Vạ lây vì “làn sóng” hủy thẻ tín dụng sau vụ nợ 8,5 triệu thành 8,8 tỷ đồng tại Eximbank
Một "làn sóng" hủy thẻ, "quay lưng" với thẻ tín dụng đang diễn ra bởi nỗi lo "bỗng một ngày trở thành con nợ", không chỉ riêng tại Eximbank.
Vụ việc một khách hàng của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng, sau 11 năm thành 8,8 tỷ đồng đã khiến không ít người hoang mang. Một "làn sóng" hủy thẻ, "quay lưng" với thẻ tín dụng đang diễn ra bởi nỗi lo "bỗng một ngày trở thành con nợ", không chỉ riêng tại Eximbank.
Bỗng trở thành con nợ
Ngay sau thông tin về vị khách hàng nợ 8,5 triệu đồng "đẻ" thành 8,8 tỷ đồng, nhiều chủ thẻ Eximbank không khỏi giật mình, vội tìm cách liên hệ với ngân hàng để kiểm tra tình trạng thẻ, số dư tài khoản, dư nợ tín dụng..., đồng thời yêu cầu ngừng giao dịch, đóng thẻ, hủy thẻ để tránh phát sinh tình trạng tương tự. Và cũng đã có nhiều chủ thẻ ngỡ ngàng khi bỗng dưng trở thành con nợ.
Đã không dùng đến tài khoản Eximbank từ năm 2020, anh LXT (Hà Nội) bất ngờ khi nhận được thông tin đang nợ ngân hàng hơn 1 triệu đồng do trừ phí tin nhắn báo biến động số dư SMS Banking và phí quản lý tài khoản.
Tương tự, anh TSN (Tp. Hồ Chí Minh) sau 3 năm không sử dụng tài khoản khi ra phòng giao dịch báo hủy thẻ cũng được yêu cầu nộp đến hơn 900 nghìn đồng tiền phí duy trì tài khoản và phí SMS Banking.
Mở tài khoản Eximbank để nhận trả lương qua thẻ theo chính sách của công ty cũ, chị TTU (Tp. Hồ Chí Minh) cũng bỗng trở thành con nợ sau khi liên hệ tổng đài ngân hàng. Theo đó, chị TTU được thông báo có đến 2 tài khoản thanh toán và mỗi tài khoản nợ hơn 700 nghìn đồng dù đã 14 năm không sử dụng đến.
Đây chưa phải là tất cả các khách hàng đã liên hệ Eximbank trong những ngày qua để kiểm tra tài khoản và yêu cầu đóng thẻ, nhưng điểm chung của họ là đều không nhận được bất kỳ một tin nhắn thông báo trừ tiền nào của ngân hàng cho các loại phí trên dù ngân hàng vẫn đều đặn thu phí tin nhắn báo biến động số dư hàng tháng.
"Tuy số tiền nợ không quá lớn nhưng bỗng dưng trở thành con nợ là điều không hề dễ chịu. Từ tài khoản dương trừ đến khi âm tiền nhưng không một tin nhắn thông báo dù vẫn thu phí SMS Banking hàng tháng là điều chúng tôi không thể hiểu được. Nhiều ngân hàng áp dụng chính sách khóa tài khoản sau một thời gian cụ thể khoảng từ 6-12 tháng nếu không phát sinh giao dịch và có thông báo bằng tin nhắn, email hoặc cuộc gọi từ tổng đài cho khách hàng", anh TSN chia sẻ.
Còn theo chị TTU, nhiều người nhận lương qua tài khoản nhưng khi thay đổi nơi làm việc hoặc công ty đổi sang ngân hàng khác để trả lương thì thường tài khoản cũ sẽ bị quên đi và chẳng có mấy người chủ động liên hệ với ngân hàng để cắt tài khoản.
Ngay sau những ồn ào này, thông tin mới nhất từ Eximbank cho biết: Để tránh phát sinh các trường hợp tương tự, đối với những tài khoản thanh toán của khách hàng lâu không sử dụng, không phát sinh giao dịch và có số dư về 0 đồng, Eximbank sẽ không ghi nợ phí SMS Banking, phí quản lý tài khoản. Đồng thời, với những khách hàng muốn đóng tài khoản, cũng không phải thanh toán các khoản phí đã được ghi nợ trong thời gian qua mà sẽ được chi nhánh, phòng giao dịch chủ động xem xét xử lý, miễn phí.
"Trong thời gian tới ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các chương trình truyền thông minh bạch, đầy đủ, rõ ràng về quyền và trách nhiệm của chủ thẻ cũng như các khách hàng sử dụng dịch vụ của ngân hàng", đại diện Eximbank chia sẻ.
Lan rộng "làn sóng" hủy thẻ
Câu chuyện về thẻ tín dụng không chỉ dừng ở Eximbank, nhiều chủ thẻ ngân hàng khác cũng đã liên hệ đóng thẻ để tránh phát sinh nợ tương tự. Thậm chí nhiều người cũng bày tỏ sẽ cẩn trọng hơn trong việc mở thẻ nói chung, nhất là thẻ tín dụng.
Anh Ngọc Toàn, Hà Nội cho biết đã nhiều lần được nhân viên ngân hàng gọi điện mời mở thẻ tín dụng, lúc thì hạn mức 70 triệu đồng, lúc lại chỉ 30 triệu đồng.
"Họ gọi nhiều tôi cũng ngại nên vừa tháng trước tôi đồng ý mở thẻ hạn mức thấp. Cứ nghĩ mở đấy không dùng thì thôi. Nhưng sau vụ việc trên, chắc có lẽ tôi sẽ báo đóng thẻ luôn vì thật sự cũng không cần dùng tới", anh Toàn nói.
Khác với anh Toàn, anh Trần Quang, Hà Nội, đang sở hữu thẻ tín dụng của nhiều ngân hàng và một số thẻ trong số này đã lâu không dùng tới. "Trước đây, chuyển khoản giữa các ngân hàng còn chưa thuận lợi và phí dịch vụ cao nên tôi mở tài khoản tại các ngân hàng khác nhau để tiện cho khách hàng thanh toán. Thẻ tín dụng thì nhiều bên chào mời miễn phí mở thẻ và có các ưu đãi hoàn tiền cho chi tiêu nên tôi cũng mở thẻ để dùng. Thậm chí có nơi khi vay vốn kinh doanh, nhân viên ngân hàng cũng nhờ mở thẻ tín dụng cho họ đủ doanh số. Nên đến giờ thẻ tín dụng và tài khoản của tôi có tới gần chục ngân hàng khác nhau, mà không phải lúc nào cũng dùng tới", anh Quang chia sẻ.
Cũng theo vị khách hàng này, anh đã liên hệ tới nhiều ngân hàng để đóng tài khoản và thẻ. Có ngân hàng cũng trừ phí đến âm tài khoản tương tự như Eximbank và tổng số tiền phí đóng thẻ và truy thu nợ phí anh Quang phải trả để đóng 7 tài khoản ngân hàng là khoảng vài triệu đồng.
Theo giới chuyên gia, sau sự việc xảy ra tại Eximbank, nhiều ngân hàng khác sẽ bị "vạ lây" bởi niềm tin của người tiêu dùng vào thẻ tín dụng bị lung lay. Việc phát triển thẻ mới trong thời gian tới cũng không dễ dàng khi khách hàng đã có sự đề phòng, cẩn trọng hơn khi chọn sử dụng dịch vụ, sản phẩm ngân hàng và quan trọng hơn cả là khách hàng đã lưu tâm rằng chỉ mở thẻ khi có nhu cầu sử dụng thật sự.
Tiêu thẻ tín dụng có đáng ngại?
Thẻ tín dụng là một loại thẻ thanh toán cho phép chủ thẻ chi tiêu trước và trả tiền sau. Mỗi thẻ tín dụng có một hạn mức tín dụng nhất định, là số tiền tối đa mà chủ thẻ có thể sử dụng. Hạn mức này dựa trên nhiều yếu tố như thu nhập, lịch sử tín dụng và tài sản của chủ thẻ.
Các ngân hàng đang áp dụng chính sách miễn lãi trung bình từ 45 - 55 ngày đối với các chi tiêu từ thẻ tín dụng. Sau thời hạn miễn lãi, chủ thẻ có thể thanh toán dư nợ tối thiểu hoặc thanh toán toàn bộ dư nợ theo thông báo sao kê thẻ hàng tháng.
Theo bà Nguyễn Hồng Thanh, Trưởng Tiểu ban Chính sách Chi hội thẻ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: "Cả nước hiện có hơn 140 triệu thẻ thanh toán, trong đó có 10,2 triệu thẻ tín dụng. Giá trị giao dịch qua thẻ tín dụng năm 2023 đạt trên 1 triệu tỷ đồng. Thẻ tín dụng không chỉ phục vụ khách hàng có thu nhập cao mà cả khách hàng trung lưu, khách hàng đại trà".
Những tiện ích mà thẻ tín dụng đem lại là rõ ràng như tiêu trước trả sau, miễn lãi từ 45-55 ngày, hoàn tiền sau các chi tiêu, thanh toán, cộng dặm bay với các thẻ liên kết hãng hàng không... Nhưng bên cạnh đó cũng có rủi ro.
Bà Thanh lưu ý những rủi ro của thẻ tín dụng như chậm thanh toán, ảnh hưởng điểm tín nhiệm khi xin cấp khoản tín dụng mới như vay mua nhà, mua ô tô; rủi ro mất thông tin thẻ, phát sinh giao dịch giả mạo nếu không bảo quản thẻ cẩn thận, đưa thẻ cho người khác sử dụng; rủi ro chi tiêu vượt quá nhu cầu và khả năng tài chính của bản thân.
Do đó, khách hàng cần nghiên cứu kỹ quy định sử dụng, quy định về tính lãi, phí, trách nhiệm liên quan nêu trong hợp đồng sử dụng thẻ; tìm hiểu kỹ biểu phí, cách tính lãi cho thẻ, sao kê giao dịch hàng tháng, cũng như ngày đến hạn thanh toán để tránh nợ quá hạn.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế khẳng định "Lãi suất cho vay nói chung và lãi suất cho vay thẻ tín dụng nói riêng luôn được công bố. Đặc biệt, đến kỳ hạn trả nợ, khách hàng phải trả đúng hạn bởi nếu quá hạn lãi suất phạt với thẻ tín dụng là tương đối cao. Không riêng tại Việt Nam mà ngân hàng các nước cũng tương tự như vậy".
Liên quan đến vụ việc khách hàng có tên P.H.A (địa chỉ tại phường Cẩm Tây, thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh) mở thẻ tín dụng Eximbank phát sinh dư nợ 8,5 triệu đồng sau 11 năm thành 8,8 tỷ đồng, ngày 21/3, ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ, Phó Tổng giám đốc Eximbank cho biết, Eximbank cùng khách hàng thống nhất xử lý vụ việc, đảm bảo mức lãi phí hợp lý hợp tình cho hai bên và sẽ thông báo tới truyền thông trong thời gian sớm nhất. Không có chuyện ngân hàng thu 8,8 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận