TPBank lãi gần 3.800 tỷ đồng nửa đầu năm
Lợi nhuận lũy kế đến 30/6 của TPBank đạt 3.788 tỷ đồng, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm 2021.
Sự bứt phá về lợi nhuận quý II, đạt gần 2.200 tỷ đồng, tăng gần 600 tỷ đồng (gần 34%) so với quý I giúp nhiều chỉ tiêu của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - HOSE: TPB) tăng trưởng vượt trội.
Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của TPBank đạt hơn 310.000 tỷ đồng, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm 2021 và hoàn thành gần 89% kế hoạch mục tiêu. Mức tăng trưởng này cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng trong kỳ của ngân hàng. Theo đó, TPBank không tập trung quá nhiều vào tín dụng mà có sự gia tăng lợi nhuận ở hoạt động dịch vụ và phi tín dụng.
Tổng thu nhập hoạt động của TPBank đạt 8.165 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ dịch vụ đạt 1.192 tỷ đồng, tăng 71,56% so với cùng kỳ nhờ đẩy mạnh hoạt động phát hành thẻ, mở tài khoản, bán chéo bảo hiểm và hoạt động thanh toán. Thu nhập lãi thuần từ dịch vụ chiếm tới 14,6% tổng thu nhập, tăng gần 3,5% so với thời điểm 30/6.
Đang áp dụng theo chuẩn Basel III, các chỉ số về an toàn vốn và thanh khoản được TPBank quản lý chặt chẽ. Theo đó, tỷ lệ an toàn vốn theo Basel III (CAR) tại 31/5/2022 đạt 13,1%, cao hơn so với quy định tối thiểu 8% của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 1%, với danh mục tín dụng được đa dạng hóa, giảm thiểu rủi ro tập trung, đặc biệt trước tác động của đại dịch Covid-19.
TPBank đã điều tiết nhu cầu tăng trưởng huy động theo nhu cầu sử dụng vốn của ngân hàng để đạt được hiệu quả tốt nhất. Tổng huy động đạt trên 276 nghìn tỷ đồng, tăng gần 27% so với cùng kỳ tương đương hơn 58 nghìn tỷ đồng và hoàn thành hơn 94% so với kế hoạch, chủ yếu tập trung vào khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Theo báo cáo của công ty Chứng khoán Vietcombank, chiến lược tập trung vào nhóm khách hàng trẻ giúp TPBank tăng trưởng CASA, bệ đỡ duy trì chi phí huy động trong áp lực lãi suất huy động có kỳ hạn tăng nhẹ. Trong giai đoạn 2015 - 2021, TPBank chứng kiến CASA tăng trưởng gấp bốn lần, từ gần 7.500 tỷ đồng lên gần 31.000 tỷ đồng.
Tính đến nửa đầu năm nay, TPBank tăng thêm gần 1,5 triệu khách hàng mới, tương đương tăng trưởng 25% so với cuối năm 2021, nâng tổng số khách hàng đang phục vụ lên hơn 6 triệu.
Nhà băng này cũng liên tiếp ra mắt sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng. Đơn cử là việc triển khai mô hình kết hợp giữa ngân hàng tự động và cửa hàng tiện lợi mang tên LiveBank+ 24/7. TPBank mong muốn khách hàng của mình được tận hưởng những dịch vụ tài chính mới mẻ như: sử dụng WiFi miễn phí, sạc dự phòng điện thoại, mua nước tự động hay trải nghiệm giao nhận đồ thông minh.
Gần đây, với sự ra mắt tính năng thanh toán bằng khuôn mặt Facepay, khách hàng của TPBank cũng có thể dùng chính khuôn mặt của mình để mua hàng với hệ thống máy được hiện đại tại quầy mà không cần mang theo bất kỳ phương tiện thanh toán nào.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, ngân hàng đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho công nghệ và ngân hàng số. "Xác định đây là một cuộc chơi tốn kém, TPBank vẫn luôn không ngừng đầu tư cho sáng tạo, đổi mới, cập nhật công nghệ, từ đó cho ra đời những sản phẩm đột phá dựa trên nền tảng am hiểu khách hàng, cá nhân hóa tính năng cũng như tăng cường bảo mật an toàn, mục tiêu đem lại trải nghiệm hài lòng và thuận tiện nhất cho khách hàng", lãnh đạo TPBank nói.
Vừa qua, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (VNR) công bố TPBank là một trong 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín, đồng thời là vào top số 4 ngân hàng tư nhân Uy tín nhất của năm 2022. TPBank cũng được VNR xếp hạng là một trong 50 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả, tạp chí Forbes xếp hạng 50 công ty niêm yết tốt nhất trên thị trường.An Nhiên
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận