TTCK Việt Nam khó hút vốn ngoại trong năm 2022
Việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ khiến nhà đầu tư nước ngoài hạn chế rót tiền vào những thị trường mới nổi, thị trường cận biên như Việt Nam, theo chuyên gia Đào Phúc Tường.
Quan điểm trên được ông Đào Phúc Tường, CFA – Chuyên gia tài chính, chia sẻ tại buổi tọa đàm thường niên FiinGroup Invest Summit với chủ đề “Triển vọng đầu tư năm 2022” diễn ra chiều 25/2.
Ông Đào Phúc Tường, CFA – Chuyên gia tài chính (Ảnh chụp màn hình)
Cụ thể, vị chuyên gia này cho rằng việc Fed tăng lãi suất sẽ khiến các quỹ, các nhà đầu tư nước ngoài cần phải cơ cấu lại danh mục đầu tư. Phần bù rủi ro đối với những thị trường mới nổi, thị trường cận biên như Việt Nam yêu cầu phải cao hơn, do đó dòng tiền chảy vào những thị trường này sẽ bị hạn chế.
Trong những năm gần đây, dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài chảy vào thị trường Việt Nam đa phần đến từ Châu Á, đặc biệt là từ Đài Loan và Hàn Quốc. Theo ông Tường, bản thân những dòng tiền này không có tính bền vững như dòng tiền từ Bắc Mỹ và Châu Âu.
“Khi có những thay đổi về chính sách tiền tệ, dòng tiền từ Châu Á sẽ rút ra rất nhanh. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chưa có “câu chuyện” mới để thu hút dòng tiền quay trở lại”, ông Tường nói.
Diễn biến tương tự, dòng tiền trong nước cũng chưa tăng mạnh dù các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán và một số tổ chức đều nhận định tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam đạt trên 20%, chỉ số VN-Index có thể lên vùng 1.600 – 1.800 điểm.
Theo ông Đào Phúc Tường, việc các dự báo chưa phản ánh ngay vào giá chứng khoán không chỉ xảy ra tại thị trường Việt Nam mà kể cả các thị trường nước ngoài, bởi nó phát sinh từ câu chuyện niềm tin.
Câu chuyện này càng có giá trị hơn ở những thị trường nhỏ như Việt Nam khi có đến 90% lượng giao dịch trên thị trường đến từ các nhà đầu tư cá nhân. Đây là nhóm nhà đầu tư bị hạn chế về năng lực phân tích, đa số tham khảo báo cáo phân tích của bên thứ ba.
“Các tổ chức, đặc biệt là các quỹ đầu tư có động lực, có lý do để luôn luôn lạc quan vào một thị trường. Không có quỹ đầu tư nào nhận định rằng thị trường xấu, bởi vì khi đó sẽ xảy ra xung đột lợi ích với bản thân lợi ích của các nhà đầu tư rót tiền vào quỹ”, ông Tường cho biết.
Vị chuyên gia này cho rằng, bản thân các nhà đầu tư cá nhân cũng nhận thức được một phần các xung đột lợi ích đó, vì vậy họ chưa tin vào những dự đoán của các tổ chức thứ ba.
Bên cạnh đó, tất cả những dự báo của các tổ chức đều dựa trên những nền tảng giả định nhất định. Khi có yếu tố mới phát sinh thì các nhà đầu tư cần cẩn trọng, bởi bản thân các tổ chức cũng đang điều chỉnh những giả định đó nhưng chưa chắc đã thông tin ra thị trường, báo chí.
Định giá thị trường không còn rẻ
Bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm phân tích dữ liệu, Khối dịch vụ Thông tin Tài chính FiinGroup (Ảnh chụp màn hình) |
Hiện tại, mức định giá của VN-Index đang là 17,2 lần, tương đương mức trung bình của thị trường từ giai đoạn năm 2018 đến nay. Nếu chỉ nhìn qua mức định giá này, nhiều nhà đầu tư cho rằng thị trường vẫn rất hấp dẫn.
Tuy nhiên, bà Đỗ Hồng Vân – Trưởng nhóm phân tích dữ liệu, Khối dịch vụ Thông tin Tài chính FiinGroup – cho rằng, thị trường đang bắt đầu năm 2022 với mức định giá không còn thấp so với các năm trước.
Theo vị chuyên gia của FiinGroup, định giá chung của VN-Index đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ khối ngân hàng. Cụ thể, khối ngân hàng chiếm khoảng 1/3 tổng giá trị lợi nhuận cũng như giá trị vốn hoá toàn thị trường. Do đó, để thấy rõ bức tranh vốn hoá thị trường, nhà đầu tư cần tách riêng khối ngân hàng và khối phi tài chính.
Trong đó, đối với khối phi tài chính sử dụng chỉ số P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) thì định giá đang ở vùng cao so với lịch sử. Còn khối ngân hàng sử dụng chỉ số P/B (hệ số giá trên giá trị sổ sách) thì cũng đang tiệm cận mức 2 lần so với độ lệch chuẩn trung bình 10 năm.
Với nền định giá cao, bà Vân lưu ý rằng, để giá cổ phiếu tiếp tục tăng thì lợi nhuận doanh nghiệp cũng cần phải tăng tương ứng, thậm chí là cao hơn cả P/E. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần đánh giá mức tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp có bền vững hay không, tránh tình trạng giá cổ phiếu không duy trì được đà tăng trưởng như một số cổ phiếu ngân hàng, thép trong giai đoạn nửa cuối năm 2021.
Bà Đỗ Hồng Vân cho rằng, thị trường chứng khoán vẫn là kênh đầu tư khá hấp dẫn trong năm 2022, với những yếu tố tích cực như: dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp đạt khoảng 20% so với nền so sánh cao năm 2021; nhiều công ty chứng khoán đang đẩy mạnh tăng vốn nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch ký quỹ của nhà đầu tư; khả năng đưa vào vận hành hệ thống giao dịch mới của HOSE.
Bên cạnh đó, Trưởng nhóm phân tích dữ liệu của FiinGroup cho biết một số công ty chứng khoán lớn ở Việt Nam đang xây dựng kế hoạch kinh doanh dựa trên dự báo thanh khoản thị trường đạt 30.000 tỉ đồng trong năm 2022, tăng gần 23% so với năm 2021. “Thanh khoản năm nay vẫn tăng, nhưng khó để đạt được mức tăng như năm 2021”, bà Vân nhận định./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận