Vì sao giá dầu WTI giảm 10% trong tuần qua?
Giá dầu giảm gần 10% trong tuần qua khi ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy đà giảm tốc kinh tế toàn cầu đang kéo giảm nhu cầu. Hiện tại, giá dầu đã rơi xuống mức thấp nhất trong 6 tháng qua.
Hợp đồng dầu WTI rớt mốc 89 USD/thùng, giảm gần 10% trong tuần này. Dữ liệu chính thức cho thấy lượng tiêu thụ xăng tại Mỹ suy giảm trong khi dự trữ dầu thô gia tăng. Đà giảm diễn ra ngay cả khi OPEC+ cảnh báo công suất bơm dầu dự phòng còn rất ít.
Sau khi tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm, giá dầu bắt đầu đảo ngược xu hướng và giảm mạnh hơn trong tháng này. Đến nay, làn sóng bán tháo đã xóa sạch mức tăng có được kể từ khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra.
Đà giảm của giá dầu được kỳ vọng sẽ xoa dịu áp lực lạm phát đang lan rộng ra khắp kinh tế toàn cầu – vốn đang là yếu tố thôi thúc các NHTW nâng mạnh lãi suất và đưa ra cảnh báo ảm đạm về kinh tế.
“Thị trường vẫn đang rất khó khăn vì sự suy giảm nhu cầu ở Mỹ và áp lực với công suất lọc dầu đã thuyên giảm đáng kể”, Stephen Innes, Đối tác quản lý tại SPI Asset Management, cho hay.
Làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ rõ ràng đang gây ra lo ngại cho nhà đầu tư. Họ sợ rằng tăng trưởng ở các nền kinh tế hàng đầu sẽ chững lại, qua đó kéo giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong tương lai. Ngày 04/08, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cảnh báo Anh có thể bước vào đợt suy thoái kéo dài hơn 1 năm trong quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ.
Ngoài ra, đà giảm của giá dầu còn đến một phần từ việc Libya sản xuất mạnh trở lại sau giai đoạn hỗn loạn. Điều này cho phép thành viên OPEC này xuất khẩu ổn định ở mức hơn 1 triệu thùng/ngày và xoa dịu tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Ngày 03/08, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đồng minh (bao gồm cả Nga) nhất trí nâng nhẹ mức tăng sản lượng trong tháng 9/2022, đồng thời cảnh báo công suất dư thừa đang cực kỳ hạn chế. Ả-rập Xê-út – thành viên quyền lực nhất của OPEC – nâng giá bán dầu đối với những người mua ở châu Á.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận