Từ mức giá cao bất thường của PGBank, nghi ngờ chiêu trò của 'đội lái'
Là ngân hàng đang chờ được tiếp nhận vì nợ xấu cao, nhưng mã cổ phiếu PGB của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) bất ngờ được kéo lên đỉnh 37.000 đồng/cổ phiếu.
Trước hiện tượng bất thường này, nhiều NĐT cho rằng PGB đang bị làm giá, bởi giá của PGB chỉ xếp sau VCB và BID, nhưng qua mặt hàng loạt ông lớn NH đang niêm yết như ACB, STB, VPB, TCB, HDB, MBB, MSB.
Chất lượng tài sản vẫn rất xấu
Tính đến cuối 2022, PGBank vẫn là một NH quy mô nhỏ với tổng tài sản chỉ 49.000 tỷ đồng, trong đó hoạt động cho vay khách hàng chiếm phần lớn (65% tổng tài sản sinh lời). Dư nợ cho vay của PGBank chủ yếu đến từ khách hàng doanh nghiệp (chiếm 56% tổng cho vay cuối 2022).
Hiện tại, PGBank đã mở rộng mạng lưới khách hàng sang nhiều doanh nghiệp khác ngoài Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và các công ty liên quan đến tập đoàn này để đa dạng hóa khách hàng và giảm thiểu rủi ro tập trung. Đối với cho vay cá nhân (44% tổng cho vay), PGBank chủ yếu tập trung vào mảng cho vay mua nhà (63% danh mục).
Kết quả kinh doanh năm 2022 của PGBank có sự cải thiện đáng kể khi ghi nhận lợi nhuận ròng đạt 404 tỷ đồng (tăng 56,2%), chủ yếu nhờ tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) tăng 90 điểm cơ bản và chi phí hoạt động (CIR) giảm đáng kể, giảm còn 49% từ mức 57% trong năm 2021.
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng vẫn khá khiêm tốn, chỉ 4% do mảng cho vay chính là khách hàng doanh nghiệp giảm 7,5%, trong khi cho vay khách hàng cá nhân tăng 30% (tỷ trọng tăng lên mức 46% từ mức 35% trong 2021). Nhờ mở rộng lĩnh vực cho vay khách hàng cá nhân, NIM của PGBank đã có sự cải thiện đáng kể, lên 2,9% từ mức 2% trong năm 2021.
Dù có sự cải thiện về hoạt động kinh doanh, nhưng về chất lượng tài sản PGBank vẫn chưa ghi nhận nhiều sự cải thiện. Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng dư nợ VAMC của PGBank lên đến 951 tỷ đồng, trong đó đã trích lập và thu hồi 350 tỷ đồng, khoản còn lại dự kiến trích lập và thu hồi trong vòng 3 năm, nhưng với tình cảnh khó khăn như hiện nay thì mục tiêu này xem ra rất khó khăn.
Cũng tại thời điểm cuối năm 2022, dư nợ cho nhóm doanh nghiệp bất động sản là 2.000 tỷ đồng, dư nợ xây dựng 3.000 tỷ đồng. Đây là những con số đáng báo động với NH có vốn điều lệ chỉ 3.000 tỷ đồng như PGBank.
Đặc biệt, nếu so với các NH có quy mô tương đương đang niêm yết, thì chất lượng tài sản của PGBank cũng ở mức thấp. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của PGBank vẫn ở mức cao so với các NH niêm yết cùng quy mô (2,6% vào thời điểm cuối 2022), và tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) rất thấp chỉ 38%.
Theo thống kê, NPL của PGBank chỉ thấp hơn NVB, ABB, BVB, nhưng cao hơn SHB, OCB, KLB, EIB, SSB, VAB, LPB, NAB và BAB. Tương tự, LLR của PGBank chỉ nhỉnh hơn VBB và NVB, nhưng thấp hơn tất cả các NH còn lại là BAB, LPB, SSB, NAB, SHB, VAB, KLB, OCB, EIB, BVB và ABB.
Mất “bầu sữa” Petrolimex
Tại thời điểm cuối năm 2022, vốn điều lệ của PGBank đạt 3.000 tỷ đồng, thuộc mức thấp nhất trong số các NH có cùng quy mô. Lý giải cho điều này là từ năm 2012, Petrolimex đã lên kế hoạch về việc thoái vốn tại PGBank để tập trung kinh doanh các mảng cốt lõi. Thương vụ này đã kéo dài đến gần 11 năm mà PGBank vẫn chưa thể tìm thấy đối tác chiến lược thích hợp, dẫn đến việc trì hoãn của NH trong việc thực hiện tăng vốn mở rộng quy mô.
Tuy nhiên, theo phân tích của CTCK VNDirect (VNDS), việc Petrolimex chưa thể thoái vốn PGBank cũng mang lại nhiều thuận lợi cho NH. Thực tế, với vai trò là cổ đông lớn, Petrolimex đã hỗ trợ NH rất nhiều trong hoạt động kinh doanh.
Đơn cử là từ năm 2013 đến nay, PGBank đã tận dụng lợi thế mạng lưới của Petrolimex (gồm hơn 2.600 trạm xăng) để triển khai dịch vụ Flexipay, cho phép khách hàng có thể chuyển tiền tại các cửa hàng xăng dầu. Ngoài ra, PGBank cũng hợp tác với 184 công ty con và đối tác của Petrolimex, từ đó tiếp cận được nguồn khách hàng cá nhân qua dịch vụ thanh toán lương cho cán bộ nhân viên, mang đến nguồn vốn tiền gửi không kỳ hạn cho NH.
Cũng theo VNDS, việc phụ thuộc vào tệp khách hàng Petrolimex khiến thương vụ thoái vốn này làm dấy lên lo ngại về tình hình hoạt động kinh doanh của PGBank trong tương lai. Các khoản tiền gửi, khoản vay, bảo lãnh phát hành hay dịch vụ thanh toán tại các trạm xăng sẽ bị tác động trực tiếp từ thương vụ này.
Nhận thức được điều này, từ đầu năm 2022, PGBank cũng chính thức dừng triển khai dịch vụ chuyển tiền nhanh Flexipay tại các điểm giao dịch là các cửa hàng xăng dầu, văn phòng trực thuộc Petrolimex. Song song đó, PGBank đã chủ động thực hiện chuyển dịch mạng lưới khách hàng sang các doanh nghiệp khác ngoài PLX.
Nhờ vậy, tại thời điểm cuối năm 2022, tỷ trọng dư nợ thực tế của các công ty Petrolimex trên tổng dư nợ của PGBank chỉ còn chiếm 2,37%. Tuy nhiên, tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn đến từ Petrolimex và nhóm các công ty liên quan vẫn chiếm đến 23% tổng tiền gửi không kỳ hạn của NH tại cuối năm 2022.
PGB đang bị làm giá?
Từ những số liệu phân tích kể trên, có thể thấy PGBank chịu áp lực rất lớn từ thương vụ thoái vốn của Petrolimex. Thực tế, HĐQT của PGBank cũng đã tính đến khó khăn này khi lên kế hoạch kinh doanh năm 2023 khá thận trọng với mức tăng trưởng lợi nhuận khá khiêm tốn so với doanh thu. Cụ thể, kế hoạch cho vay đạt 35.881 tỷ đồng (tăng 23,5%), tổng thu nhập hoạt động đạt 1.785 tỷ đồng (tăng 18%), nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 530 tỷ đồng (tăng 4,7%).
Ngày 7-4, Petrolimex đã thực hiện thoái vốn toàn bộ 120 triệu cổ phần (tương ứng với 40% sở hữu) theo hình thức đấu giá công khai, với mức giá khởi điểm 21.300 đồng/cổ phần, tương ứng với P/B đạt khoảng 1,2x cho năm 2022. Kết quả đấu thầu vừa qua có 4 NĐT trúng giá, trong đó 3 NĐT tổ chức và 1 NĐT cá nhân. Giá trúng cao nhất là 21.500 đồng/cổ phần, chỉ cao hơn 200 đồng so với giá khởi điểm 21.300 đồng/cổ phần. Giá trúng bình quân là 21.400 đồng/cổ phần, tương ứng tổng giá trị cổ phần bán được là 2.568 tỷ đồng.
Thế nhưng, sau phiên đấu giá của Petrolimex, mã PGB liên tục được kéo tăng trong sự ngỡ ngàng của giới đầu tư, thậm chí nhiều NĐT nghi ngờ mã CP này đang bị “thổi” giá để trục lợi. Đến phiên giao dịch ngày 12-4, PGB tăng chạm mốc 37.000 đồng/CP.
Với mức giá trên, PGB chỉ xếp sau VCB (Vietcombank) và BID (BIDV), nhưng “qua mặt” hàng loạt ông lớn NH đang niêm yết như: ACB, STB, VPB, TCB, TPB, HDB, MBB, MSB. PGB dù sau đó giảm về mốc 33.000 đồng/CP, nhưng đối với giới đầu tư, đây vẫn là điều hết sức phi lý.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận