menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Ngọc Mai

Triển vọng nào cho ngành mía đường nửa cuối niên độ 2022 - 2023?

Trong báo cáo mới đây, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định giá đường thế giới hạ nhiệt trong nửa cuối năm trong khi Việt Nam tiếp tục có thể đi ngang hoặc điều chỉnh giảm.

Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2023 với 2 mảng màu sáng – tối đan xen

CTCP Mía đường Sơn La (Mã SLS) đã công bố báo cáo tài chính quý 4 niên độ 2022-23 (từ 1/4/2023 đến 30/06/2023) với doanh thu đạt xấp xỉ 550 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ. Biên lãi gộp tăng từ 31% lên 42%. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 225 tỷ đồng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ. Đây là kỷ lục mới về lợi nhuận mà SLS ghi nhận kể từ khi hoạt động. Số lợi nhuận quý vừa công bố của SLS thậm chí còn lớn hơn lợi nhuận cả năm trước đó (188 tỷ đồng).

Tính chung cả niên độ 2022-2023, doanh thu thuần của Mía đường Sơn La ghi nhận trên 1.676 tỷ đồng và lãi ròng đạt hơn 523 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 93% và 179% so với năm trước. EPS cả năm đạt 53.423 đồng. Mức doanh thu và lợi nhuận đạt được trong NĐTC này đồng thời là kết quả cao nhất mà Mía đường Sơn La đạt được từ trước đến nay của công ty.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra hồi tháng 9/2022, SLS đã thông qua kế hoạch kinh doanh niên độ 2022-23 với chỉ tiêu doanh thu đạt xấp xỉ 1.111 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến chỉ ở mức hơn 75 tỷ đồng. Qua 1 năm kinh doanh, Mía đường Sơn La đã xuất sắc vượt 51% chỉ tiêu về doanh thu và vượt 597% chỉ tiêu lợi nhuận.

Trên thực tế, một trong những lợi thế giúp SLS đạt được kết quả này đến từ việc được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp do hoạt động trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, ngành mía đường cũng đang hưởng lợi nhờ những thông tin tích cực từ giá đường thế giới neo cao cũng như nguồn cung bị co hẹp bởi ảnh hưởng từ El nino.

Tiếp nối đà kết quả tích cực là CTCP Đường Quảng Ngãi (Mã: QNS) với lợi nhuận sau thuế quý 2/2023 tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái lên 712 tỷ đồng (niên độ tài chính của Đường Quãng Ngãi tính từ 1/1/2023 đến 31/12/2023).

Giải trình từ phía công ty cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, một số sản phẩm của công ty vẫn duy trì ổn định và ghi nhận mức tăng trưởng cao như sản phẩm Đường có sản lượng tiêu thụ tăng 133%, doanh thu tăng 151%; điện có sản lượng tiêu thụ tăng 35%, doanh thu tăng 39%. Đồng thời, doanh nghiệp đã tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu theo hướng sản xuất công nghiệp giúp tăng năng suất và chất lượng cây mía; dây chuyền sản xuất đường hoạt động ổn định giúp hạ giá thành sản phẩm. Cùng với các biện pháp phòng vệ thương mại của Nhà nước và việc kiểm soát tốt đường nhập lậu giúp hoạt động kinh doanh đường đạt hiệu quả cao.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của QNS đạt gần 5.148 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt xấp xỉ 1.196 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 33% và 76% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong cơ cấu doanh thu, mảng kinh doanh các sản phẩm đường mang lại nguồn thu chính với gần 2.220 tỷ đồng, đóng góp 43% tổng doanh thu, con số này được cải thiện mạnh trong khi cùng kỳ năm ngoái mảng đường chỉ đem về 22%. Theo sau là mảng sữa đậu nành, sản phẩm này mang lại 1.978 tỷ đồng doanh thu (chiếm 38%); còn lại hơn 18% doanh thu đến từ các hoạt động kinh doanh khác.

Năm 2023, QNS đặt mục tiêu doanh thu 8.400 tỷ và lợi nhuận sau thuế 1.008 tỷ đồng. Kết thúc nửa đầu năm, dù mới hoàn thành được 66% kế hoạch về doanh thu, song công ty đã vượt 19% mục tiêu về lợi nhuận.

Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp báo kết quả lợi nhuận đi lùi do chi phí tài chính tăng cao. Cụ thể, CTCP Thành Thành Công Biên Hòa (TTC AgriS, mã SBT) (niên độ tài chính 2022-2023) cho thấy doanh thu thuần trong quý vừa qua tăng 24% so với cùng kỳ lên 6.800 tỷ đồng. Chi phí tài chính của công ty tăng gấp đôi so với cùng kỳ, chủ yếu là lãi vay (484 tỷ đồng) do mặt bằng lãi suất tăng cao. Kết quả, lợi nhuận sau thuế giảm 66% so với cùng kỳ xuống 77 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6, tổng nợ phải trả của công ty là 19.500 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu kỳ. Trong đó, tổng vay nợ và thuê tài chính của công ty là 11.697 tỷ tăng 5%. Vay ngắn hạn chiếm phần lớn 94% (tương đương 11.037 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu kỳ). Ngược lại, vay nợ dài hạn giảm mạnh 73% xuống 659 tỷ đồng.

Kết thúc niên độ tài chính 2022 - 2023, doanh thu thuần của SBT đạt 24.747 tỷ đồng tăng 35% so với niên độ trước và hoàn thành 145% kế hoạch năm. Chi phí giá vốn và chi phí tài chính tăng cao, lợi nhuận sau thuế đạt 610 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ niên độ.

Tình hình kinh doanh ảm đạm nhất có lẽ là CTCP Mía đường Lam Sơn (Mã: LSS) khi sụt giảm cả ở doanh thu lẫn lợi nhuận sau thuế trong quý 4. Theo đó, doanh thu thuần của công ty giảm 6% xuống 721 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm tới 78% xuống 5,2 tỷ đồng.

Kết thúc niên độ tài chính 2022 - 2023, doanh thu thuần của LSS đạt 1.808 tỷ đồng giảm 11% so với niên độ trước và hoàn thành 83% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 22 tỷ đồng, giảm 1 nửa so với cùng kỳ niên độ và hoàn thành được 44% kế hoạch cả năm.

Khi giá mía đường trong nước tăng cao, hàng tồn kho sẽ là một trong những lợi thế của doanh nghiệp khi chuẩn bị sẵn lượng hàng cung ứng trong thời gian tới.

Đường Quảng Ngãi không chỉ báo lãi lớn, lượng hàng tồn kho cũng đã dự trữ lớn, tăng mạnh. Hết quý 2 vừa qua giá trị hàng tồn kho của công ty tăng gần gấp đôi đầu năm, đạt xấp xỉ 1.800 tỷ đồng. Con số hàng tồn kho tăng mạnh là triển vọng lớn cho kết quả kinh doanh khởi sắc nửa cuối năm. Mía đường Lam Sơn chuẩn bị lượng hàng tồn kho tăng khoảng 100 tỷ đồng so với đầu kỳ.

Trong khi đó nhiều doanh nghiệp cũng công bố giá trị hàng tồn kho giảm so với đầu năm 2023. Thành Thành Công Biên Hòa (SBT) ghi nhận giá trị hàng tồn kho đến 30/6 vừa qua giảm 120 tỷ đồng so với đầu năm, còn hơn 4.500 tỷ đồng. Mía đường Sơn La cũng báo cáo giá trị tồn kho giảm 130 tỷ đồng so với đầu năm.

Triển vọng nào cho ngành mía đường nửa cuối niên độ 2022 - 2023?

Trong giai đoạn nửa đầu năm 2023, có nhiều thông tin cho rằng sản lượng đường suy giảm bởi sẽ chịu tác động hiệu ứng thời tiết xấu El Nino, do vậy, vào hồi tháng 4, giá đường thế giới đạt đỉnh 12 năm ở mức 27,3 US Cent/pound. Tuy nhiên, đến tháng 6, giá đường điều chỉnh xuống 22 US Cent/pound, mức thấp nhất trong vòng 3 tháng do Brazil bước vào vụ thu hoạch.

Tình trạng khô hạn quá mức ở Thái Lan, quốc gia sản xuất đường lớn thứ ba thế giới, dẫn đến việc hạn chế sản xuất đường và hỗ trợ giá đường cao hơn. Lượng mưa tại khu vực này giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Tập đoàn Czarnikow dự đoán sản lượng đường của Thái Lan năm nay có thể giảm lần đầu tiên sau 3 năm và có thể xuống mức thấp thứ hai kể từ niên vụ 2009 - 2010.

Thông tin mới nhất, Chính phủ Ấn Độ dự kiến sẽ ban hành lệnh cấm các nhà máy xuất khẩu đường trong vụ mùa tiếp theo bắt đầu từ tháng 10 tới - đây cũng là lệnh tạm dừng xuất khẩu đường lần đầu tiên trong 7 năm qua tại Ấn Độ, nguyên nhân do thiếu mưa làm giảm năng suất mía.

Sự vắng mặt của đường mía Ấn Độ trên thị trường thế giới có thể gây ra lo ngại về gia tăng lạm phát trên thị trường thực phẩm toàn cầu. Một nguồn tin chính phủ yêu cầu giấu tên cho biết: Trọng tâm chính của Ấn Độ là đáp ứng nhu cầu đường mía tại địa phương và sản xuất ethanol từ lượng mía dư thừa.

Tuy nhiên, một thông tin tích cực hơn, dự báo thời tiết thuận lợi ở Brazil giúp sản lượng đường đang phát triển mạnh ở đất nước này. Unica dự báo sản lượng mía đường dự kiến tăng 4,4% so với niên vụ 2022 - 2023.

Trong niên độ 2022 - 2023, nhiều công ty chứng khoán dự báo rằng ngành đường sẽ có sự phục hồi nhờ các biện pháp chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ đường và các sản phẩm từ đường có xu hướng tăng vào dịp cuối năm, đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp phục hồi trong nửa cuối niên vụ.

Theo dự báo từ Mirae Asset hồi cuối năm 2022, lạm phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt tại nhiều quốc gia được dự báo sẽ đẩy giá hàng hóa trên thế giới tăng cao và giá đường cũng không ngoại lệ.

Giá đường thế giới đã đạt mức cao nhất 5 năm và hiện đang quanh vùng đỉnh 2 năm. Tuy vậy, Mirae Asset vẫn kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng 12% so với cùng kỳ trong niên độ 2022 - 2023. Thêm nữa, việc áp thuế chống bán phá giá với đường Thái Lan sẽ hỗ trợ giá đường tại thị trường trong nước những tháng cuối niên vụ.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia VCBS, lo ngại về nguồn cung hạn chế giảm đáng kể trong bối cảnh vụ thu hoạch mía đường niên vụ 2023 - 2024 tại Brazil có tiến triển tốt. Sản lượng mía dự kiến tăng 4,4% so với niên vụ 2022 - 2023. Dầu giá rẻ từ Nga khiến Ấn Độ tăng sử dụng mía để ép ngọt thay vì dùng để pha trộn nhiên liệu sinh học làm tăng nguồn cung đường trong nước.

Giá đường tại Việt Nam dự kiến vẫn có thể đi ngang hoặc điều chỉnh giảm do sản lượng đường của Thái Lan được dự báo thấp hơn nhiều so với mức sản xuất kỷ lục do giảm diện tích mía nhưng sản lượng xuất khẩu đã tăng gần đây.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

10.50

-0.05 (-0.47%)

Biểu đồ mã LSS

47.00

+0.70 (+1.51%)

Biểu đồ mã QNS
Xem thêm Xem thêm
1 Yêu thích
4 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại