TPBank lên nhờ số
Đầu tư lớn cho công nghệ, TPBank đang có những trái ngọt đầu tư từ quản trị, tiết kiệm nguồn lực, hạn chế tổn thất.
Với những kết quả trên, có thể thấy TPBank đã tìm được con đường xây dựng vị thế đặc thù của mình - điểm giao thoa của những giá trị cộng hưởng. Những giá trị đó có thể là mô hình kiểm soát rủi ro hiệu quả từ Basel II; hệ sinh thái ngân hàng tích hợp; hoặc lợi thế công nghệ với các công cụ như LiveBank, Video Teller Machine (VTM)... Đầu tư mạnh vào ngân hàng số, thông điệp mà TPBank gửi đi rất rõ ràng: Người đi tiên phong sẽ chiếm thị phần tốt.
“Đầu tư công nghệ là mạo hiểm, vài trăm đến ngàn tỉ đồng đi như không, nhưng chẳng lẽ không dám làm”, ông Nguyễn Hưng, CEO TPBank, đặt vấn đề. Trên thực tế, với định hướng xuyên suốt là “Ngân hàng số hàng đầu Việt Nam”, TPBank từ lâu đã đầu tư vào công nghệ và có bước tiến khá xa so với các đối thủ. Cụ thể, với hệ thống giao dịch tự động và cơ sở dữ liệu lớn (big data) ngày càng kiện toàn, ngân hàng này có lẽ đang thay đổi cách giao dịch của người dùng theo hướng khá đặc biệt, sáng tạo và phi truyền thống. Điển hình là việc ứng dụng các mô hình như LiveBank hay VTM.
Với đặc tính tự động cao và hoạt động xuyên suốt 24/7, mô hình LiveBank dường như đang lan rộng và thay đổi cách tương tác truyền thống của khách hàng với Ngân hàng. Cụ thể, khách hàng giờ đây mở tài khoản thanh toán, sổ tiết kiệm, thanh toán hóa đơn, hay thậm chí phát hành thẻ nhận ngay eCounter. Trong năm 2019, TPBank dự kiến nâng hệ thống LiveBank lên 200 điểm trên toàn quốc.
Với sự trợ giúp của công nghệ, mỗi tháng hệ thống LiveBank đã phục vụ hơn 2.500 giao dịch thành công. Thế nên, dù đầu tư đến hàng ngàn tỉ đồng, song lợi ích mang về cho TPBank lại chuyển hóa tích cực, trực tiếp lẫn gián tiếp. Về số liệu tài chính, theo báo cáo phân tích ngày 3.10.2019 của Công ty Chứng khoán SSI, thu nhập ngoài lãi của TPBank trong 6 tháng đầu năm tăng mạnh, đạt 1.135 tỉ đồng (tăng trưởng 74,2% so với cùng kỳ). Thu nhập phí ước đạt 485 tỉ đồng. Chi tiết về tỉ trọng, tăng trưởng doanh thu của mảng dịch vụ thanh toán là 94,6% và Bancassurance là 103,2%.
“Phí dịch vụ thanh toán tăng nhờ sự phát triển mạnh mẽ của ngân hàng số như mạng lưới LiveBank và các ứng dụng e-Banking đã trợ giúp cho các dịch vụ gửi tiền và giao dịch qua ngân hàng”, báo cáo SSI nhận xét.
Về mặt phi định lượng, việc ứng dụng công nghệ và cải thiện cách tương tác đang mang lại lợi thế tiềm năng cho TPBank - sự nâng cao trải nghiệm dịch vụ. Trong thế giới 4.0, khi các thế hệ tiêu dùng trẻ như Gen Z hay Milennials đang dần trỗi dậy, thì trải nghiệm đang trở thành xu thế quyết định thói quen sử dụng của khách hàng với doanh nghiệp.
Theo SSI, tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh của TPBank dự phóng đạt 7.932 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.559 tỉ đồng. Trên cơ sở đó, tình hình cổ phiếu TPB được đánh giá là khả quan, với giá mục tiêu 1 năm là 25.200 đồng/cổ phiếu. Yếu tố khiến cổ phiếu tăng giá đến từ thu nhập bất thường, từ hợp đồng bancassurance mà Ngân hàng đang đàm phán.
TPBank vừa ký kết hợp tác với Tổ chức Thanh toán Quốc tế UnionPay (UPI) về việc liên thông thanh toán giữa TPBank và UPI tại Việt Nam, qua đó mang lại sự tiện dụng lớn cho du khách đến từ các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan khi thanh toán tại Việt Nam. Về chuẩn mực quản trị, TPBank đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trao quyết định áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNNN quy định tỉ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (phương pháp tiêu chuẩn của Basel II) kể từ 1.5.2019.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận