Tranh chấp gay gắt, Eximbank tiếp tục phải hoãn đại hội cổ đông
Sau hai tiếng diễn ra, 11g30 ngày 21-6, Eximbank buộc tuyên bố phải hoãn đại hội cổ đông do tranh chấp quanh ghế chủ toạ dẫn đến chỉ chưa đầy 40% cổ đông bỏ phiếu đồng ý thông qua Quy chế tiến hành đại hội.
Nóng từ phút đầu do tranh chấp ghế chủ toạ
9g30 Đại hội cổ đông Eximbank mới bắt đầu nhưng sóng gió đã diễn ra ngày từ phút đầu khi cổ đông đứng lên yêu cầu làm rõ cơ sở ban hành các Nghị quyết Hội đồng quản trị trước để đó từ đó xem xét lại tư cách chủ toạ của ông Cao Xuân Ninh – Chủ tịch HĐQT Eximbank tại đại hội.
Cổ đông Trần Hoàng Minh, người sở hữu 70 triệu cổ phiếu Eximbank đề nghị làm rõ việc có khuất tất hay không trong việc ban hành Nghị quyết 231 – là Nghị quyết chấm dứt hiệu lực của Nghị quyết 112 bầu bà Lương Thị Cẩm Tú - thành viên HĐQT - làm chủ tịch HĐQT thay ông Lê Minh Quốc.
"Việc ký Nghị quyết 231 của ông Lê Minh Quốc là hành động coi thường cổ đông và coi thường pháp luật, biểu hiện lợi ích nhóm, cổ đông lớn là SMBC đã không chấp thuận và có văn bản gửi Eximbank. Đề nghị hai thành viên HĐQT ông Đặng Anh Mai và Hoàng Tuấn Khải xem xét giải trình để xem xét lại tư cách chủ toạ của ông Cao Xuân Ninh tại đại hội", ông Trần Hoàng Minh đề nghị.
Đại diện Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - cổ đông lớn của Eximbank phát biểu - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ngay sau đó, ông Đặng Anh Mai đã đứng lên giải trình, theo đó, tại thời điểm ông Lê Minh Quốc ký Nghị quyết 231, cuộc họp HĐQT chưa kết thúc, biên bản cuộc họp chưa thông qua bởi chủ tọa, thư ký và các thành viên tham dự. Trong khi Nghị quyết lại có nội dung "căn cứ biên bản cuộc họp HĐQT", nhưng chủ tọa, thư ký và nhiều thành viên HĐQT không hề biết gì về biên bản này.
Sau đó ngày 18-5, ông Lê Minh Quốc có thư mời các thành viên HĐQT họp lúc 9 giờ ngày 20-5 nhưng không đủ số thành viên tham dự. Sau đó, ông Lê Minh Quốc lại tiếp tục có thư mời họp vào chiều ngày 20-5.
Cuộc họp này đã vi phạm điều lệ Eximbank thông báo và tài liệu họp HĐQT phải được gửi chậm nhất 5 ngày làm việc trước ngày họp. Trên cơ sở cuộc họp không hợp lệ ngày 20-5, hàng loạt Nghị quyết đã được ban hành sau đó. Công ty CP Rồng Ngọc đã yêu cầu HĐQT đình chỉ thực hiện các Nghị quyết nêu trên nhưng HĐQT không thực hiện.
Cổ đông lớn của Eximbank là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), nắm 15% vốn điều lệ Eximbank) cũng đã có công văn gửi các thành viên HĐQT Eximbank nêu quan điểm không xem những quyết định của cuộc họp ngày 20-5 là hợp lệ.
"Để tránh hậu quả xảy ra và để đảm bảo quyền lợi cổ đông, tôi đề nghị không thừa nhận nghị quyết được ban hành kế tiếp vì sẽ nếu không sẽ gây ra hậu quả chưa thể lường trước được", ông Mai đề nghị.
Đề nghị bố trí phòng riêng giải đáp thắc mắc
Ông Nguyễn Chấn, chồng đại gia Tư Hường (đã mất) đề nghị Eximbank phong toả toàn bộ cổ phần của ông Toàn và những người được nhờ đứng tên - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ngay sau đó đại diện SMBC cho hay thời gian qua Eximbank đã nhiều lần nêu ý kiến nhưng chưa bao giờ được giải quyết thấu đáo. Do vậy SMBC đề nghị xem lại vị trí chủ toạ.
Khẳng định giải trình của ông Mai là sự thật nhưng ông Cao Xuân Ninh khẳng định Nghị quyết 231 là hợp lệ. Do vậy tư cách chủ toạ của ông là đúng quy định pháp luật.
Sau phát biểu của ông Ninh, hàng loạt cổ đông vẫn xin ý kiến. Ông Ninh đề xuất bố trí phòng riêng để giải đáp cho những cổ đông thắc mắc nhưng đề xuất này bị phản ứng quyết liệt vì các cổ đông yêu cầu ý kiến phải được nêu chung tại hội nghị.
Đại hội càng nóng hơn khi có sự xuất hiện của ông Nguyễn Chấn, chồng đại gia Tư Hường (đã mất), người sáng lập ra NH Nam Á, Tập đoàn Hoàn Cầu. Ông Chấn thông qua người đại diện phát biểu cho biết là cha của ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch NH Nam Á – là nhóm đang có cổ phần tại Eximbank.
Ông Chấn đề nghị Eximbank phong toả toàn bộ cổ phần do ông Toàn và những người được nhờ đứng tên, ngăn chặn chuyển nhượng, cầm cố số cổ phiếu này, đình chỉ quyền cổ đông của nhóm này. Ông cũng đề nghị đại hội biểu quyết thông qua ba nội dung trên để giúp cổ phiếu của vợ chồng ông không bị dịch chuyển quá nhiều. Ông cũng nêu ra danh sách cá nhân và tổ chức đứng tên số cổ phần trên.
Không khí hỗn loạn khi cổ đông phản đối, la ó vì cho rằng sự việc này làm ảnh hưởng đến đại hội. Sau phần trình bày của đại diện ông Nguyễn Chấn, ông Nguyễn Cảnh Vinh, Quyền Tổng giám đốc Eximbank cho hay liên quan đến phản ánh của ông Chấn, Eximbank sẽ hợp tác với cơ quan chức năng khi cần thiết vì sự việc nào không rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.
Chỉ 39,85% cổ đông thông qua quy chế tiến hành đại hội
Chưa đến 40% cổ đông thông qua quy chế tiến hành đại hội. Ảnh: DUYÊN PHAN
Gay cấn nhất là phần bỏ phiếu đồng ý thông qua Quy chế tiến hành đại hội. Ở lần bỏ phiếu đầu tiên, chỉ có 10,2% cổ đông đồng ý. Trước tỉ lệ bất ngờ này, đại diện Ban kiểm soát cho rằng có sự nhầm lẫn và đề nghị bỏ phiếu lại lần nữa. Ở lần bỏ phiếu thứ hai, tỉ lệ đồng ý chỉ 39,85%, trong khi tỉ lệ không đồng ý lên đến 55,09%. 5,06% còn lại không có ý kiến.
Trước khả năng hoãn đại hội rất cao, đại diện Eximbank đã yêu cầu cổ đông chỉ ra điểm nào không đồng ý để cùng tháo gỡ vì nếu không sẽ lại hoãn đại hội một lần nữa. Nhiều ý kiến cũng kêu gọi nên đoàn kết lại để đại hội được tiến hành vì 11g trưa vẫn chưa đi vào nội dung chính.
Tuy nhiên xuyên suốt ý kiến các cổ đông chỉ yêu cầu xem xét bầu lại việc chủ toạ đoàn. Lúc 11g đại diện SMBC nêu ý kiến cho rằng thông qua tỉ lệ bầu như vậy chứng tỏ cổ đông không tin tưởng chủ toạ đoàn.
Trong khi đó, ông Cao Xuân Ninh, Chủ tịch HĐQT Eximbank cho biết xấu hổ khi để NH lâm vào khủng hoảng này. Do khủng hoảng, từ chỗ ở vị trí top 5 hiện Eximbank xếp ở vị trí thứ 3 tính từ dưới lên.
Tuy nhiên ông Ninh khẳng định việc bầu làm Chủ tịch HĐQT là hợp pháp, hợp lệ.
Sau đó Eximbank cũng tuyên bố hoãn đại hội cổ đông. Đây là lần thứ hai Eximbank hoãn đại hội. Lần trước vào cuối tháng 4 Eximbank cũng phải hoãn đại hội do tranh chấp giữa các nhóm cổ đông. Sau đó Eximbank ấn định đại hội vào tháng 5 nhưng lại phải dời vì không chuẩn bị kịp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận