Ứng xử với doanh nghiệp cạn tiền, TS. Lê Xuân Nghĩa: “Chúng tôi đang lập đề án khẩn trương”
Tại hội thảo của VNDirect diễn ra chiều 15/11 ở TP.HCM, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ nêu quan điểm, thị trường tài sản buộc phải giải cứu.
Ông Nghĩa cho biết: “Một đề án đang được chúng tôi làm khẩn trương, từng ngày, trực tiếp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Mục tiêu là để thị trường đỡ căng thẳng sau đó xử lý dần”.
Ông Nghĩa dùng từ “khô máu” để mô tả tình trạng hiện nay của nhiều doanh nghiệp. Ông phân tích nguyên nhân của tình trạng này là tiền không có trong lưu thông. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước bán ra 26,5 tỷ USD, đồng nghĩa hút 600.000 tỷ đồng về. Ngoài ra, 900.000 tỷ đồng tiền đầu tư công, phát hành qua trái phiếu chính phủ, các ngân hàng mua hết, cũng là hút tiền về. Hiện cả 2 món này đóng băng.
“Khối lượng tiền bơm ra từ đầu năm ra không nhiều, nếu bơm ra nhiều thì Ngân hàng Nhà nước đã không tăng lãi suất dồn dập như thế”, ông Nghĩa phân tích và cho biết thêm: “Chúng tôi đề nghị sử dụng 300.000 tỷ đồng gửi tại 4 ngân hàng quốc doanh, cho phép ngân hàng cho vay ra, ngắn hạn 1 năm. Sau này khi ngân sách cần, 4 ngân hàng này không khó huy động trả lại. Sử dụng 500.000 tỷ đồng thành lập Quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp, tương tự Hàn Quốc và Trung Quốc đang làm".
Theo ông Nghĩa, quỹ này được sử dụng để hỗ trợ tất cả doanh nghiệp nào còn có khả năng đứng vững, đồng thời có tài sản đưa vào bảo lãnh, đang phát hành hoặc đã phát hành, sắp tới sẽ phát hành. Các trái phiếu đáo hạn không có khả năng xử lý, quỹ này mua lại.
"Chúng tôi kiến nghị rất rõ ràng: mua lại, bảo lãnh hoặc tái bảo lãnh", ông Nghĩa cho biết.
Giải pháp thứ tư là kéo dài Điều 8 của Nghị định 65, để các nhà đầu tư có khả năng vẫn có thể tiếp tục đầu tư bình thường.
Giải pháp thứ 5 là tuyệt đối không hình sự. "Để cho tài sản nằm ở dân sự mới có thể bán, xử lý, khất nợ, không hình sự nên có thể cho phép doanh nghiệp tái cấu trúc lại nợ như ngân hàng thương mại. Họ cần lập đề án, gửi các bên liên quan đưa ra kế hoạch tái cấu trúc lại, từ đó có thể giải quyết dần dần", ông Nghĩa cho biết.
“Tiền được bơm, rủi ro giảm xuống thì lãi suất sẽ đi xuống. Tăng cung tiền, bơm tiền lên M2 thì lãi suất sẽ giảm xuống, nhưng tỷ giá hối đoái có thể lên, đồng VND mất giá thêm, chúng ta phải chấp nhận”, ông Nghĩa nói.
Chuyên gia này phân tích thêm, tỷ giá hối đoái có thể lên kịch 10% hết quý I/2023, nhưng lãi suất phải giảm. Nếu không doanh nghiệp Việt Nam “chết hết”. Lạm phát ở Việt Nam hơn 3%, lãi suất 10%, trong khi lạm phát của các nước phương Tây 10%, lãi suất có 2,5%.
“Doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh với lãi suất cao nhất thế giới ở quốc gia lạm phát thấp nhất thế giới, nên công cụ điều hành vĩ mô có vấn đề. Bởi thế, cần cấp thiết khắc phục tình trạng này bằng các công cụ có sẵn, tiền có sẵn. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để cho thấy rõ chúng ta đang kẹt ở đâu", ông Nghĩa nêu quan điểm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận