Triển vọng các kênh đầu tư tại Việt Nam?
Chu kỳ kinh tế và pháp lý đang ủng hộ sự tăng trưởng của các tài sản rủi ro (các tài sản có độ biến động cao nhưng khả năng sinh lãi cao) nhưng cũng phải đối mặt với các sự kiện bất ngờ bất lợi từ bên ngoài.
Trước tiên, nền kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn phục hồi vững chắc, mở ra chu kỳ mới về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam kéo dài nhiều năm tới. Tăng trưởng kinh tế trở lại là trợ lực lớn quan trọng cho sự tăng trưởng của kênh cổ phiếu và là bước phục hồi đầu của thị trường bất động sản trước khi trở lại chu kỳ tăng trưởng sau giai đoạn tích lũy. Ngoài sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế thì các thay đổi môi trường pháp lý cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của nhiều kênh tài sản trong chu kỳ mới.
Tuy nhiên, các biến động quốc tế bất lợi có thể tạo ra trì trệ trong quá trình tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong chu kỳ mới. Thứ 1, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại. Tại Mỹ, dù nền kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng nhưng đã có sự suy yếu về tăng trưởng thu nhập khả dụng và thị trường việc làm. Do đó, xác suất rủi ro suy thoái kinh tế hoặc nền kinh tế Mỹ phải trải qua một giai đoạn kinh tế đình trệ đang tăng dần. Với độ mở kinh tế lớn, sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực nếu kinh tế Mỹ đình trệ trong tương lai. Thứ 2, tình hình địa chính trị toàn cầu đang có diễn biến phức tạp và có thể kéo dài trong nhiều năm tới từ các xung đột tại nhiều khu vực, cạnh tranh địa chính trị giữa các nhóm nước lớn. Tình hình địa chính trị phức tạp này tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng và khiến lạm phát tăng cao trở lại trên phạm vị toàn cầu.
Do đó, có thể nói môi trường đầu tư giai đoạn hiện nay có thể mô tả qua cụm từ “expect the unexpected”. Hay nói một cách khác là triển vọng chung của các lớp tài sản đầu tư của Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của giai đoạn tăng trưởng dài hạn nhưng có thể đối mặt với các sự kiện bất lợi bất ngờ từ bên ngoài mang tính chất chợt và khó dự phóng.
Nhiều lớp tài sản đang tạo ra cơ hội tích sản cho nhà đầu tư nhưng sự đa dạng là cần thiết cho chu kỳ 3 năm sắp tới
Với bức tranh tổng thể như trên, tôi dự phóng triển vọng của các lớp tài sản tại Việt Nam sắp tới theo bảng sau:
Theo đó, với tầm nhìn 6 tháng đến một năm tới thì các lớp tài sản được tôi kỳ vọng mang lại hiệu quả tốt bao gồm cổ phiếu, vàng và một phần tương đối tích cực cho tiền gửi. View ngắn này dành cho các nhà đầu tư năng động và theo sát thị trường.
Với tầm nhìn lên đến 3 năm dùng để tích lũy tài sản, tái phân bổ dài hạn, tôi cho rằng Cổ phiếu và Bất động sản sẽ tiếp tục chứng minh là kênh sinh lãi hiệu quả nhất như đã từng chứng minh trong các chu kỳ kinh tế gần đây của Việt Nam. Tuy nhiên, một danh mục đa dạng là cần thiết với sự phân bổ tỷ trọng nhỏ hơn vào tiền gửi và vàng để dự phòng các biến động bất lợi từ bên ngoài.
Thị trường chứng khoán đứng trước cơ hội thập kỷ
Lớp tài sản chứng khoán Việt Nam được đánh giá sẽ là một trong những lớp tài sản đem lại hiệu quả cao trong tầm nhìn 1 năm đến 3 năm tới với sự ủng hộ bởi:
Chu kỳ bất động sản mới khởi đầu với chu kỳ pháp lý mới
Luật Đất đai mới được đưa vào áp dụng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục mạnh mẽ và nền lãi suất thấp tạo điều kiện cho thị trường bất động sản dần hồi phục và tích lũy nguồn lực cho 1 chu kỳ mới.
Với việc thị trường bất động sản là thị trường tài sản lớn, thanh khoản thấp thì sự hồi phục và tăng trưởng sẽ mất nhiều thời gian hơn thị trường cổ phiếu. Sự phục hồi và tăng trưởng sẽ diễn ra ở các khu vực trung tâm có nhu cầu ở thực và lan tỏa ra vùng ven, trong những giai đoạn đầu phục hồi của thị trường thì các “con sóng” trong một số phân khúc, khu vực hẹp có thể diễn ra nhưng sẽ ngắn hạn và không lan tỏa rộng.
Do đó, theo tôi, thị trường bất động sản khó có khả năng sinh lãi vượt trội với tầm nhìn ngắn dưới 1 năm (trừ đầu cơ ngắn hạn rủi ro cao) nhưng là một lớp tài sản cần quan tâm đầu tư cho 1 chu kỳ mới với mức sinh lãi hiệu quả.
Vàng – tỉnh giấc sau thập kỷ ngủ yên
Sau hơn 1 thập kỷ ngủ yên trong môi trường kinh tế tăng trưởng ổn định, lạm phát thấp, tình hình địa chính trị tương đối trầm lắng thì vàng đã thức giấc kể từ khi dịch bệnh Covid càn quét toàn cầu, lạm phát tăng cao, xung đột địa chính trị gia tăng. Trong lịch sử hơn 50 năm kể từ sau khi hệ thống Bretton Woods chấm dứt năm 1971 thì vàng đã chứng minh được hiệu quả trong việc bảo vệ và tăng trưởng tài sản trong các giai đoạn căng thẳng địa chính trị toàn cầu tăng cao, lạm phát cao hay rủi ro suy thoái/khủng hoảng kinh tế lớn.
Hiện nay, tình hình địa chính trị và cạnh tranh chiến lược toàn cầu đang diễn ra và có thể kéo dài; rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng hay rủi ro tăng trưởng kinh tế trì trệ toàn cầu có thể giúp vàng tiếp tục phát huy vai trò lịch sử của mình (lưu ý: lịch sử không luôn lập lại). Do đó, sự có mặt của vàng với tỷ trọng nhỏ giúp bảo vệ tốt hơn thành quả tích lũy tài sản nhưng các lớp tài sản hiệu quả chính vẫn là cổ phiếu và bất động sản.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận