hồng để thực hiện chỉnh trang đô thị.
Theo Văn bản số 891/UBND-QH, từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Tp.Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 (tại Quyết định 1448/QĐ-TTg ngày 16/9/2009).
Trong đó, định hướng từng bước di dời các nhà máy, xí nghiệp, kho tàng khu vực nội đô để dành đất xây dựng dịch vụ công cộng và bổ sung cây xanh. Khu đất cảng ven sông Cấm sau khi di dời dành cho phát triển khu chức năng đô thị, ưu tiên công trình dịch vụ công cộng, cây xanh, văn phòng, thương mại.
Thực hiện định hướng này, tại các đồ án quy hoạch phân khu các quận, thị trấn, đô thị mới và quy hoạch chung nông thôn mới các xã được duyệt về cơ bản đã quy hoạch khu vực nhà máy, kho tàng hiện trạng ngoài khu, cụm công nghiệp thành các loại đất đơn vị ở, đất công cộng, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật.
Đến nay, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 323/QĐ-TTg ngày 30/3/2023), tiếp tục định hướng di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô, vào các khu, cụm công nghiệp để chỉnh trang, tái thiết đô thị, ưu tiên bổ sung diện tích công viên cây xanh và sân chơi, công trình công cộng, hạ tầng xã hội.
Nhằm thực hiện thành lập đơn vị hành chính quận tại huyện An Dương (dự kiến trong năm 2025) và điều chỉnh địa giới một phần huyện An Dương để mở rộng quận Hồng Bàng giai đoạn 2024 - 2025, UBND Tp.Hải Phòng đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 quận Hồng Bàng đến năm 2040 và đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu vực đô thị An Dương.
Để đẩy nhanh tiến độ phát triển, chỉnh trang đô thị theo quy hoạch được duyệt, việc di dời các cơ sở sản xuất, kho tàng tại khu vực phường Quán Toan (quận Hồng Bàng) và xã An Hồng (huyện An Dương) ra khỏi đô thị là cần thiết.
Để các doanh nghiệp không bị động khi thành phố thu hồi đất thực hiện quy hoạch này, UBND Tp.Hải Phòng giao UBND quận Hồng Bàng và UBND huyện An Dương thông báo, hướng dẫn các doanh nghiệp có liên quan (8 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép) khẩn trương có kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất, kho tàng tại khu vực phường Quán Toan và xã An Hồng vào các khu, cụm công nghiệp tập trung và hoàn thành việc di chuyển trong năm 2025.
UBND Tp.Hải Phòng cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố, UBND quận Hồng Bàng và UBND huyện An Dương không thực hiện thủ tục gia hạn sử dụng đất đối với các doanh nghiệp tại khu vực này khi hết thời hạn thuê đất, giao đất theo quy định.
Theo phụ lục kèm theo Văn bản số 891/UBND-QH, 8 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép thuộc diện di dời, gồm: Công ty TNHH Ống thép Việt Nam, Công ty Sản xuất thép Úc SSE, Công ty Liên doanh sản xuất thép Vinausteel (Thép Việt Úc), Công ty CP thép Việt Nhật, Công ty TNHH MTV phôi thép Úc, Công ty CP thép và cơ khí vật liệu xây dựng Hải Phòng (VPS-POSCO), Công ty CP thép Cửu Long Vinashin, Công ty CP thép Trung Kiên.
Trong số 8 doanh nghiệp này, chỉ có Công ty CP thép Trung Kiên là doanh nghiệp kinh doanh thép, còn lại đều sản xuất thép. Đặc biệt, đến nay chỉ có 3/8 công ty còn hoạt động, 5 công ty còn lại đã tạm ngừng hoạt động hoặc chuyển một phần tài sản cho đơn vị khác. Do vậy, việc di dời không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các doanh nghiệp này.
Các doanh nghiệp thép kể trên đang quản lý, sử dụng khoảng hơn 50 ha đất thuộc diện di dời. Trong đó, phần diện tích thuộc địa phận phường Quán Toan là hơn 36 ha và phần diện tích thuộc địa phận xã An Hồng hơn 14 ha.
Theo nguồn tin của Người Đưa Tin, đến nay, UBND quận Hồng Bàng, Tp.Hải Phòng đã ra thông báo yêu cầu các cơ sở sản xuất, kho của các doanh nghiệp thép dọc quốc lộ 5, thuộc địa phận phường Quán Toan di dời vào các khu cụm công nghiệp tập trung trong năm 2025.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận