VDSC: Lợi nhuận ngành thép sẽ tăng trưởng 2 chữ số trong năm 2024
Với kỳ vọng giá nguyên liệu hạ nhiệt và giao dịch trong biên độ hẹp; các công ty duy trì chính sách hàng tồn kho thân trọng, lợi nhuận các công ty thép dự kiến ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số, so với mức thấp trong năm 2023.
Trong báo cáo triển vọng ngành thép vừa cập nhật, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng các doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tích cực về sản lượng bán hàng nội địa trong năm 2024 đặc biệt trong giai đoạn nửa cuối năm.
Sự tăng trưởng được hỗ trợ bởi nhu cầu từ thị trường bất động sản. Nguồn cung và mức hấp thụ của thị trường bất động sản được kỳ vọng cải thiện so với năm 2023, khi chủ đầu tư và nhà đầu tư tự tin hơn về sự hồi phục của thị trường, lãi suất duy trì ở mức thấp và các dự án hạ tầng trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện.
Việc mở bán thành công các dự án đặc biệt trong thời điểm nửa cuối năm 2024 sẽ là yếu tố thúc đẩy hoạt động xây dựng, và từ đó làm tăng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thép (thép xây dựng, tôn mạ). Lĩnh vực nhà xưởng/nhà kho xây sẵn là lĩnh vực thu hút nguồn vốn FDI trong giai đoạn 2024-2025, qua đó đem lại nhu cầu tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm tôn mạ, ống thép.
Nhu cầu từ hoạt động xây dựng hạ tầng: Sau giai đoạn thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, các dự án hạ tầng trọng điểm (hệ thống cao tốc Bắc Nam, đường vành đai…) bắt đầu bước vào giai đoạn xây dựng, tập trung trong thời kỳ 2024-2025. Các hạng mục lớn trong các dự án hạ tầng (cầu, đường trên cao,…) sẽ cần tiêu thụ thép xây dựng, qua đó là yếu tố hỗ trợ cho thị trường nội địa trong 2024.
Tuy nhiên, bất động sản dân dụng vẫn sẽ đóng góp tỷ trọng cao nhất trong sản lượng bán hàng nội địa của các công ty sản xuất thép.
Về mặt lợi nhuận, với kỳ vọng giá nguyên liệu hạ nhiệt và giao dịch trong biên độ hẹp; các công ty duy trì chính sách hàng tồn kho thân trọng, lợi nhuận các công ty thép dự kiến ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số, so với mức thấp trong năm 2023, không còn ảnh hưởng của việc trích lập giảm giá hàng tồn kho như trong nửa đầu năm 2023.
Trong năm 2023, Trung Quốc ghi nhận sản lượng thép xuất khẩu cao nhất trong giai đoạn 2017-2023, và về lại mức trên 80 triệu tấn/năm tương ứng với giai đoạn 2014-2015, thời điểm Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu thép sang các nước do thừa cung.
Hiệu suất hoạt động của các lò cao tại Đường Sơn trung tâm sản xuất thép của Trung Quốc duy trì ở mức 70%, cùng với triển vọng cắt giảm sản lượng trong năm 2024 chưa rõ ràng, cho thấy lượng thép Trung Quốc xuất khẩu sang các các nước trong đó có Việt Nam vẫn sẽ duy trì ở mức cao trong bối cảnh mức tiêu thụ của thị trường nội địa nước này còn thấp.
Do đó, VDSC lưu ý về rủi ro thị trường thép Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường Trung Quốc đặc biệt là thép xây dựng, với cạnh tranh về mặt bán hàng với các nhà sản xuất thép nội địa; giá thép Việt Nam chịu ảnh hưởng từ sự biến động của giá thép Trung Quốc, với sự tương quan cao giữa các thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận