Vành đai 4 vùng thủ đô sẽ thu phí để thu hồi vốn bằng cách nào?
Ngày 4/5, tại buổi tọa đàm: "Kết nối giao thông vành đai liên vùng – động lực cho phát triển bứt phá", các chuyên gia đã đánh giá, phân tích nhiều "góc cạnh" trong việc phát triển hạ tầng giao thông thúc đẩy phát triển kinh tế.
Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội tác động đến các vùng kinh tế
Hiện nay, hệ thống giao thông của Việt Nam mới chỉ xây dựng được 1.000 km đường cao tốc mà mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2021 - 2025 là xây dựng được 2.000 km đường cao tốc. Đó là định hướng chiến lược mà Chính phủ đã triển khai rất quyết liệt.
Trong số các công trình được thúc đẩy thời gian qua như cao tốc Bắc - Nam, còn có 2 công trình có ý nghĩa quan trọng là dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh và Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội. Đây là các công trình cơ sở hạ tầng và cũng là cao tốc đô thị, kết nối 2 trung tâm kinh tế, 2 vùng động lực kinh tế lớn nhất nên vị trí hết sức quan trọng.
Dự án Vành đại 3 TP.Hồ Chí Minh và Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội tác động đến các vùng kinh tế trọng điểm khi các công trình này hoàn thành như thế nào? Đây là câu hỏi được các chuyên gia phân tích rất kỹ tại buổi toạ đàm.
PGS.TS. Trần Đình Thiên. Ảnh: Nhật Bắc (VGP)
Đánh giá về 2 dự án này, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: "Từ sự ách tắc lâu nay về hạ tầng giao thông tại TP.Hồ Chí Minh và TP.Hà Nội chúng ta phải chịu, tuy nhiên, khi khai thông đầu tư hạ tầng giao thông tháo gỡ được các "điểm nghẽn" sẽ hiện ra chân lý "đường thông", thể hiện ở 3 điểm chính.
Cụ thể, hành lang công nghiệp sẽ phát triển, các khu công nghiệp sẽ được định hình rõ ràng, mạnh mẽ hơn. Công nghiệp theo tinh thần mới là khu công nghiệp đẳng cấp cao. Tiếp đó, là vận tải và các tuyến logistic sẽ kết nối mạnh mẽ hơn, sôi động hơn. Mục đích là hình thành các đô thị và chuỗi đô thị đẳng cấp cao, hình thành nên không gian kết nối tốt, bảo đảm cuộc sống, theo đúng tiêu chuẩn bền vững.
Ngoài ra, trong tầm nhìn xa hơn nữa là nối các hành lang này với các sân bay thì có thể hình dùng sự kết nối bầu trời với thế giới. Qua đó tận dụng cơ hội phục hồi để tạo ra đột phá, phát triển.
Chia sẻ những đột phát của hạ tầng giao thông vùng thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết: "Dự án Vành đai 4 cơ bản kết thúc trước năm 2025, năm 2026 hoàn chỉnh. Khi đề xuất chủ trương, đề xuất Quốc hội 5 cơ chế đặc thù. Nếu 5 cơ chế đặc thù được thông qua cùng cơ chế đầu tư tiền khả thi sẽ cho phép rút ngắn tiến độ triển khai trong khoảng thời gian ngắn với quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp.
Ông Tuấn cho hay, một cơ chế đặc thù là ngay sau khi chủ trương Quốc hội cho phép, tiến hành luôn giải phóng mặt bằng theo quy hoạch, Hà Nội đã xác định hệ thống chỉ giới đường đỏ, hoạch định lộ giới từng vị trí, đoạn tuyến. Phải xử lý nhanh công tác chuẩn bị triển khai giải phóng mặt bằng mặt ngay khi có chủ trương đầu tư.
Cùng với đó, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ định thầu, tư vấn, di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư xây lắp… cho từng dự án thành phần.
Ngoài ra, điều tra khảo sát, lập hồ sơ hệ thống vật liệu xây dựng. "Chúng tôi đánh giá Hà Nội hoàn toàn đủ trữ lượng khai thác, đây là điều kiện quan trọng đẩy nhanh tiến độ. Có cơ chế đặc thù cho nhà thầu xây lắp được khai thác mỏ không cần cấp phép khai thác trong thời gian thực hiện dự án", ông Tuấn thông tin.
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn. Ảnh: Nhật Bắc (VGP)
Để sớm xây dựng đường vành đai 4 vùng thủ đô, ông Tuấn cho rằng: "TP.Hà Nội cùng các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên thiết lập tiến độ đan xen. Theo đó, công tác chuẩn bị đầu tư trong năm 2022 - 2023, dự án nhóm 1 đầu tư giải phóng mặt bằng trong 2022 -2024, đường đô thị song hành nhóm 2 trong năm 2022-2025; dự án PPP, BOT nhóm 3 từ năm 2022 đến 2025, cơ bản hoàn thành trong năm 2025.
Các quy trình giải ngân theo tiến độ, giải quyết được xác định đảm bảo. Sau khi Quốc hội thông qua lập ban chỉ đạo liên vùng, có sự tham gia của các Bộ ngành. Thậm chí Vùng thủ đô Hà Nội có Nghị định số 91/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng thủ đô để thi hành các quy định của pháp luật về thủ đô.
Đây là điều kiện thuận lợi hình thành mô hình tổ chức; trên cơ sở đó, lập các tổ công tác 3 dự án thành phần đan xen, cùng với toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung vào khâu đầu tiên, khó nhất là giải phóng mặt bằng 3 địa phương, qua đó bảo đảm tiến độ khả thi và giải ngân phù hợp.
Đầu tư công kết hợp với PPP
Đối với phương án đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, đầu tư theo hình thức đầu tư công kết hợp với PPP và giải pháp nào để thu hút nguồn vốn xã hội đầu tư vào dự án này?, ông Tuấn khẳnh định: "Đây là mô hình linh hoạt, có khả năng tương hỗ giữa ngân sách trung ương và xã hội hoá".
Theo chủ trương của Đảng, các cơ chế chính sách của Chính phủ, chúng ta xác định lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, với 3 nhóm dự án thành phần độc lập tương hỗ là quan trọng. Theo đó, nhóm dự án thành phần 1, công tác giải phóng mặt bằng cho các địa phương là then chốt quyết định. Trên cơ sở đó, nhóm dự án thành phần 3 theo phương án PPP, BOT được nhà nước, trung ương, địa phương xử lý trước một bước thuộc trách nhiệm ngân sách giải phóng mặt bằng.
"Nhà đầu tư cơ bản tập trung đầu tư xây dựng và khai thác vận hành theo quy trình, quy định. Đây là động lực thúc đẩy BOT, PPP. Dự án thành phần 3 đặt trong dự án tổng thể chứ không phải độc lập tuyệt đối, được sự hỗ trợ từ các dự án nhóm 1, 2", ông Tuấn cho biết.
Chi tiết tuyến đường Vành đai 4. Ảnh: Việt Anh
Cũng theo ông Tuấn, việc linh hoạt ngân sách trung ương và địa phương, thậm chí linh hoạt các địa phương, Hà Nội là hạt nhân, nhận trách nhiệm giải phóng mặt bằng trên địa bàn mình, thậm chí ưu tiên ngân sách trung ương giải phóng mặt bằng cho các tỉnh khác như Hưng Yên.
Đặc biệt, TP.Hà Nội là cơ quan thẩm quyết dự án BOT, PPP, dự án đường cao tốc trung tâm 65% trên cao, 35% dưới thấp gần như TP.Hà Nội "quán xuyến", xác định trên 20.000 tỷ đồng trong tổng số 28.000 tỷ đồng.
Vì vậy, cần linh hoạt cả trung ương và địa phương, đây là động lực giúp dự án BOT, PPP hình thành.
Ông Tuấn cho rằng, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có điều khoản chia sẻ rủi ro tăng giảm doanh thu theo luật này. Trên cơ sở đó, nhà nước đồng hành cùng nhà đầu tư BOT, PPP về khai thác dự án trong tương lai, để chia sẻ các rủi ro, nhận giá trị.
Đây là sự thúc đẩy tốt, để nhà đầu tư PPP yên tâm. Thêm nữa, Vành đai 4 vùng thủ đô tạo lập khả năng thu hồi vốn khả thi. Theo tính toán của các Bộ ngành, các tổ công tác của Chính phủ, dự án thu hồi trong 21 năm, khả thi thu phí công nghệ mới, không dừng, thu phí kín… Chúng ta đang trong quá trình hoàn chỉnh nhưng đã nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn.
Quan điểm của Hà Nội là thông qua việc xác định nhà đầu tư PPP, tranh thủ tìm nhà đầu tư mang tính chiến lược, để thành phố phát triển các khu vực đô thị nông thôn.
Sau khi chủ trương đầu tư được Quốc hội thông qua, việc lựa chọn nhà đầu tư PPP là đấu thầu. Qua cách này, chọn nhà đầu tư mang tầm chiến lược, phát triển đô thị liên quan, thu hút đầu tư xã hội cho dự án theo nhiệm vụ Chính phủ giao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận