TS. Vũ Tiến Lộc: Thực thi là khâu yếu nhất trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19
TS Vũ Tiến Lộc cho rằng thực thi là khâu yếu nhất trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Thông tin này được ông Vũ Tiến Lộc đưa ra tại buổi công bố Báo cáo "Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) thực hiện, tổ chức ngày 12/3.
Gần 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết do tác động của Covid-19, 2020 là năm mà mức tăng trưởng GDP của đất nước ở mức thấp nhất, chưa bằng một nửa so với những năm trước. Đây cũng là năm mà số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường đạt mức kỷ lục vượt ngưỡng 100.000 doanh nghiệp.
Kết quả thống kê từ gần 10.200 doanh nghiệp trên toàn quốc cho thấy, năm 2020 là một năm đầy khó khăn khi mà gần 90% doanh nghiệp bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.
Các hệ luỵ của dịch bệnh là làm giảm sút khả năng tiếp cận khách hàng, mất cân bằng về dòng tiền, chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
"Nhiều doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ việc, ngừng hoạt động, thậm chí phá sản và đối tượng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, các doanh nghiệp trẻ chưa đầy 3 năm tuổi", TS. Vũ Tiến Lộc nói rõ.
Chủ tịch VCCI kiến nghị đối với các chính sách đã ban hành, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần chủ động nắm bắt tình hình triển khai, đặc biệt là những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện để điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh kịp thời và có cách thức hỗ trợ phù hợp đối với các doanh nghiệp ở từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn, chú trọng các doanh nghiệp thuộc các ngành bị tổn thương nặng nề bởi dịch Covid-19.
Ông Lộc nhấn mạnh các chính sách hỗ trợ cần quan tâm hơn nữa các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ bởi đây là nhóm doanh nghiệp có khả năng chống chịu kém trước tác động của dịch bệnh.
Khâu thực thi đang yếu nhất
Theo Chủ tịch VCCI, từ thực tiễn thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị bên cạnh các giải pháp đã được Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương ban hành như miễn giảm thuế, giãn thuế, gia hạn nộp thuế, giảm lãi suất, giảm các chi phí của hoạt động kinh doanh, cần phải chú ý đến những giải pháp có tính chất hạn dài hơn.
Chẳng hạn, Chính phủ cần tăng cường đầu tư công, hoàn thiện các công trình hạ tầng, thực hiện các gói kích cầu cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi. Doanh nghiệp cũng cho rằng các chính sách kinh tế vĩ mô trong dài hạn cần quan tâm phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với người tiêu dùng hình thành các chuỗi cung ứng Việt.
Quan trọng hơn, phần lớn doanh nghiệp đề nghị cải thiện hệ thống pháp luật và tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh.
Các doanh nghiệp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật nhằm tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ cho sự phục hồi bền vững của các doanh nghiệp trong quá trình ứng phó với tác động của Covid-10.
Tuy nhiên, TS. Vũ Tiến Lộc thẳng thắn: Thực thi bao giờ cũng là khâu yếu nhất. Đôi khi chủ trương rất tốt nhưng thủ tục, quy trình phức tạp thì chính sách đó cũng không phát huy tác dụng.
Vì vậy, ông đề xuất cần ưu tiên cải thiện năng lực thực thi. Các bộ, ngành và chính quyền địa phương cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ đã ban hành.
Trong đó, cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đẩy đủ về các thủ tục, quy trình thực hiện theo hướng đơn giản, dễ thực hiện đối với các doanh nghiệp.
Nghiên cứu chính sách hỗ trợ tài chính của các nước
TS. Vũ Tiến Lộc đề xuất nghiên cứu áp dụng thêm một số biện pháp mà các quốc gia khác hiện đang áp dụng như hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp duy trì được tỷ lệ người lao động cao; hỗ trợ chi phí đào tạo tay nghề, nâng cao trình độ cho người lao động.
Các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng ban hành các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh cho giai đoạn mới 2021-2025 bởi Covid-19 vẫn tiếp tục có những tác động nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu trong các năm tới vì vậy cần có những chính sách dài hạn hơn.
Đồng thời, cần xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ theo hướng bớt lệ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, giảm tình trạng gia công, tạo thêm giá trị gia tăng và vị thế tốt hơn của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo thêm cơ hội hưởng lợi từ các FTA đòi hỏi hàm lượng xuất xứ nội địa cao.
Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh cần có chính sách tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trụ lại được và có khả năng vượt lên sau dịch vì sẽ giúp doanh nghiệp và nền kinh tế sớm vươn lên, phục hồi tăng trưởng trong bối cảnh mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận