Vì sao FPT được nâng khuyến nghị lên khả quan, mục tiêu 142.800 đồng/cp?
Theo SSI, FPT tiếp tục đà tăng trưởng trong nửa đầu năm 2024, với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt là 29,3 nghìn tỷ đồng (+21,4% svck) và 4,4 nghìn tỷ đồng (+21,2% svck).
FPT đã tổ chức cuộc họp với chuyên viên phân tích trong nửa đầu năm 2024, theo đó FPT tiếp tục đà tăng trưởng trong nửa đầu năm 2024, với doanh thu và LNST đạt lần lượt là 29,3 nghìn tỷ đồng (+21,4% so với cùng kỳ - svck) và 4,4 nghìn tỷ đồng (+21,2% svck), chủ yếu nhờ mảng công nghệ.
Mảng công nghệ thông tin
Mảng CNTT nước ngoài và CNTT trong nước ghi nhận kết quả trái chiều trong nửa đầu năm 2024. Trong khi mảng CNTT nước ngoài gây ấn tượng với mức tăng trưởng cả về doanh thu (+30% svck) và LNTT (+25% svck), thì mảng CNTT trong nước chỉ ghi nhận tăng trưởng về doanh thu (+18% svck) nhưng LNTT lại giảm (-8% svck).
Đối với mảng CNTT nước ngoài, mảng này tiếp tục ghi nhận tăng trưởng ở tất cả các thị trường, bao gồm Nhật Bản (+35% svck), Châu Mỹ (+15% svck), Châu Âu (+54% svck) và Châu Á Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật Bản, +32% svck).
Đối với thị trường Châu Âu, thị trường này tạo ra doanh thu cao hơn dự kiến. Tuy nhiên, vì thị trường này chỉ chiếm 9% doanh thu của mảng CNTT nước ngoài, do đó, chúng tôi ước tính rằng mức cao hơn dự kiến này sẽ có tác động nhỏ đến ước tính doanh thu năm 2024 đối với mảng CNTT nước ngoài.
Đối với thị trường Châu Á Thái Bình Dương, FPT lưu ý rằng Singapore, Malaysia và Indonesia là 3 thị trường chính đóng góp cho tăng trưởng. Mảng này cũng ghi nhận biên lợi nhuận trước thuế thu hẹp xuống còn 15,7% (từ mức 16,3% trong nửa đầu năm 2023), chủ yếu là do 1) đồng JPY tăng giá (chúng tôi ước tính đồng JPY đã tăng 6% svck) và 2) chi phí phân bổ phát sinh từ lợi thế thương mại của các thương vụ M&A.
SSI lưu ý rằng tổng chi phí phân bổ cho lợi thế thương mại của FPT được ghi nhận ở mức 83 tỷ đồng (+97% svck). Đối với mảng CNTT trong nước, biên lợi nhuận trước thuế giảm xuống còn 4,5% (từ mức 5,7% trong nửa đầu năm 2023), chủ yếu là do tỷ trọng doanh thu từ phần cứng cao hơn (vì biên lợi nhuận của phần cứng tương đối thấp hơn so với dịch vụ CNTT và phần mềm).
Kết quả này thấp hơn một chút so với dự báo của SSI nhưng sẽ không tác động đáng kể đến ước tính doanh thu cả năm 2024 của SSI đối với mảng công nghệ thông tin.
Về việc đồng JPY tăng giá trong thời gian gần đây, FPT nhận định biến động này sẽ không có tác động đáng kể đến lợi nhuận ròng của công ty. Trên thực tế, trong giai đoạn này, công ty đã vay nợ bằng đồng JPY (8,3 triệu JPY tính đến cuối Q2/2024) để phòng ngừa cho doanh thu bằng đồng JPY (35,9 triệu JPY trong nửa đầu năm 2024). FPT ước tính biên lợi nhuận của công ty chỉ có thể cải thiện 50 điểm cơ bản cho mỗi 10% tăng giá của đồng JPY.
FPT đặt mục tiêu dịch vụ đám mây GPU từ AI Factory dự kiến sẽ tạo ra doanh thu lên tới 100 triệu USD vào năm 2027. Như FPT đã công bố trước đó, AI Factory (với chi phí đầu tư dự kiến là 200 triệu USD) là một phần trong mối quan hệ hợp tác AI với NVIDIA để cung cấp dịch vụ đám mây GPU, cho phép FPT tiếp cận GPU NVIDIA H100 Tensor Core và triển khai máy chủ từ dòng chipset (SSI lưu ý rằng FPT không có ý định xây dựng AI Factory thực sự mà chỉ là triển khai máy chủ) và đẩy nhanh tốc độ ứng dụng AI ở Châu Á, bao gồm cả ở Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đối với chipset, theo NVIDIA, loại chip dòng H100 của họ yêu cầu phải có giấy phép xuất khẩu sang Việt Nam (theo quy định của chính phủ Hoa Kỳ) và FPT đang chờ được phê duyệt giấy phép này.
Để cung cấp dịch vụ này tại thị trường Nhật Bản, công ty đang nghiên cứu thị trường để cân nhắc việc có phát triển AI Factory tại quốc gia này hay không (đây cũng là một phần trong kế hoạch đầu tư 200 triệu USD) (FPT có thể thuê các trung tâm dữ liệu tại chính Nhật Bản để triển khai dịch vụ thay vì xây dựng một trung tâm dữ liệu mới).
Liên quan đến tính khả thi về mặt hiệu quả, FPT đặt mục tiêu đạt được doanh thu từ dịch vụ từ năm 2025 và kỳ vọng doanh thu sẽ tăng lên tới 100 triệu USD mỗi năm vào năm 2027 (SSI ước tính tương đương với khoảng 8% doanh thu mảng công nghệ hiện tại của FPT) với biên lợi nhuận trước thuế là 20%-30% (IRR ước tính là 20%-25%) và công suất hoạt động đạt trên 80%.
Do đó, SSI cho rằng vẫn cần thời gian để quan hệ Đối tác chiến lược này tạo ra tác động đáng kể đến hiệu quả hoạt động của FPT.
Mảng viễn thông
Mảng băng rộng cố định là động lực tăng trưởng chính cho doanh thu mảng viễn thông trong nửa đầu năm 2024. Mảng này đạt doanh thu và LNTT lần lượt là 8,2 nghìn tỷ đồng (+7,3% svck) và 1,8 nghìn tỷ đồng (+16,2% svck), trong đó doanh thu từ băng rộng cố định chiếm hơn 50% (+9% svck). Biên LNTT được cải thiện lên 21,3% (so với 19,7% trong nửa đầu năm 2023), SSI cho rằng chủ yếu là nhờ kiểm soát chi phí tốt hơn.
Trung tâm dữ liệu sắp tới (đặt tại Quận 9, TP.HCM) có tiến độ triển khai chậm hơn dự kiến. Vì mảng này hiện chỉ chiếm dưới 1% doanh thu của FPT, do đó, SSI kỳ vọng các diễn biến này cũng sẽ chỉ có tác động nhỏ đến ước tính cho cả năm 2024.
Chi tiết hơn, FPT kỳ vọng trung tâm dữ liệu này sẽ đi vào hoạt động vào năm 2025 (thay vì Q3/2024). Như đã đề cập trước đó, FPT cũng đang triển khai phát triển một trung tâm dữ liệu mới khác tại miền Bắc (mà SSI kỳ vọng đây sẽ là câu chuyện tăng trưởng dài hạn thay vì ngắn hạn). Công ty cũng lạc quan về triển vọng nhu cầu trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, đến từ nhu cầu cao về bảo mật dữ liệu.
Mảng giáo dục, đầu tư và các mảng khác
Doanh thu mảng giáo dục đạt mức tăng trưởng 24% svck trong nửa đầu năm 2024, cho thấy rủi ro giảm nhẹ đối với ước tính của SSI cho mảng giáo dục trong cả năm 2024, vì hiện tại SSI giả định mảng giáo dục sẽ đạt mức tăng trưởng 30% trong cả năm 2024.
Chứng khoán SSI nhận thấy rằng mảng giáo dục đã có mức tăng trưởng ấn tượng trong khoảng 30%-50% svck trong giai đoạn 2021-2023. Do khoảng cách giữa cung và cầu trong giáo dục tại Việt Nam vẫn còn cao (theo FPT)
Chứng khoán SSI kỳ vọng rằng mảng này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong trung hạn, nhưng với mức tăng trưởng thấp hơn một chút. FPT cũng chia sẻ kế hoạch đầu tư của công ty trong năm 2024 chủ yếu tập trung vào việc đầu tư vào các trường K-12.
Nhìn chung, doanh thu nửa đầu năm 2024 phù hợp với ước tính của SSI. SSI ước tính LNST của FPT trong năm 2024 và 2025 lần lượt đạt 9,3 nghìn tỷ đồng (+19% svck) và 11,1 nghìn tỷ đồng (+19% svck). Giá mục tiêu 12 tháng của FPT theo phương pháp SOTP là 142.800 đồng/cp (từ 141.500 đồng) và SSI nâng khuyến nghị đối với cổ phiếu lên KHẢ QUAN (từ TRUNG LẬP).
Rủi ro giảm đối với khuyến nghị: Lương của kỹ sư CNTT cao hơn dự kiến; doanh thu/giá trị hợp đồng ký mới từ dịch vụ phần mềm và CNTT thấp hơn dự kiến.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận