Từng được kỳ vọng trở thành “vàng kỹ thuật số”, Bitcoin đang gây thất vọng giữa khủng hoảng Ukraine
“Bitcoin, tài sản được kỳ vọng sẽ là câu trả lời cho tất cả mọi vấn đề, đang âm thầm suy yếu và đuối sức đáng kể so với ‘kỳ phùng địch thủ’ là vàng”...
Trước đây, nhiều nhà đầu tư tiền ảo tin rằng Bitcoin sẽ trở thành một loại “vàng kỹ thuật số”, phát huy vai trò kênh đầu tư an toàn như vàng khi bất ổn chính trị gia tăng và lạm phát cao. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, vừa có bất ổn địa chính trị vừa có lạm phát cao, nhưng giá Bitcoin vẫn không thể bứt phá.
Vào hôm thứ Ba tuần này, giá Bitcoin rớt xuống mức thấp nhất 2 tuần, khi khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hạ lệnh đưa quân vào hai vùng ly khai Donetsk và Luhansk của Ukraine sau khi công nhận độc lập của hai nước cộng hoà tự xưng này.
Những người ủng hộ ý tưởng Bitcoin là “vàng kỹ thuật số” vốn tin rằng đồng tiền ảo lớn nhất thế giới có thể trở thành một kênh lưu trữ giá trị giống như kim loại vàng. Họ cho rằng giá Bitcoin sẽ không “hề hấn” gì, thậm chí có thể tăng mạnh, khi thị trường tài chính biến động và giá những tài sản rủi ro như cổ phiếu sụt giảm. Họ cũng tin Bitcoin là một “vịnh tránh bão” khỏi bất ổn kinh tế và lạm phát – nhân tố làm giảm sức mua của tiền giấy.
Với lạm phát ở Mỹ đang ở mức cao nhất 40 năm, nhiều người có lẽ đã kỳ vọng Bitcoin sẽ “toả sáng” trong thời gian này. Tháng 1 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 7,5%, cao nhất kể từ tháng 2/1982.
Nhưng trái lại, giá Bitcoin hiện đã giảm khoảng một nửa so với mức giá kỷ lục gần 69.000 USD thiết lập vào tháng 11 năm ngoái. Điều này khiến nhiều nhà phân tích đặt ra câu hỏi liệu có phải là sai lầm khi gán cho Bitcoin địa vị “vàng kỹ thuật số”.
“Bitcoin vẫn còn ở giai đoạn đầu của quá trình trưởng thành để có thể khẳng định vững chắc vị thế ‘vàng kỹ thuật số’”, Phó chủ tịch Vijay Ayyar của sàn tiền ảo Luno phát biểu.
Đợt giảm giá mới nhất của Bitcoin diễn ra đồng thời với sự sụt giảm của thị trường tài chính toàn cầu. Chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ đã rơi vào trạng thái thị trường điều chỉnh (correction market) vào hôm thứ Ba tuần này và tiếp tục giảm trong phiên ngày thứ Tư. Giá Bitcoin ngày càng có diễn biến sát với thị trường chứng khoán, khi sự tỷ lệ thuận giữa giá Bitcoin và S&P 500 tăng lên theo thời gian.
Giới chuyên gia nói rằng tiền ảo đã có mối quan hệ chặt chẽ hơn với các loại tài sản có tính đầu cơ cao khác trên thị trường, như cổ phiếu công nghệ. Gần đây, cổ phiếu công nghệ chịu áp lực giảm mạnh vì lo ngại rằng mức định giá khủng của những cổ phiếu này khó trụ vững khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác bắt đầu nâng lãi suất và rút lại những gói kích thích tài khoá khổng lồ.
“Mối liên hệ tỷ lệ thuận giữa tiền ảo và chứng khoán đã tăng lên mức cao trong vòng mấy tháng trở lại đây, theo cả những tin tức vĩ mô liên quan đến lạm phát cũng như tình hình địa chính trị Nga-Ukraine”, nhà giao dịch Chris Dick thuộc B2C2 nói với hãng tin CNBC. “Mối liên hệ này cho thấy Bitcoin đang được xem như một tài sản rủi ro chứ không phải là một tài sản an toàn như được ca ngợi mấy năm trước”.
Trên thực tế, vàng đang cho thấy sự vượt trội so với Bitcoin. Giá vàng giao ngay đạt mức cao nhất 9 tháng vào hôm thứ Ba tuần này khi lên gần 1.914 USD/oz.
“Bitcoin, tài sản được kỳ vọng sẽ là câu trả lời cho tất cả mọi vấn đề, đang âm thầm suy yếu và đuối sức đáng kể so với ‘kỳ phùng địch thủ’ là vàng”, chiến lược gia John Roque thuộc 22V Research nhận định. “Chúng tôi cho rằng giá Bitcoin có thể sụt về 30.000 USD, thậm chí dưới ngưỡng này, trong khi giá vàng có thể lập đỉnh cao mọi thời đại mới”.
Sự sụt giảm của Bitcoin đã khiến nhiều nhà phân tích nói về “mùa đông tiền ảo” (crypto winter) – một thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) kéo dài của tiền ảo. Lần gần đây nhất xuất hiện “mùa đông tiền ảo” là vào cuối 2017 đầu 2018, khi giá Bitcoin giảm tới 80% từ kỷ lục khi đó là gần 20.000 USD.
“Sự chấp nhận tiền ảo gia tăng của các nhà đầu tư đến từ thị trường các tài sản truyền thống là nguyên nhân chính dẫn tới mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa Bitcoin với cổ phiếu”, ông Dick nói. Tuy nhiên, ông nhận định thêm: “Nhưng mối quan hệ này có thể bị phá vỡ bất kỳ lúc nào xét tới việc mỗi thị trường lại có những yếu tố nền tảng khác nhau”.
Để cạnh tranh hiệu quả hơn với vàng với vai trò kênh lữu trữ giá trị, Bitcoin cần có được sự chấp nhận rộng rãi hơn nữa – ông Ayyar nhận định. “Các yếu tố nền tảng của Bitcoin luôn có tác dụng hỗ trợ giá tiền ảo này. Đó là một đồng tiền với nguồn cung giới hạn và không bị chi phối bởi bất kỳ nhà nước nào”.
“Tuy nhiên, Bitcoin cần phải trải qua một quá trình tiền tệ hoá để được nắm giữ bởi một lượng đủ lớn các nhà tham gia thị trường, chẳng hạn các nhà đầu tư cá nhân mua Bitcoin nhiều hơn, các định chế lớn tăng nắm giữ Bitcoin, và có thêm nhiều quốc gia mua Bitcoin như El Salvador”, ông Ayyar phát biểu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận