VDSC: Doanh nghiệp thép cần cẩn trọng áp lực từ thép giá rẻ của Trung Quốc
Sau giai đoạn đầy sóng gió của năm 2023, CTCK Rồng Việt (VDSC) dự báo ngành thép sẽ phục hồi mạnh với sự dẫn dắt của thị trường nội địa, nhất là trong nửa cuối năm 2024. Tuy vậy, các doanh nghiệp cần cẩn trọng với áp lực từ thép giá rẻ của Trung Quốc.
Các chuyên viên phân tích chỉ ra ngành thép có thể nhận được nhiều cú huých trong thời gian tới.
Nhu cầu từ thị trường bất động sản (BĐS): Nguồn cung và mức tiêu thụ của thị trường BĐS được kỳ vọng cải thiện so với năm 2023, khi: i/ các nhà đầu tư và chủ đầu tư tự tin hơn về sự phục hồi của thị trường, ii/ lãi suất duy trì ở mức thấp và iii/ các dự án hạ tầng đang trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện. Việc mở bán thành công các dự án (đặc biệt trong giai đoạn cuối năm 2024) sẽ thúc đẩy hoạt động xây dựng, từ đó tăng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thép (thép xây dựng, tôn mạ). Lĩnh vực nhà xưởng/nhà kho đã xây sẵn (NXXS, NKXS) thu hút nguồn vốn FDI trong giai đoạn 2024-2025, góp phần tạo ra nhu cầu tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm tôn mạ, ống thép.
Nhu cầu từ hoạt động xây dựng hạ tầng: Sau giai đoạn thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, các dự án hạ tầng trọng điểm (hệ thống cao tốc Bắc Nam, đường vành đai…) bắt đầu vào giai đoạn xây dựng, tập trung trong thời kỳ 2024-2025. Các công trình lớn trong các dự án hạ tầng (cầu, đường trên cao,…) sẽ cần tiêu thụ thép xây dựng, đây là yếu tố hỗ trợ cho thị trường nội địa trong năm 2024. Tuy nhiên, BĐS dân dụng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong sản lượng bán hàng nội địa của các công ty sản xuất thép.
Ngoài ra, giá nguyên vật liệu cho sản xuất thép cũng đã hạ nhiệt.
Vì thế, VDSC dự báo lợi nhuận ngành thép sẽ khả quan từ mức nền thấp năm 2023, với mức tăng trưởng hai chữ số.
“Chúng tôi cho rằng cổ phiếu ngành thép đang bước vào pha ‘chớm phục hồi’ khi triển vọng tiêu thụ và quản trị biên lợi nhuận ngành đã tạo đáy và từng bước phục hồi theo chu kỳ hồi phục của nền kinh tế. Dù vậy, do yếu tố “hàng hóa” và đặc tính beta cao, giá cổ phiếu ngành thép thường biến động mạnh theo sau sự biến động của giá HRC”, các chuyên viên phân tích nhận định.
Áp lực nguồn cung và giá thép từ thị trường Trung Quốc vẫn còn hiện hữu
Theo các chuyên gia phân tích tại VDSC, nhà đầu tư cần chú ý đến biến động giá thép HRC Trung Quốc, có khả năng ảnh hưởng đến giá HRC toàn cầu nói chung và giá HRC Việt Nam nói riêng.
Năm 2023, Trung Quốc ghi nhận sản lượng thép xuất khẩu cao nhất trong giai đoạn 2017-2023, vượt 80 triệu tấn/năm (tương ứng giai đoạn 2014-2015, khi Trung Quốc tăng cường xuất khẩu thép sang các nước do dư cung).
Hiệu suất hoạt động của các lò cao tại Đường Sơn (trung tâm sản xuất thép của Trung Quốc) duy trì ở mức 70%, và triển vọng cắt giảm sản lượng trong năm 2024 vẫn chưa rõ ràng, cho thấy lượng thép Trung Quốc xuất khẩu sang các nước (trong đó có Việt Nam) sẽ tiếp tục ở mức cao (trong bối cảnh tiêu thụ trong thị trường nội địa của Trung Quốc vẫn còn thấp).
“Do đó, chúng tôi lưu ý về rủi ro thị trường thép Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường Trung Quốc (đặc biệt là thép xây dựng), về vấn đề cạnh tranh về mặt bán hàng với các nhà sản xuất thép nội địa và giá thép Việt Nam chịu ảnh hưởng từ sự biến động của giá thép Trung Quốc, với sự tương quan cao giữa các thị trường”, VDSC nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận