Tỷ giá USD tăng chưa từng có, Ngân hàng Nhà nước lập tức ‘hạ nhiệt’
Tỷ giá USD hôm nay (ngày 19/12) ghi nhận tỷ giá trung tâm tăng mạnh, lập kỷ lục mới. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước lập tức can thiệp bằng bán ngoại tệ.
Hôm nay, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm 24.304 đồng/USD, tăng 26 đồng so với hôm trước. Đây là mức tỷ giá trung tâm cao nhất từ trước đến nay.
Áp dụng biên độ 5%, các ngân hàng thương mại được phép giao dịch với tỷ giá trần là 25.519 đồng/USD và tỷ giá sàn là 23.089 đồng/USD.
Trong khi đó, tỷ giá usd-khi-ong-donald-trump-buoc-vao-nha-trang-post1700420.tpo">USD tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước vẫn được duy trì ở mức 23.400 - 25.450 đồng/USD mua vào - bán ra.
Tỷ giá trung tâm tăng cao.
Cùng xu hướng, giá USD trên thị trường tự do cũng được điều chỉnh tăng. Hiện, USD tự do được mua - bán tại các điểm giao dịch trong vùng giá 25.650-25.750 đồng/USD, tăng 30 đồng ở cả chiều mua và bán so với hôm qua.
Trong bối cảnh trên, nhiều ngân hàng thương mại tiết lộ đã mua USD tại Ngân hàng Nhà nước từ ngày 18/12.
Hồi cuối tháng 10, Ngân hàng Nhà nước tăng giá bán USD can thiệp, niêm yết tại Sở Giao dịch ở mức 25.450 VNĐ/USD. Ngân hàng Nhà nước thông báo tới các ngân hàng về việc nối lại hoạt động bán ngoại tệ can thiệp ngoại tệ theo hình thức giao ngay, tại mức 25.450 VNĐ/USD - bằng mức giá Ngân hàng Nhà nước đưa ra hồi tháng 4. Tuy nhiên, từ đó đến ngày 17/12, các ngân hàng chưa mua ngoại tệ từ Ngân hàng Nhà nước.
Với việc mua vào lượng khá lớn ngoại tệ trong ngày 18/12, đây là lần đầu tiên hệ thống ngân hàng cần tới nguồn hỗ trợ ngoại tệ trong hơn 5 tháng qua. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã phải bán ra lượng lớn ngoại tệ để hạ nhiệt tỷ giá trong giai đoạn từ tháng 4 đến đầu tháng 7 với con số ước tính theo Chứng khoán Rồng Việt là khoảng 6,4 tỷ USD.
Bên cạnh việc bán USD, Ngân hàng Nhà nước cũng sử dụng công cụ thị trường mở (OMO) để hút ròng thanh khoản, kiểm soát dòng tiền trong hệ thống ngân hàng. Ngày 18/12, Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu kỳ hạn 14 và 28 ngày với tổng giá trị 6.850 tỷ đồng, lãi suất 4%. Tổng giá trị tín phiếu lưu hành hiện đạt 76.635 tỷ đồng, góp phần làm giảm áp lực thanh khoản trên thị trường.
Mới đây, tại Hội thảo "Vững vàng vượt sóng gió", PGS.TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam - nhận định, tỷ giá trong những năm gần đây phụ thuộc lớn vào chênh lệch lãi suất cũng như thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam. Trong năm nay, Việt Nam đã đạt được thặng dư thương mại tốt, nhưng chênh lệch lãi suất vẫn gây áp lực lớn lên tỷ giá, đặc biệt là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo duy trì lãi suất cao để kiềm chế lạm phát ở mức 3%.
Theo ông Thế Anh, tỷ giá đang đối mặt với nhiều thách thức từ tình hình quốc tế và nội tại. Sự linh hoạt trong chính sách tiền tệ, cùng với dự trữ ngoại hối ổn định, sẽ là công cụ quan trọng giúp Ngân hàng Nhà nước duy trì ổn định thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, cùng việc dự đoán chính xác các yếu tố quốc tế, sẽ quyết định mức độ thành công của Việt Nam trong kiểm soát tỷ giá và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường