Vai trò của tư nhân trong xanh hoá nền kinh tế
Môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư tư nhân trong xanh hóa nền kinh tế vốn đòi hỏi nhiều vốn, công nghệ và thời gian...
Tăng trưởng xanh và những kết quả đạt được
Thời gian qua, số lượng doanh nghiệp ngoài Nhà nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và môi trường tăng mạnh, đặc biệt là đầu tư vào sản xuất năng lượng tái tạo, nước sạch, dịch vụ thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn. Tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực năng lượng và môi trường cũng có xu hướng tăng, đặc biệt là lĩnh vực điện mặt trời và điện gió.
Các doanh nghiệp FDI có sự chuyển hướng rõ nét, chú trọng các lĩnh vực của kinh tế xanh như: Năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, công nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao…. Sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế xanh, sản xuất xanh ít nhiều tạo được những tác động lan tỏa tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam.
Đến năm 2023, khu vực doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD trong các lĩnh vực liên quan đến tăng trưởng xanh, phát triển xanh như năng lượng tái tạo, các trang thiết bị phục vụ cho kinh tế xanh.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc bảo hộ các công nghệ xanh. Trong tổng số đơn đăng ký sáng chế công nghệ xanh giai đoạn 2000-2018, Nhật Bản chiếm 23%, Hoa Kỳ 15%, Việt Nam 13%, Đức 8,7% và Hàn Quốc 5,3% số chủ đơn. Doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo xanh dù chưa nhiều nhưng đã xuất hiện tại nhiều lĩnh vực, như nông nghiệp, ngành hàng tiêu dùng, chăn nuôi, xử lý chất thải, lĩnh vực năng lượng, logistics…
Tiềm năng, thách thức và các giải pháp đồng bộ
Theo nghiên cứu của HSBC, Việt Nam được xếp hạng là điểm đến đầu tư tốt nhất cho năng lượng tái tạo ở ASEAN nhờ một số yếu tố như nguồn tài nguyên sẵn có (năng lượng mặt trời/năng lượng gió), nhu cầu về điện tăng và mục tiêu đầy tham vọng của chính phủ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn liên quan đến vốn, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, hành lang pháp lý và các chính sách hiện hành liên quan đến thúc đẩy tăng trưởng xanh cần hoàn thiện thêm, ví dụ các chính sách liên quan đến thị trường giao dịch carbon trong nước, chính sách liên quan đến phát triển kinh tế tuần hoàn, mua sắm công xanh, các chính sách thuế nhằm hạn chế sản xuất, tiêu dùng sản phẩm gây nguy hại đối với môi trường chưa phù hợp với thực tiễn.
Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa - với quy mô và nguồn lực còn hạn chế, khả năng tiếp cận vốn vay còn khó khăn trong khi đầu tư vào các nhà máy điện gió, điện mặt trời và hệ thống thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn đòi hỏi nguồn vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn, các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh mới có thể tham gia thị trường.
Để thu hút và thúc đẩy đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, nâng cao chất lượng khung pháp lý và năng lực thực hiện hiệu quả trong thực thi chính sách.
Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh đóng vai trò quan trọng trong các quyết định đầu tư tư nhân nói chung và đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh nói riêng. Một môi trường kinh doanh với sự minh bạch và thuận lợi cho các nhà đầu tư sẽ tạo niềm tin và sự sẵn sàng của các nhà đầu tư tư nhân cho các dự án xanh vốn đòi hỏi nhiều vốn, công nghệ và thời gian tạo ra lợi nhuận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận